Tin Hà Tĩnh

Hà Tĩnh: Án đã tuyên, nhưng liệu có dấu hiệu “Làm sai lệch hồ sơ vụ án”?

Sau một ngày xét xử, Toà án nhân dân (TAND) tỉnh Hà Tĩnh đã tuyên phạt đối với 2 cha con bị cáo Nguyễn Văn Pháp 16 năm tù và Nguyễn Văn Đức 15 năm tù cùng về tội “Giết người”. Tuy nhiên, có một tình tiết mà Luật sư bào chữa cho 2 bị cáo cho rằng việc không đưa các tài liệu vào hồ sơ vụ án là có dấu hiệu của tội “Làm sai lệch hồ sơ vụ án” theo Điều 375 Bộ luật Hình sự.

Sau một lần trả hồ sơ vụ án để điều tra bổ sung, ngày 28/4/2023, lần thứ 2 TAND tỉnh Hà Tĩnh tiếp tục xét xử sơ thẩm vụ án hình sự đối với 2 cha con bị cáo Nguyễn Văn Pháp (SN 1959) và bị cáo Nguyễn Văn Đức (SN 1994), đều trú tại xã Cẩm Lộc, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh, bị Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Hà Tĩnh truy tố về tội “Giết người” theo điểm n, khoản 1, Điều 123 Bộ luật Hình sự tại Cáo trạng ngày 16/01/2022.

Bị cáo Pháp và Đức tại tòa sơ thẩm ngày 28/4/2023.

Theo kết luận Cáo trạng, khoảng 14h ngày 30/5/2022, tại vùng biển thuộc xã Yên Hòa, huyện Cẩm Xuyên do mầu thuẫn phát sinh khi thuyền của Nguyễn Văn Pháp vướng vào lưới của ông Trần Vĩnh Thức (SN 1969) trong lúc đánh bắt cá nên Nguyễn Văn Pháp và Nguyễn Văn Đức đã điều khuyển thuyền đâm vào thuyền ông Trần Vĩnh Thức. Sau đó, Đức dùng mái chèo bằng gỗ đánh 3 phát, trong đó 1 phát trúng vào vùng trán và gò má bên phải, 1 phát trúng vào vùng đầu phía sau bên trái và 1 phát trúng vào tay trái ông Thức khi ông Thức đang đưa tay lên che phía sau đầu. Nguyễn Văn Pháp dùng “khấu” (làm bằng thân tre khô có gắn móc kim loại hình lưỡi câu) đánh 3 phát vào người ông Thức. Do bị đánh gây chấn thương sọ não, nên ông Trần Vĩnh Thức đã rơi xuống biển và được Pháp và Đức vớt lên thuyền thúng sơ cứu nhưng ông Trần Vĩnh Thức đã tử vong do “ngạt nước ở người bị chấn thương sọ não”.

Tại phiên tòa xét xử sơ thẩm trước đó vào ngày 29/3/2023, sau khi kiểm sát viên công bố cáo trạng, cả hai bị cáo Pháp và Đức thay đổi lời khai và cho rằng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Hà Tĩnh truy tố các bị cáo không đúng người, không đúng tội; không thừa nhận về việc có mâu thuẫn khi điều khiển thuyền đánh cá trên biển dẫn đến Pháp và Đức đánh ông Trần Vĩnh Thức tử vong, mà nguyên nhân dẫn đến cái chết của ông Thức là do vụ tai nạn trên biển (thuyền của Nguyễn Văn Pháp đâm vào thuyền ông Trần Vĩnh Thức), sau đó ông Thức rơi xuống biển và va vào vật khác dẫn đến tử vong.

Tại tòa, bị cáo Đức khai, hôm đó vào khoảng 10h ngày 30/5/2022, bị cáo Đức và bị cáo Pháp cùng 2 cháu ngoại của bị cáo Pháp (Lê Nguyễn Duy Khang, SN 2010 và Lê Hoàng Bách, SN 2012 đều trú ở xã Cẩm Lộc) ra đánh bắt cá từ biển Cẩm Trung đến biển Yên Hòa. Đánh được khoảng 30 phút bị cáo Đức vào nấu cơm. Ăn xong, bị cáo Đức cầm lái, còn bị cáo Pháp nhặt cá trước thuyền. Khoảng 20 phút, bị cáo Pháp nói ở bên kia có mấy thuyền đánh cá chắc có nhiều cá lắm, và bảo bị cáo Đức nâng te lên (2 càng xúc cá bằng thân gỗ- P.V) để chạy về phía đó. Sau đó bị cáo Đức đổi lái cho cha bị cáo. Đức chạy lên trước mùi thuyền ngồi nhặt cá, mặt quay về hướng cha bị cáo cầm lái. Khoảng 20 phút thì bị cáo Đức nghe tiếng rầm. Lúc này cháu Khang đang nằm trên nốc thuyền chạy ra hô lên: “Thấy thuyền mà không thấy người”. Bị cáo cũng hô lên thấy có một thuyền nan, không thấy người. Sau đó thấy bố bị cáo nhảy xuống sau đuôi thuyền, nắm cổ áo ông Thức kéo lên thuyền thúng đưa sơ cứu rồi đưa vào bờ.

Luật sư phối hợp cùng người thân gia đình bị can Nguyễn Văn Pháp diễn lại thuyền của ông Pháp đâm vào thuyền nan của ông Thức.

Bị cáo Pháp nói, lúc đó bị cáo đang cầm lái, mắt nhìn máy dò, nâng te lên cao thì thuyền bị cáo đâm vào mạn thuyền ông Thức, làm ông Thức rơi xuống nước. Khoảng vài phút sau thì bị cáo Pháp thấy ông Thức nổi lên mặt nước, cách đuôi thuyền bị cáo khoảng 5-7 mét, bị cáo dùng thuyền thúng vớt ông Thức lên sơ cứu và đưa vào bờ... chứ bị cáo và con bị cáo không đập ông Thức. Bị cáo khẳng định là thuyền của bị cáo đâm vào người ông Thức sau đó ông Thức rơi xuống nước và va vào vật khác dẫn đến tử vong.

Từ việc thay đổi lời khai, không nhận tội của 2 cha con bị cáo Pháp và Đức, đồng thời để làm rõ một số tình tiết liên khác liên quan, Chủ tọa tuyên bố hoãn phiên tòa để yêu cầu các điều tra viên, giám định viên, người làm chứng có mặt tại phiên tòa tiếp theo.

“Trước đó, khi có kết luận điều tra, kiểm sát viên vào phúc cung thì bị cáo Pháp và Đức đã thay đổi lời khai. Do đó, ngày 03/11/2022, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Hà Tĩnh đã quyết định trả hồ sơ vụ án giết người xẩy ra ngày 30/5/2022 tại vùng biển xã Yên Hòa cho Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT) Công an tỉnh Hà Tĩnh để để điều tra, thu thập các tài liệu, chứng cứ để chứng minh hành vi phạm tội của các bị can Nguyễn Văn Pháp và Nguyễn Văn Đức như: Tiến hành thực nghiệm điều tra việc khi chân vịt thuyền của Nguyễn Văn Pháp vướng vào dây phao lưới rồi dùng dao cắt đứt dây phao lưới của ông Thức; việc bị can dùng các ngư cụ có sẵn trên thuyền đánh ông Thức như vậy có thực diện được không… và lý do việc thay đổi lời khai không thừa nhận tội “Giết người” của Nguyễn Văn Pháp và Nguyễn Văn Đức…”, Luật sư Nguyễn Hữu Liêm nói.

Căn cứ vào tài liệu, chứng cứ đã thu thập được trong quá trình điều tra bổ sung, Cơ quan CSĐT quyết định chuyển toàn bộ hồ sơ vụ án, hồ sơ điều tra bổ sung và bản kết luận điều tra bổ sung vụ án hình sự đến Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Hà Tĩnh đối với 2 bị can Nguyễn Văn Pháp và Nguyễn Văn Đức về tội “Giết người”.

Khác với phiên tòa xét xử sơ thẩm trước đó vào ngày 29/3/2023, Chủ tọa mời thêm 4 điều tra viên, giám định viên tư pháp thuộc Phòng Kỹ thuật hình sự Công tỉnh Hà Tĩnh và 3 người làm chứng khác, tất cả đều có mặt tại tòa. Luật sư bào chữa cho hai bị cáo lần này cũng thay đổi là Luật sư Nguyễn Hữu Liêm và Luật sư Bùi Thị Thanh - Văn phòng Luật sư Tuổi trẻ, thuộc Đoàn Luật sư Nghệ An.

Cũng như phiên sơ thẩm ngày 29/3, 2 bị cáo Nguyễn Văn Pháp và Nguyễn Văn Đức lại thay đổi lời khai, không nhận tội “Giết người” như cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Hà Tĩnh truy tố. Lý do mà các bị cáo đưa ra như lần xử lần trước là thuyền của bị cáo đâm vào thuyền bị hại, dẫn đến ông Thức rơi xuống biển, chết. Cả 2 bị cáo khẳng định trước Hội đồng xét xử là không đánh ông Thức... Các bị cáo khai và viết lời khai theo theo yêu cầu của điều tra viên… bị cáo bị ép cung, mớm cung…

Trả lời câu hỏi của Chủ tọa, các điều tra viên đều khẳng định rằng không có việc ép cung, mớm cung các bị cáo. Khi ra đầu thú 2 bị cáo rất ân hận việc phạm tội của mình. Chủ tọa hỏi 3 cô gái làm chứng có mặt khi điều tra viên, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Hà Tĩnh lấy lời khai các bị can, cả ba người trả lời là không thấy mớm cung, không ép cung các bị can.

Để làm rõ các nội dung mâu thuẫn, thay đổi lời khai, không nhận tội của 2 bị cáo, Chủ tọa phiên tòa cho công khai các đoạn video liên quan đến điều tra vụ án, trong đó có 2 video cán bộ Viện Kiểm sát và Công an làm việc với bị can Nguyễn Văn Pháp và bị can Nguyễn Văn Đức; video kết quả thực nghiệm điều tra giữa thuyền của bị can Pháp và của ông Thức khi va chạm trên biển. Xem xong các đoạn video, bị cáo Pháp trình bày, điều tra viên trước đó ép bị cáo khai, lời khai trong video là do trước đó bị cáo bị ép buộc, hành động cũng theo ép buộc của điều tra viên… Tuy nhiên, điều tra viên phủ nhận lời của bị cáo Nguyễn Văn Pháp.

Trong phần xét hỏi, Luật sư đề nghị 2 bị cáo Pháp và Đức trả lời cho Hội đồng xét xử biết, từ ngày 30/5/2022 đến 10/6/2022, các điều tra viên mấy lần làm việc với các bị cáo? Bị cáo Đức trả lời có 9 lần làm việc với các điều tra viên, trong đó có 6 lần có biên bản ghi lời khai và bị cáo viết bản tự khai. Bị cáo Pháp trả lời có 9 lần làm việc với cán bộ điều tra, trong đó có 7 lần có biên bản lấy lời khai và bản tự khai, tất cả các bản khai này đều có nội dung là tai nạn đâm thuyền. Tuy nhiên khi trả lời trước Hội đồng xét xử, các điều tra viên đã phủ nhận các buổi làm việc trên với các bị cáo và chỉ nhận có duy nhất một biên bản ghi lời khai và bản tự khai ngày 30/5/2022 của các bị cáo. Luật sư cho rằng việc không đưa các tài liệu vào hồ sơ vụ án là có dấu hiệu của tội “Làm sai lệch hồ sơ vụ án” theo Điều 375 Bộ luật Hình sự.

Trả lời câu hỏi của Luật sư trước hội đồng xét xử, bị cáo Pháp còn cho biết, trong khi tạm giam tại Công an huyện Đức Thọ (Hà Tĩnh), bị cáo ở chung buồng với một người tên là Lâm. Người này hỏi bị cáo Pháp cần gọi điện gặp người nhà không? Bị cáo trả lời không nhớ số điện thoại. Lâm gọi cho ai đó lấy số điện thoại người nhà bị cáo Pháp và đưa điện thoại cho bị cáo Pháp gọi về gặp con gái và con rể. Nghe trong điện thoại người nhà của bị cáo nói đã chuyển 20 triệu đồng vào tài khoản do Lâm cung cấp (có sao kê chuyển tiền, có tin nhắn).

Sao kê chuyển tiền


Bị cáo Pháp còn khai, hôm sau cán bộ điều tra viên đến làm việc nói rằng bị cáo vừa rồi gọi điện thoại về cho người thân để thông cung đúng không, rồi xúc phạm bị cáo… Cán bộ điều tra còn nói rằng, sau cuộc thông cung, các con của bị cáo bị bắt cả rồi, nếu không nhận tội “Giết người” thì cả 3 người con của bị cáo đều bị đi tù về tội “Thông cung” dẫn đến việc bị cáo khai nhận tội không đúng sự thật.

Đối đáp lại Luật sư, kiểm sát viên cho biết, khi Viện tiếp nhận hồ sơ, quá trình điều tra không có cơ sở nào để nói bị cáo Pháp và Đức bị giam giữ từ ngày 30/5 đến 10/6/2022 tại Công an huyện Cẩm Xuyên, vì trong hồ sơ lệnh tạm giữ bắt đầu từ ngày 10/6/2022. Trong khi đó bị cáo Pháp và Đức đều khẳng định bị Công an giữ tại Công an huyện Cẩm Xuyên từ ngày 30/5/2022. Còn viêc có người tên Lâm đưa điện thoại vào buồng giam cho ông Pháp sử dụng hay không sẽ xem xét xử lý sau.

Về nội dung, Luật sư Liêm cho rằng, bị cáo Đức không thể dùng mái chèo thực hiện hành vi đánh ông Thức như Cáo trạng mô tả, trong khi tay phải Đức vịn sào te, tay trái cầm mái chèo dài 1,8 mét để đánh từ trên xuống dưới, từ trái qua phải vào gò má bên phải, vào vùng đầu phía sau bên trái, trúng vào tay trái của ông Thức. Vết da bị sứ hình chữ L trên lông mày trái, vết rách từ dưới lên càng mâu thuẫn với mái chèo nếu đánh từ trên xuống. Luật sư cũng dùng thuyền của bị cáo Pháp, và mượn thuyền có kích thước giống thuyền của bị hại diễn lại lúc 2 thuyền đâm nhau trên biển, thấy rằng do gió mạnh, sóng lớn nên thuyền của bị cáo và bị hại không thể dừng lại sát mạn thuyền nhau 2 đến 3 phút để bố con bị cáo Pháp thực hiện việc dùng các ngư cụ có sẵn đánh ông Thức dẫn đến tử vong. Trên cơ sở đó Luật sư đề nghị Hội đồng xét xử trả hồ sơ để điều tra bổ sung.

Đáp lời Luật sư, quan điểm của Viện Kiểm sát cho rằng, trong khi thực nghiệm điều tra thuyền của bị cáo và thuyền của bị hại Viện dựa trên lời khai của 2 bị cáo. Việc Luật sư đưa ra không thực hiện được việc đánh chết người là không có cơ sở... Vì dấu vết trên người bị hại Viện rất quan tâm được thể hiện trong văn bản. Từ ngày 10/6 đến khi kết luận điều tra, lời khai của các bị cáo trùng nhau từng chi tiết... Quan điểm của Viện Kiểm sát là giữ nguyên đề xuất mức án từ 14 đến 15 năm đối với bị can Nguyễn Văn Đức và 15 đến 16 năm đối với bị can Nguyễn Văn Pháp.

Các điều tra viên đều khẳng định trước Hội đồng xét xử là quá trình làm việc với các bị cáo đều thể hiện trong hồ sơ, làm việc công tâm, đúng pháp luật, không mớm cung, không ép cung… Trước khi Hội đồng vào nghị án, các bị cáo được nói lời sau cùng, 2 bị cáo đều kêu oan, giờ không biết kêu ai, cũng không ai nghe cha con bị cáo nói, chỉ biết tòa là cha là mẹ soi xét cho cha con bị cáo...

Sau khi xem xét các tình tiết, tăng nặng, giảm nhẹ hình phạt, toàn diện nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu, nội dung vụ án, chiều cùng ngày, Chủ tọa quyết định tuyên phạt bị cáo Nguyễn Văn Pháp 16 năm tù giam, bị cáo Nguyễn Văn Đức 15 năm tù giam, tính từ ngày tạm giam.

Án đã tuyên, nhưng có những tình tiết như vị luật bào chữa cho 2 bị cáo đưa ra trước tòa khi tranh tụng cho rằng việc không đưa các tài liệu vào hồ sơ vụ án là có dấu hiệu của tội “Làm sai lệch hồ sơ vụ án”, hy vọng TAND Cấp cao tại Hà Nội sẽ làm rõ trong phiên tòa phúc thẩm tới đây, để đảm bảo xử đúng người đúng tội, tránh oan sai./.

Tác giả: Quang Tiến

Nguồn tin: tamnhin.trithuccuocsong.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP