Tuỳ bút Quê hương

Giới thiệu "TRƯỜNG CA ĐỒNG LỘC" (Chương 2)

Cho đến khi viết những lời này, Đồng Lộc chiến tranh vẫn ám ảnh tôi suốt bốn chục năm qua. Nói như nhà thơ Nguyễn Hoa là “Cuộc chiến tranh vẫn không chịu ra khỏi tôi”.

Tin liên quan;


>> Giới thiệu “TRƯỜNG CA ĐỒNG LỘC” (Chương 1)


CHƯƠNG HAI


NGÃ BA


Nơi La đến: Ngã Ba Đồng Lộc


nơi tuổi thơ cắt cỏ chăn trâu


những buổi chiều sim tím sim nâu


ăn không hết, đựng đầy túi áo


nơi mỏm đá Mùa thường ngồi thổi sáo


đàn trâu đen rong ruổi hoàng hôn


những đám mây ngũ sắc lang thang


nhập vào đá sỏi


nhập vào khói bếp cuối làng


nơi con suối nước trong nho nhỏ


mỗi lần rửa cỏ


La gọi thầm: Suối Út ơi!


suối Út là con út của đất và trờiLa, con út của cha và mẹ


suối Út chảy qua đồi Đồng Lộc


La như con suối sinh ra từ tình yêu


của mẹ cha nghèo



Nhưng suối Út ơi, suối Út chẳng biết đâu


nơi ngã ba đường hiểm trở


những quả bom của kẻ thù xám úa


như răng thú dữ


cắn vào suối Út, cắn vào ngã ba này


răng chúng dính đất đai


dính máu sông máu suối



Kẻ thù


những cái mồm đen tối


sống lật bàn tay


như khi đang bay trên trời


nó lật cánh cắt bom đột ngộtkẻ thù


những tổng thống kếch sù buôn máu


những nghị viện luôn sờ tay túi quần túi áo


dáng nghĩ suy đếm nhẩm tiền vàng


và tính nhẩm đạn bom


sẽ ném xuống dòng sông ngọn núi


sẽ ném xuống con đường nơi hiểm yếu


nơi những người diệt chúng sẽ đi qua…


La đến đây


nơi ngã ba trụi trần đất đỏ


ngã ba nắng, ngã ba gió


ngã ba đất, ngã ba trời


ngã ba xe, ngã ba người


ngã ba bom đạn


cây muỗm chạc ba ngã xuống


nhập vào ngã ba tro than


gốc bám phía nam


cành vươn phía bắclá cháy nhập vào màu áo đoàn quân


dưới ánh sáng mặt trời


ánh sáng trái tim người


cuộc quang hợp màu xanh…


Ngã Ba


Mọc những căn hầm chữ A


cửa mở phía mặt đường


cửa mở phía chiến trường


những cô gái lòng hướng về phía đó


những cô gái mở đường, rất trẻ


với La, là đồng chí,


với La, là em, là chị


là Tần, là Cúc, là Xanh…


những cái tên hiền lành


hôm qua còn đuổi nhau quanh ngã ba xóm nhỏ


nụ cười tuổi trẻ


rung rinh mấy cành bèo vương.


………..



Rồi một sớm – bình minh


La cùng Tần, Xanh, Cúc…


đứng như tạc vào nền trời Đồng Lộc


nhìn xuống ngã ba đường


Xanh bỗng reo lên, giọng vang như chuông:


“- Ngã Ba xòe bình minh rẻ quạt


mỗi ngả đường một tia hồng sáng rực


những tia hồng dừng lại ở nơi đâu?”



Cúc đẫy đà, cắm xẻng xuống đất nâu:


“- Những tia nắng bắt đầu từ xẻng cuốc


chỉ dừng lại nơi con người bất lực


nơi con người chồn gối trước Tương lai!”



Tần trầm tư, ý tứ mỉm cười:


“- Nhìn Ngã Ba mình nhớ bài hình họcbài toán ấy như một niềm thúc giục


về những cách giải gọn gàng


khi đứng trước Ngã Ba!”


Rồi họ đi dưới tán bạch đàn che


dưới tiếng lá lao xao trò chuyện


ôi tiếng lá khi gần như tiếng đất


khi xa vời như tiếng các vì sao…



Rồi họ đào, họ gánh


trong rát bỏng gió Lào


trong nắng cháy chân trần, tay áo xắn


đất và đá


yếu mềm và cứng rắn


cán xẻng với tay người


đòn gánh với vai người


con đường và trái núi


phá và xây ngày tháng đỡ đần nhau…


Và đêm


đêm bị xắn ra bằng lưỡi xẻng


đêm bị xắn ra bằng choòng bằng cuốc


đêm chuyển dời


theo tiếng bước chân


đêm bồng lên khi tiếng hát trong ngần


bay từ vồng ngực con gái


đêm giãn ra


đêm nén lại


đêm vỡ tan trong đột ngột tiếng cười.



Cũng có khi


đêm ướt đẫm mồ hôi


họ bỗng thấy sao trời đậu trên má, trên cánh tay


sao di động nhanh và uyển chuyển


theo ba hướng con đường


rồi trở về nơi Ngã Ba hội tụ


có một lần nào đó


La gọi thầm: Ôi, Ngã-ba-sao!


Ý nghĩ của La chẳng ngây thơ đâu


Ý nghĩ ấy cũng chẳng hề già cỗi


Ngã-ba-sao! mấy lời cô thầm gọi


thật hồn nhiên và chín chắn dường nào


ấy là La đã nghĩ về bè bạn


những con người giản dị, lớn lao!…



Cho đến lúc những vì sao trên trời


tan vào mây xanh mây trắng


cho đến lúc con đường chan chứa nắng


dưới hàng cây chưa lặn những mặt người


cho đến lúc xe quavang vọng tiếng còi


bao cô gái mới về căn hầm chật


qua cửa hầm, mắt những người lái xe gặp


bao nụ cười lấp lánh dưới đất sâu….


– Có gì lạ?


“thật là giản đơn”, La nghĩ


nếu không có cuộc hành quân đánh Mỹ


thì ngã ba này như mọi ngã ba thôi


đồi Đồng Lộc vẫn như con rùa ngủ


đầu cúi trước đại dương


lưng tựa vào rú Bụt


rồi thỉnh thoảng rùa giật mình thức giấc


nhìn đoàn xe chở gỗ đi qua


màu bụi trên thùng xe thay cho giấy nhật trình


xe từ Khe Giao, Thông Linh, Hương Sơn, Linh Cảm?


ra Vinh hay về Đò Điệm


xe đi rồi, rùa lại cúi thiu thiu


lắng tiếng động dập dìu


quanh ruộng đồng xóm mạc


những âm thanh quen thuộc


như điệu hát ru thanh bình…


và,


những đứa trẻ chăn trâu lớn lên


sẽ đi xa quê hương bỗng nhớ


vệt bánh xe Ngã Ba chiều mưa


nhắc kỷ niệm ấu thơ


trên mỗi trang thư


bỗng muốn làm con sẻ đồng bay về tuổi nhỏ…


– Có gì lạ?


“thật là đơn giản


mẹ ơi,


hôm mẹ tiễn con đi đến vùng bom đạn


mẹ chỉ dặn


sống cho xứng với chị em, bầu bạn


sống cho xứng…


ôi, đời mẹ đã về chiều


vẫn dành con tia nắng nồng đượm nhất


sống cho xứng…


khi dân tộc đang đứng trước một ngã ba thử thách


chiến thắng hay đầu hàng


ngày hay là đêm


mình làm chủ đời mình hay sống đời nô lệ


sống cho xứng… giản đơn lời mẹ


đưa con cùng đồng đội đến ngã ba này


như một câu trả lời, như một ý thơ hay.


– Có gì lạ?


– Thật là đơn giản


bom đạn giặc bay tung đất đá


bay tung con đường


rồi đất đá lại trở về đất đá


rồi con đường vẫn là con đường ấy


với Ngã Ba vẫn Ngã Ba nàybởi con vẫn là con của mẹ


bởi đoàn xe không thể nào dừng lại


người vẫn gọi người


máu thịt vẫn gọi về máu thịt


nửa nước vẫn gọi về nửa nước


tiếng vọng xuyên con đường


xoáy lại mỗi ngã ba


ngã ba!


mỗi ngã ba trên cơ thể đất đai


những ngày cứu nước


hướng đi của đoàn quân không thể nào đổi khác


Ngã Ba như mũi tên


chỉ về phía chiến trường ác liệt.



Còn nữa.

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP