Người đương thời

Dương Kỳ Anh: Thơ và những người đẹp

Dương Kỳ Anh yêu thích sự hồn nhiên. Để tả một cô gái đẹp, tính từ mà nhà thơ của vùng quê núi Hồng , sông Lam thường bật ra nhiều nhất cũng là : Hồn nhiên. Con người ông cho đến tận bây giờ cũng vẫn có những nét thơ trẻ, bên cạnh sự già dặn, từng trải . Tiếp xúc sơ dễ kết luận ông là người… nhạt. Càng gần, lại càng thấy “đọc” ông khó vô cùng. Chúng tôi- một vài “nhân” trong đám nhân viên cũ của ông- lén lút đặt cho ông biệt danh : “ Điệp vụ” Ám chỉ sự… khó lường trong tính cách của ông.

Khi tôi viết những dòng này thì ông – nhà thơ Dương Kỳ Anh có lẽ đang thanh thản tại một trang trại đẹp và yên tĩnh cách Hà Nội không xa, nơi ông thả hồn mình vào “ Cõi ta bà” miên viễn mà viết những dòng chân thành, mê đắm…
Ông thực sự là người hạnh phúc, khi sau nhiều chục năm đủ cả nếm trải và tận hưởng những vinh nhục của một đời người, lại nối dài “cơn” đắm đuối văn chương từ thuở thiếu thời. Dù rằng không hiếm những khoảnh khắc : Một ngày sắc sắc không không / Mõ chùa không đánh, chuông lòng không ngân…

Báo Tiền Phong, nơi ông làm tổng biên tập từ năm 39 tuổi và yên vị cho đến ngày nghỉ chế độ, ghi dấu trong lòng bạn đọc không chỉ vì những việc đã làm được trong và ngoài mặt báo, mà còn vì đó là tờ báo – trong không nhiều báo – có những cái tên nổi nênh Xuân Ba, Mạnh Việt… Nhưng có ai thử đặt câu hỏi ngược là nếu không có sự đỡ đầu của tổng biên tập và thư ký tòa soạn, đặc biệt là nếu không có sự dũng cảm của người ở vị trí cao nhất của tờ báo thì liệu những bài báo “có vấn đề” có được ra đời, các tên tuổi có được tôn vinh ? Báo Tiền Phong được xây dựng theo hình thức tòa soạn mở, không có chuyện “cát cứ” quyền lực tại các ban chuyên môn, mọi cá tính đều được tôn trọng miễn là không làm ảnh hưởng đến lợi ích chung . Bình yên trên chiếc ghế nóng của mình qua hơn hai thập kỷ, ông đã “biết cách nói sự thật hơn”. Sự thật thì chỉ có một nhưng có thể nói bằng nhiều cách. Quan trọng là đến được đúng địa chỉ và sức lan tỏa không dừng lại trên trang giấy.

Báo là nghề, thơ là nghiệp. Hào quang quyền lực hàng chục năm của tổng biên tập một tờ báo lớn đủ làm cho bất cứ ai ngây ngất, chắc ông cũng không ngoại lệ. Nhưng danh xưng nhà thơ vẫn là điều khiến ông hạnh phúc hơn cả. Nếu kể tên 10 nhà thơ nổi tiếng của Việt Nam, chắc tên ông chưa lọt vào. Nhưng thơ ông không ít người đã đọc, đã thuộc, đã đồng cảm cùng với nhịp lòng của tác giả. Thơ ông cho thấy tâm hồn dễ rung cảm với cái đẹp, được cất lên bằng một ngôn ngữ giản dị. Cái sự giản dị như nhà văn George Sand, nữ tiểu thuyết gia nổi tiếng người Pháp, đã đúc rút : Giản dị là cái khó nhất trên đời này. Đó là giới hạn tột cùng của từng trải và là nỗ lực tột cùng của thiên tài.

Ông “Tự thấy” : Đôi khi tự thấy lòng mình nặng trĩu/ Bốn bề níu kéo, tháng ngày bận bịu/ Chợt nhớ, chợt quên, chợt vui, chợt buồn/ Ngoảnh lại đời người tóc phai như sương. Những ngậm ngùi rất con người, ai cũng có thể tìm thấy mình trong đó : Có những bến bờ biết là hạnh phúc/ Thương mình đã nặng hai vai. Hoặc âu lo : Cửa đời nanh nọc thế / Dịu dàng làm sao qua ? Bên cạnh những lãng đãng tâm trạng, không thiếu những suy tưởng đầy tính bi tráng trên một nền cảm xúc mạnh mẽ.

Sự suy tưởng chỉ có được sau những trải nghiệm sống và trải nghiệm văn hóa : Máu, nước mắt, tiếng hổ gầm và tiếng kêu than của người nô lệ/ Thời gian đã rêu phong những tiếng thét gào/ Tôi chỉ thấy du khách nói cười trên khổ đau của nghìn năm trước/ Những khổ đau bây giờ, người đời sau nghĩ sao?).

Cái lạ trong thơ ông đôi khi nằm chính trong những ý nghĩ vụt lóe, không theo lẽ thông thường : Người đàn bà ngoại tình với nụ cười viên mãn/ Tôi nhìn lên, thần Dớt đã chau mày/ Tiếng sét ái tình có thể làm nổ tung tất cả/ Sao tượng người đàn bà ngoại tình vẫn ngự nơi đây .Con người ông bộc lộ qua thơ, không thể chính xác hơn : Một ngày anh có nghìn tâm trạng/ Chẳng tâm trạng nào không có em. Nếu chỉ đơn thuần là một nhà thơ, nếu không luôn phải sống nhiều con người trong một con người… người ta không thể viết ra được những trải nghiệm khắc khoải đến thế.

Tin rằng, ông đến với thơ bằng sự hồn nhiên trong trẻo của một tâm hồn thi sĩ bẩm sinh. Cũng là tâm thế khi ông- cùng với tờ báo “của ông” – khởi xướng cuộc thi Hoa hậu đầu tiên ở nước Việt Nam thống nhất. Bây giờ có nhiều cuộc thi Hoa hậu nhưng cuộc do Báo Tiền Phong tổ chức vẫn luôn là cuộc thi uy tín, quy mô và ngày càng chuyên nghiệp. Điều quan trọng nhất của một cuộc thi Hoa hậu là tìm ra người đội vương miện xứng đáng với kỳ vọng của số đông thì cuộc thi này đã làm được. Đưa cái đẹp ra ngoài hiện thực,điều tâm niệm của ông chỉ giản dị như vậy. Ông đã thành công bởi cái gốc nhân văn của mình. Không coi các cuộc thi Hoa hậu như một cơ hội kinh doanh. Không để sa sảy những scandal trong thế giới phù hoa của sắc đẹp và quyền lực. Ông hiểu rằng, tận cùng của cái đẹp là cái thiện.

Trên cương vị của người tổ chức ông đã trải qua không ít thời khắc đòi hỏi phải có thần kinh thép cho một hoạt động xã hội lớn nhưng luôn luôn là đề tài nhạy cảm, dễ gây dư luận ồn ào. Các cô gái ứng cử viên của vương miện Hoa hậu luôn là tâm điểm của những lời đồn, đôi khi rất ác ý. Đơn thư tố cáo cả nặc danh và không, xảy ra ở tất cả những lần tổ chức cuộc thi. Mặc dù hồ sơ của các gương mặt sáng giá luôn phải có đủ 3 con dấu của công an, chính quyền địa phương, nơi học tập/ làm việc, nhưng xem ra vẫn chưa đủ. Con dấu chưa đủ đảm bảo nhân cách con người. Ứng xử với những thị phi luôn rộ lên trước thềm chung kết, ông tự quyết : Nếu lời đồn nào đó là sự thật, thì biết đâu đằng sau sự thật đó còn có một sự thật khác. Bản lĩnh sống luôn giúp ông tìm ra câu trả lời trong những lúc thực sự cần một quyết định, dù là rất khó khăn. Và có lẽ khó nhất vẫn là quyết định chọn Hoa hậu trong tình huống có hai ngôi sao cùng đang bừng sáng. Hà Kiều Anh hay Vi Thị Đông (1992), Thu Thủy hay Tô Hương Lan (1994), Mai Phương hay Hoàng Oanh (2002), Nguyễn Thị Huyền hay Trịnh Chân Trân (2004), Mai Phương Thúy hay Lưu Bảo Anh (2006). Thực tế cho thấy Ban giám khảo, mà ông là Trưởng Ban, đã luôn chính xác.

Trọn vẹn với vai trò của nhà tổ chức nhưng vẫn thả hồn trong những rung động rất thật của một thi sĩ trước sắc đẹp dịu dàng, thánh thiện của các cô gái Việt Nam. Nhà thơ từng nói : Vẻ đẹp của người thiếu nữ thường mang đến cho tôi những rung động lạ lùng, làm cho tâm hồn tôi trở nên tinh khiết, hướng thiện.

Chọn Hoa hậu là còn nghĩ đến phương diện quốc gia, chọn người có đủ sắc và “trình” để tham gia các cuộc thi người đẹp mang tầm quốc tế. Tự hào lắm chứ, khi Việt Nam chưa lọt vào top 15, 20 thế giới của bất cứ lĩnh vực gì thuộc ngành văn hóa thể thao, trừ Hoa hậu. Nhưng không phải lúc nào cô gái được chính tay ông đặt vương miện lấp lánh trên tóc cũng là người mang lại cảm xúc sâu sắc nhất cho ông, với tư cách một thi sĩ, một người đàn ông.

Ông đã từng thảng thốt trong một bài báo: Ô kìa, Mạc Lê Đan Thanh ! Cái title khiến một, hai nàng thơ công sở của ông cứ ngấm ngầm ghen tuông. Cô sinh viên Y khoa người Quảng Nam dự thi năm 1992 đó, đúng style Hoa hậu của thi nhân. Vẻ mơ màng, lúc gần gũi, lúc xa xăm, không phải đi mà lướt nhẹ trên sân khấu như một làn gió thoảng… ám ảnh tâm trí ông suốt nhiều năm tháng…

Thay cho lời kết, tôi muốn bạn đọc của báo Phụ nữ Việt Nam hiểu thêm về một nhà thơ Dương Kỳ Anh luôn đắm đuối cái đẹp, không chỉ qua những vần thơ, không chỉ trong gần 20 năm trên cương vị người sáng lập và tổ chức các cuộc thi Hoa hậu của nước Việt Nam thống nhất, mà còn từ thuở là “những anh chàng nhà quê chân đất, đầu trần, đã rủ nhau lội ruộng băng đồng đi xem một cô gái được coi là hoa khôi của làng bên cạnh” (Hoa hậu Việt Nam- Những điều chưa biết, NXB Hội Nhà văn 2007)

Theo Võ Hồng Thu

VietQ

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP