Đã có gần chục hộ dân xây dựng nhà cửa ở khu TĐC Yên Hồ nhưng đến nay nơi đây vẫn chưa có điện và nước sạch |
Khu TĐC chưa điện và nước sạch
Khu TĐC Dự án cao tốc Bắc - Nam ở xã Yên Hồ, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh những ngày đầu tháng 12/2020 ồn ào, nhộn nhịp hẳn lên. Theo quan sát, đến chiều 30/11, đã có gần chục hộ triển khai xây dựng nhà cửa. Nhiều hộ đang thi công đóng cọc nhồi, trong khi có hộ đã xong phần móng... Một cuộc sống mới đang hiện hữu nơi đây.
Tuy nhiên, một điều khiến người dân TĐC hết sức bức xúc là đến nay vẫn chưa có điện và nước sạch dù hệ thống hạ tầng điện và nước đã cơ bản hoàn thiện.
Đã xong phần cọc nhồi, đang xây dựng phần móng nhà nhưng một tuần nay, để có nước cho thợ nhồi hồ, gia đình ông Trần Quốc Việt (69 tuổi) phải múc từng xô nước dưới ruộng lên đổ vào bể chứa để lắng rồi mới sử dụng được.
Dù cột điện, công tơ đã được lắp đặt ở khu TĐC Yên Hồ nhưng người dân vẫn chưa có điện |
Ông Việt bức xúc: Khi nhận thông tin dự án đường bộ cao tốc đoạn qua Đức Thọ ảnh hưởng đến đất đai, nhà cửa đang sinh sống ổn định. Dù phải di dời khỏi khu đất tổ tiên để lại, cuộc sống bị xáo trộn nhưng vì công trình trọng điểm của quốc gia, gia đình tôi vẫn vui vẻ đồng tình.
Vừa qua, gia đình tôi cùng 27 hộ dân khác trong thôn Tiến Thọ đã ký nhận tiền đền bù và bốc thăm nhận đất TĐC. Để sớm ổn định cuộc sống, ngày 24/11 gia đình tôi động thổ xây dựng nhà cửa ở khu TĐC mới tá hỏa khi biết chưa có điện và nước sạch trong khi hạ tầng điện nước đã được xây dựng.
“Không có điện và nước, việc thi công gặp rất nhiều khó khăn và bất tiện. Lấy nước bẩn dưới ruộng tôi lo công trình không đảm bảo chất lượng. Điện thì phải kéo dây từ xa về nên rất nguy hiểm”, ông Việt nói.
Nhiều hộ dân đã đóng cọc nhồi nhưng chưa thể triển khai xây dựng tiếp vì chưa có điện và nước |
Cũng chính vì xách nước từ xa về để thợ xây nhà ở khu TĐC, ông Trần Văn Giao (57 tuổi) không may bị ngã gãy bàn chân trái, phải ngồi một chỗ từ nhiều ngày nay.
Ông Giao chia sẻ: Trong quá trình GPMB, cứ nghe dân nói gì là cán bộ về tận nhà vận động, xin không khiếu nại, khiếu kiện. Tôi nói, dân Yên Hồ từ bao đời nay luôn đồng hành cùng chính quyền để thực hiện các dự án đầu tư tại đây hoặc đi qua đây.
Để có nước xây nhà, gia đình ông Trần Quốc Việt phải xách nước dưới ruộng lên rồi đổ vào bể chứa để lắng |
“Chúng tôi là những hộ dân chấp hành nghiêm chủ trương của nhà nước, đi đầu trong bàn giao mặt bằng, nhận đất tái định cư. Thì ngược lại, chính quyền cũng phải tạo điều kiện tốt nhất cho chúng tôi chứ. Điều kiện hạ tầng chưa đảm bảo như thế này đã gây ra nhiều khó khăn, tốn kém thêm tiền bạc, công sức của người dân. Chúng tôi đã kiến nghị lên chính quyền địa phương rất nhiều lần nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết”, ông Giao nói.
Đừng để dễ thành… khó
Trước thực tế này, ông Bùi Anh Sơn, Chủ tịch UBND xã Yên Hồ thừa nhận những phản ánh của người dân là chính xác. Có nước sạch và điện để triển khai thi công xây dựng nhà cửa là nguyện vọng chính đáng của người dân.
Trong lúc xách nước để làm nhà, ông Giao không may bị ngã gãy bàn chân trái |
“UBND xã đã gửi tờ trình lên UBND huyện sớm bàn giao hạ tầng điện cho ngành điện để sớm triển khai bán điện cho dân. Ngoài ra, về nguyên tắc, người dân phải lên Điện lực huyện để làm hồ sơ nhưng xã cũng đã kiến nghị Điện lực huyện trực tiếp về giúp dân làm hồ sơ”, ông Sơn nói.
“UBND huyện đang chỉ các đơn vị liên quan khẩn trương hoàn thiện các hạng mục để cấp nước sạch và điện cho người dân sớm nhất”, ông Nguyễn Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND huyện Đức Thọ. |
Còn về nước sạch, ông Sơn cho biết: Hiện hạ tầng nước sạch chỉ mới đấu nối được một nửa đường ống. Với phần đã được đấu nối, UBND xã đã chỉ đạo HTX Dịch vụ nước sinh hoạt Yên Hồ khẩn trương lắp đồng hồ nước đến tận các hộ dân. Nửa còn lại, địa phương cũng đang đốc thúc các đơn vị liên quan sớm hoàn thiện đấu nối.
Cùng quan điểm, ông Hà Trọng Thể, Giám đốc Chi nhánh Điện lực Đức Thọ cho biết thêm: Hạ tầng ở khu tái định cư Yên Hồ đang thuộc quản lý của UBND huyện nên ngành điện chưa thể triển khai bán cho dân. Còn để bán điện cho dân thì rất đơn giản, hộ dân làm hồ sơ mua điện rồi lên nạp tại trụ sở Chi nhánh Điện lực Đức Thọ hoặc có thể nạp qua cổng thông tin điện tử. Sau khi kiểm tra, đầy đủ các yêu cầu, ngành điện sẽ tiến hành cấp điện ngay.
Để có điện, người dân phải kéo hàng trăm mét dây đi giữa đất, rất nguy hiểm |
“Trước mắt, nếu UBND huyện chưa bàn giao hạ tầng điện lưới ở khu TĐC Yên Hồ thì cứ cho ngành điện mượn để cấp điện cho dân. Sau khi hoàn thiện xong xuôi các vấn đề, UBND huyện mới bàn giao cho ngành điện cũng được”, ông Thể nêu đề xuất.
Tác giả: Sỹ Hòa
Nguồn tin: Báo Giao Thông