Theo phản ánh của người dân, doanh nghiệp tư nhân Công Tiến biến bờ đê sông Ngàn Sâu, hành lang bảo vệ cầu Linh Cảm (xã Hòa Lạc, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh) thành bãi tập kết cát trái phép. Người dân nơi đây phải “gồng mình” sống chung với ô nhiễm khói bụi, tiếng ồn.
Bãi tập kết cát trái phép nằm ngay dưới chân cầu Linh Cảm. Ảnh Trần Quốc |
Tấp nập tập kết, vận chuyển cát của doanh nghiệp Công Tiến
Luật Đê điều năm 2006 quy định rõ các hành vi bị nghiêm cấm, gồm: Phá hoại đê điều; sử dụng xe cơ giới vượt quá tải trọng cho phép đi trên đê; đổ chất thải trong phạm vi bảo vệ đê; để vật liệu trên đê; chiếm dụng, sử dụng hoặc di chuyển trái phép vật tư dự trữ phòng, chống lũ, lụt, bão… Thế nhưng, tuyến đê sông Ngàn Sâu đoạn qua thôn Đông Xá, xã Hoà Lạc, đang bị doanh nghiệp Công Tiến biến thành nơi tập kết cát trái phép, phục vụ lợi ích cá nhân.
Ông L.T.D. ở thôn Đông Xá (xã Hoà Lạc, huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh), bức xúc nói: “Mặc dù cơ quan chức năng nhiều lần lập biên bản, yêu cầu bãi tập kết cát trái phép phải giải tỏa, không hiểu vì sao sau đó doanh nghiệp này tiếp tục hoạt động bình thường, gây bức xúc trong nhân dân”.
Doanh nghiệp tư nhân Công Tiến biến hành lang đê điều thành bãi cát trái phép. |
Theo ghi nhận của PV Khoa học & Đời sống, hoạt động tập kết, vận chuyển cát của doanh nghiệp Công Tiến diễn ra tấp nập, những đống cát trái phép vẫn mọc lên. Nằm sát quốc lộ 8A, vị trí thuận lợi, rất đông phương tiện vận tải ra vào để chở cát, gây mất an toàn giao thông.
Trong khi đó, hệ thống đê điều, đường giao thông dẫn vào bãi tập kết cát trái phép này đang bị xuống cấp nghiêm trọng. Xe tải chạy với tốc độ cao làm cho đời sống sinh hoạt của nhiều hộ gia đình bị đảo lộn, việc kinh doanh, buôn bán gặp khó khăn.
Trả lời phản ánh của phóng viên, ông Thái Sơn Vinh - Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Đức Thọ - cho biết: “Chúng tôi đã nhiều lần ra văn bản yêu cầu dừng hoạt động bãi tập kết cát trái phép của doanh nghiệp Công Tiến. Tuy nhiên, đơn vị này không chấp hành”.
Có giải tỏa xong bãi tập kết cát trái phép vào ngày 10/5?
Ngày 4/5/2023, PV đã làm việc với ông Nguyễn Anh Đức - Phó Chủ tịch UBND huyện Đức Thọ, được khẳng định: “Cảm ơn các đồng chí đã thông tin, tôi sẽ chỉ đạo thành lập đoàn lên kiểm tra, xử lý ngay”.
Đoàn kiểm tra được thành lập ngay trong ngày 4/5 gồm cán bộ Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện, Chủ tịch UBND xã Hòa Lạc và cán bộ địa chính xã, đã đến làm việc với doanh nghiệp Công Tiến.
Hơn 10 năm nay, người dân nơi đây sống chung với ô nhiễm khói bụi, tiếng ồn. |
Theo biên bản làm việc, đoàn kiểm tra ghi nhận hiện trạng tại vị trí 1, doanh nghiệp tư nhân Công Tiến đã tập kết cát ngoài phạm vi đất được thuê là 140m2 với khối lượng 200m3. Trong khi đó, tại vị trí 2 trên hành lang bờ sông bị doanh nghiệp này tập kết khối lượng cát là 150m3 trên diện tích 250m2 vi phạm. Đồng thời, tại đây có 2 cần cẩu trong phạm vi hành lang sông.
Đoàn kiểm tra đã yêu cầu doanh nghiệp phải giải tỏa khu vực tập kết cát để trả về nguyên trạng ban đầu; giải tỏa các phương tiện máy móc… thời hạn hoàn thành giải tỏa trước ngày 10/5/2023. Biên bản đã được chủ doanh nghiệp Công Tiến là ông Phạm Quang Tiến ký nhận.
Ngày 9/5, trả lời PV, ông Phạm Quang Tiến - Giám đốc Doanh nghiệp tư nhân Công Tiến - cho biết: "Vừa rồi, huyện có về kiểm tra, lập biên bản và yêu cầu phải di dời hết. Chúng tôi đang triển khai thực hiện việc này”.
Tuy nhiên, khu vực vi phạm của doanh nghiệp này vẫn chưa có dấu hiệu giải tỏa và chưa biết đến bao giờ sẽ được giải tỏa. Vì sao bãi tập kết cát trái phép từ nhiều năm vẫn tồn tại, bất chấp yêu cầu giải tỏa của cơ quan chức năng và quy định của pháp luật? Nguyên nhân là cơ quan quản lý tại địa phương chưa quyết liệt hay do chưa có chế tài đủ mạnh để xử lý dứt điểm?
Khoa học & Đời sống sẽ thông tin tiếp về việc vụ này.
Điều 10 Nghị định 23/2020/NĐ-CP quy định về khai thác cát, sỏi lòng sông và bảo vệ lòng, bờ bãi sông. Theo đó, tổ chức, cá nhân được phép khai thác hoặc kinh doanh cát, sỏi khi tập kết tại các bến, bãi phải đáp ứng yêu cầu: Khu vực bến, bãi chứa cát, sỏi nằm trong phạm vi cảng đường thủy nội địa theo quy định của Luật Giao thông Đường thủy nội địa. Trường hợp bến, bãi trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi hoặc liên quan đê điều phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy phép theo quy định của pháp luật về thủy lợi, đê điều. Phải lắp đặt bảng thông báo để công khai thông tin của bến bãi tập kết cát, sỏi với nội dung: Địa chỉ cung cấp cát, sỏi được tập kết tại bến bãi; lắp đặt trạm cân, camera để giám sát khối lượng cát, sỏi mua - bán tại bến bãi, diện tích bến bãi. |
Tác giả: Trần Quốc
Nguồn tin: doisong.trithuccuocsong.vn