Nhu cầu dùng nước trong KKT Vũng Áng tăng đột biến
Mới 4 năm thôi và dù các dự án trọng điểm quốc gia tại Khu kinh tế (KKT) Vũng Áng đang trong giai đoạn đầu tư xây dựng nhưng nhu cầu dùng nước đến năm 2015 đã có sự gia tăng đột biến: từ 49.000 m3/ngày đêm (theo Quyết định phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng KKT Vũng Áng đến năm 2025) lên 364.528 m3/ngày đêm; đáng kể nhất trong số đó là Dự án Formosa với 173.400 m3/ngày đêm.
Tuy nhiên, nhu cầu dùng nước của KKT đang trỗi dậy này sẽ chưa dừng lại ở đó, khi Quyết định 2639/QĐ-UBND ngày 12-8-2011 về phê duyệt điều chỉnh nhu cầu cấp nước trong quy hoạch chung xây dựng KKT Vũng Áng đến năm 2025 đã xác định: Tổng nhu cầu cấp nước trong toàn KKT là 1.005.000 m3/ngày đêm, trong đó: Nhà máy Thép Vạn Lợi giai đoạn 1 cần 9.000 m3/ngày đêm và giai đoạn 2 cần 26.000 m3/ngày đêm; Các Nhà máy Nhiệt điện 1, 2, 3 và 4 cần 64.512 m3/ngày đêm; Nhà máy Thép Thạch Khê giai đoạn 1 là 40.000 m3/ngày đêm và giai đoạn 2 là 100.000 m3/ngày đêm; Tập đoàn Formosa giai đoạn 1 cần 320.000 m3/ngày đêm và giai đoạn 2 cần 660.200 m3/ngày đêm; Công ty CP Hóa cốc 4.000 m3/ngày đêm; Nhà máy chế biến Pigmen 7.000 m3/ngày đêm; Khu đô thị Phú Vinh 1.863 m3/ngày đêm; Khu công nghiệp Phú Vinh 4.400 m3/ngày đêm; Khu công nghiệp phụ trợ 6.230 m3/ngày đêm; các nhà đầu tư khác 131.131 m3/ngày đêm.
Nhu cầu là thế nhưng hiện trong vùng dự án mới có hồ thượng nguồn sông Trí với dung tích sau khi trừ tưới sản xuất nông nghiệp còn khoảng 27 triệu m3 và hồ Kim Sơn sau khi trừ nước cấp cho sinh hoạt còn khoảng 3 triệu m3. Như vậy, khả năng cấp nước của 2 hồ trên là 84.000 m3/ngày đêm, tức là thiếu 921.000 m3/ngày đêm so với nhu cầu đến năm 2025 của các nhà đầu tư. Đầu đề đặt ra là cần một kho nước khổng lồ nhằm bổ sung nguồn cho hồ thượng sông Trí trước khi cấp một nguồn riêng cho Dự án Formosa và đổ một kênh riêng cho KKT Vũng Áng. Câu trả lời chỉ có thể là đầu tư xây dựng hồ chứa nước Rào Trổ và đập dâng Lạc Tiến!
Rào Trổ đổ vào sông Trí, sông Trí đi xuống Kỳ Hà
Rào Trổ là con sông lớn, nằm phía Tây Nam huyện Kỳ Anh, có chiều dài hơn 60 km với diện tích lưu vực 556km2, trong đó phần đi qua đất Hà Tĩnh dài 54km với diện tích lưu vực 488km2 gồm các xã: Kỳ Tây, Kỳ Thượng, Kỳ Sơn, Kỳ Lâm, Kỳ Lạc, Kỳ Hoa, Kỳ Hợp (Kỳ Anh). Với diện tích lưu vực khá lớn, lại có độ che phủ của thảm thực vật khá dày, trữ lượng nước mặt hàng năm dồi dào nên Rào Trổ là tiềm năng quyết định để cung cấp nguồn nước ngọt cho KKT Vũng Áng và vùng Nam Kỳ Anh.
Hồ thượng sông Trí sẽ là nguồn cấp nước trực tiếp cho KKT Vũng Áng
Từ thực tế đó, kết hợp với quá trình nghiên cứu, đánh giá hiện trạng, Liên danh Công ty CP Tư vấn xây dựng thủy lợi Hà Tĩnh và Công ty CP Tư vấn Thủy lợi – Thủy điện Thăng Long Hà Nội đã xác định sơ đồ cấp nước, vị trí xây dựng công trình đầu mối và tuyến kênh dẫn là: Xây dựng hồ chứa nước Rào Trổ tại thôn 10, xã Kỳ Thượng và đập dâng Lạc Tiến tại thôn Lạc Tiến, xã Kỳ Lạc. Nước từ hồ Rào Trổ được dẫn theo sông tự nhiên về đập dâng Lạc Tiến; từ đây, nước tiếp tục được dẫn về hồ thượng sông Trí qua tuyến kênh đào và đường hầm tuynel qua núi Ba Hợi tại thôn Xuân Hà, xã Kỳ Lâm.
Quyết định phê duyệt Dự án đầu tư xây dựng hệ thống thủy lợi Rào Trổ vừa được Công ty CP Tập đoàn Hoành Sơn ban hành cho thấy, tổng mức đầu tư của dự án là 1.575,6 tỷ đồng. Với dung tích chứa 162,4 triệu m3, hồ Rào Trổ và đập dâng Lạc Tiến có nhiệm vụ cấp nước cho KKT Vũng Áng sau cống lấy nước dưới đập hồ chứa nước thượng nguồn sông Trí với công suất 762.000 m3/ngày đêm; cấp nước sinh hoạt cho thị trấn Kỳ Anh và cảng Vũng Áng với công suất 12.000 m3/ngày đêm; cấp nước tưới ổn định cho 1.335 ha đất canh tác và 300ha đất nuôi trồng thủy sản của các xã: Kỳ Thượng, Kỳ Sơn, Kỳ Lâm, Kỳ Hoa, Kỳ Thư, Kỳ Hưng, Kỳ Hà và thị trấn Kỳ Anh; cấp nước trả lại môi trường lòng sông Rào Trổ vào các tháng mùa kiệt sau đập dâng Lạc Tiến với lưu lượng 2,1m3/s; giảm lũ hạ du, góp phần cải thiện môi trường, tạo cảnh quan phục vụ du lịch.
Có nước bổ sung từ hệ thống thủy lợi Rào Trổ vào hồ thượng nguồn sông Trí, Formosa sẽ xây dựng một hệ thống đường ống riêng để dẫn về Nhà máy xử lý nước của Công ty; trong một hướng khác, sơ đồ cấp nước cho Khu kinh tế Vũng Áng tiếp tục hành trình thả nước từ hồ thượng sông Trí xuống hạ sông Trí và bị chặn lại tại bara ngăn nước ở xã Kỳ Hà. Từ cống Kỳ Hà sẽ dẫn nước vào Nhà máy xử lý để cấp cho KKT. Tuy nhiên, trong khoảng thời gian 2 năm khi bara Kỳ Hà chưa hoàn thành, UBND tỉnh cho phép bổ sung nước từ hồ Tàu Voi trong mùa kiệt và sửa chữa cống Tây Yên để đảm bảo đủ nước cấp cho Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 1 trong thời gian chưa sử dụng hồ Tàu Voi vào khai thác du lịch.
Tính chung, cả đầu tư xây dựng bara Kỳ Hà và Nhà máy xử lý nước, tổ hợp cấp nước cho KKT Vũng Áng lên đến 2.998 tỷ đồng. Một số vốn không nhỏ với một nhà đầu tư là doanh nghiệp tư nhân.
“Vừa chạy vừa sắp hàng” liệu có kịp?
“Tháng 2/2012, Nhà máy nước giai đoạn 1 phải có 10.000m3 nước/ngày đêm và tăng lên 12.782m3 nước/ngày đêm vào 7 tháng sau đó. Cuối năm 2013, phải chặn dòng đập dâng Lạc Tiến và đến tháng 6-2014 phải có 174.000m3 nước/ngày đêm cho Dự án Formosa”, những yêu cầu mà các nhà đầu tư đặt ra với UBND tỉnh là không thể thay đổi. Điều này đồng nghĩa chủ đầu tư toàn bộ dự án là Công ty CP Tập đoàn Hoành Sơn đang đối mặt với áp lực lớn về tiến độ các công trình cấp nước cho Formosa và Khu kinh tế Vũng Áng.
Chia sẻ áp lực tiến độ với nhà đầu tư nên trong thông báo kết luận của Chủ tịch UBND tỉnh Võ Kim Cự tại cuộc họp về chọn phương án cấp nước cho KKT Vũng Áng, UBND tỉnh đã đồng ý chủ trương cho phép chủ đầu tư ở giai đoạn thiết kế kỹ thuật và tổng dự toán được tiến hành song song vừa thiết kế, vừa thi công các hạng mục công trình theo hồ sơ dự án.
Theo ông Phạm Hoành Sơn – Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Hoành Sơn, xác định trọng trách được giao, thời gian qua, chủ đầu tư đã đốc thúc đơn vị tư vấn hoàn thành dự án đầu tư, đồng thời xây dựng dự án chuyển nước từ sông Rào Trổ sang hồ thượng sông Trí để UBND tỉnh trình Bộ TN&MT thẩm định, phê duyệt nhằm làm cơ sở cho việc ra quyết định đầu tư. Công ty cũng mời gọi đội ngũ cán bộ kỹ thuật có thâm niên về làm việc và đầu tư hàng trăm tỷ đồng trang bị xe ben, máy đào, máy xúc, máy ủi, xe lu… Để đảm bảo tiến độ đề ra, Công ty đề nghị UBND tỉnh, các sở, ban, ngành, địa phương liên quan tiếp tục quan tâm chỉ đạo để cùng đơn vị kịp thời tháo gỡ những vướng mắc phát sinh trong quá trình triển khai các bước tiếp theo.
Thạc sỹ Nguyễn Quốc Khánh – Giám đốc Công ty CP Tư vấn Xây dựng Thủy lợi Hà Tĩnh cho biết, sau khi có quyết định phê duyệt dự án của chủ đầu tư, đơn vị đã huy động tổng lực đội ngũ cán bộ, kỹ sư bắt tay vào thiết kế bản vẽ – thi công – tổng dự toán, đồng thời cắm mốc GPMB để sớm đền bù và khởi công dự án. Tuy nhiên, lo ngại lớn nhất trong thời gian tới là thời tiết không ủng hộ, nhất là với địa bàn mưa nhiều như Kỳ Anh.
Cả núi công việc đang chờ đón Công ty CP Tập đoàn Hoành Sơn. Vậy nên, vấn đề trước mắt mà đơn vị này cần làm chính là xây dựng lộ trình, kế hoạch tổng tiến độ dự án, kế hoạch chi tiết các công việc phải thực hiện và kế hoạch thời gian thi công các hạng mục công trình, đồng thời chuẩn bị nguồn lực tài chính để đảm bảo thực hiện dự án. Về phía các sở, ngành liên quan, cần tạo điều kiện tối đa để nhà đầu tư thực hiện kịp thời các công việc liên quan đến dự án theo chỉ đạo của UBND tỉnh như: thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng rừng và báo cáo đánh giá tác động môi trường; công tác GPMB và đảm bảo an ninh trật tự ở các địa bàn thi công dự án…
Formosa và nhiều nhà đầu tư nữa đang chờ đợi nguồn nước từ hồ Rào Trổ và đập dâng Lạc Tiến để phục vụ sản xuất công nghiệp cũng như hơn 1,2 triệu người dân Hà Tĩnh đang khao khát một ngày mai tươi sáng hơn từ KKT Vũng Áng. Vậy hãy bắt đầu từ niềm tin ở Doanh nghiệp Hoành Sơn!
Hải Xuân
Báo Hà Tĩnh