Hà Tĩnh có 137km bờ biển với nhiều tiềm năng, lợi thế phát triển du lịch |
Biển Xuân Thành ở huyện Nghi Xuân có làn nước trong xanh, bãi tắm thoải, cát trắng mịn màng. Nơi đây từng là điểm du lịch, tắm biển, nghỉ dưỡng rất lý tưởng của người dân, du khách. Vậy nhưng gần đây Xuân Thành trở nên hoang tàn, nhếch nhác. Hạ tầng du lịch xuống cấp, hàng loạt nhà nghỉ, quán ăn tường xây đổ nát, vắng bóng người qua lại.
Hệ thống nhà nghỉ ... |
và nhiều hàng quán, dịch vụ du lịch ở biển Xuân Thành trở nên hoang tàn, nhếch nhác |
Tiếp xúc với phóng viên, một chủ hộ kinh doanh nhà hàng hải sản ở đây cho biết: Mặc dù đang trong thời kỳ cao điểm của mùa du lịch biển, nhưng hàng quán luôn đìu hiu, vắng khách. Hầu hết nhà hàng và các dịch vụ du lịch đã bị tháo dỡ nhiều năm nay, trong khi đó, dự án mới lại chưa triển khai xây dựng, khách đến Xuân Thành nếu có cũng rất ít, chủ yếu là khách nội tỉnh.
Qua tìm hiểu được biết được biết, hiện nay về cơ bản chỉ có tổ hợp dịch vụ du lịch (sân Golf, trường đua chó, Villa biển Hoa tiên Paradise…) của Công ty Cổ phần Hồng Lam Xuân Thành đầu tư khai thác hiệu quả. Các dự án còn lại gần như đang “án binh bất động”, đất đai hoang hóa, việc khai thác du lịch ở Xuân Thành rơi vào thế “dẫm chân tại chỗ”.
Trao đổi với phóng viên, ông Phạm Anh Tuấn- Trưởng Ban Quản lý Khu du lịch biển Xuân Thành cho biết: Cách đây 5 năm, tỉnh Hà Tĩnh đã có Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư cho Công ty cổ phần Song Ngư Sơn Giang Đình, Công ty Cổ phần Hợp tác Toàn Cầu trong việc đầu tư xây dựng Quần thể Khu du lịch sinh thái, nghĩ dưỡng cao cấp Xuân Thành.
Nhiều khu đất ở trung tâm bãi biển Xuân Thành không được đầu tư xây dựng hạ tầng du lịch, trở thành bãi đất hoang |
Tuy nhiên, sau đó do vướng mắc về các hồ sơ thủ tục giao đất nên các dự án đang tạm đình chỉ, chưa triển khai xây dựng. Trong khi đó những dự án này lại nằm ở trung tâm, là điểm nhấn của khu du lịch biển Xuân Thành. Do vậy nếu không có các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các nhà đầu tư thì du lịch nơi đây chưa thể phát triển xứng tầm.
Hà Tĩnh hiện có 137km bờ biển với nhiều bãi tắm đẹp, hoang sơ, kỳ bí. Trong đó, hiện nay chỉ có khu du lịch biển Thiên Cầm đã và đang được đầu tư xây dựng hạ tầng cùng các dịch vụ du lịch khá đồng bộ, thu hút rất đông du khách đến tham quan, tắm biển dịp mùa hè.
Các bãi biển còn lại việc đầu tư kinh doanh, khai thác du lịch vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế sẵn có. Tiêu biểu như bãi biển Xuân Hải ở huyện Lộc Hà, gần với thành phố Hà Tĩnh nhưng chủ yếu chỉ thu hút khách nội tỉnh đến tắm biển, ăn uống xong rồi đi, khách ở lại lưu trú hầu như rất ít.
Các bãi biển còn lại như: Biển Thạch Hải ở huyện Thạch Hà, biển Kỳ Xuân ở huyện Kỳ Anh, biển Đèo Con ở thị xã Kỳ Anh... cơ bản không có nhà nghỉ lưu trú đáp ứng nhu cầu của du khách, nhất là khách ngoại tỉnh. Một số khu resort được đầu tư xây dựng, nhưng do sử dụng lâu ngày đã xuống cấp, trong khi đó, hàng quán kinh doanh hải sản tươi sống, nước giải khát lại nhỏ lẽ, chất lượng phục vụ chưa cao, chưa chuyên nghiệp.
Rõ ràng điều kiện thời tiết, các công trình hạ tầng, khu vui chơi, giải trí, dịch vụ kinh doanh du lịch... chưa được đầu tư xây dựng đồng bộ, hiện đại hoặc chưa đáp ứng nhu cầu mặt bằng chung của du khách; việc kết nối tour tuyến, giới thiệu, quảng bá các sản phẩm du lịch đặc trưng còn hạn chế là những “nút thắt” không hề nhỏ trong thúc đẩy du lịch biển ở Hà Tĩnh phát triển.
Phó Chủ tịch UBND huyện Lộc Hà Nguyễn Việt Cường cho biết: Khác với nhiều vùng miền trong cả nước, kinh doanh du lịch biển ở Lộc Hà chủ yếu vào mùa hè, các mùa còn lại trong năm do mưa rét, bão lũ nên không mấy hiệu quả. Đây chính là rào cản khi các nhà đầu tư về khảo sát, nghiên cứu đầu tư du lịch. Tuy nhiên, quan điểm của huyện là không đầu tư dàn trải, nhỏ lẻ, làm phá vỡ quy hoạch, mà phải đầu tư đồng bộ, phát triển bền vững, nhất là hướng tới làm mát, làm xanh bãi biển.
Mùa cao điểm du lịch biển, nhưng nhiều hàng quán kinh doanh ăn uống ở bãi biển Lộc Hà vẫn chưa hoạt động trở lại |
Qua trao đổi, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Tĩnh Lê Trần Sáng cho biết: Du lịch biển Hà Tĩnh chưa hút được du khách. Nguyên nhân do cơ sở hạ tầng đang thiếu và yếu, nhất là các cơ sở lưu trú chưa đáp ứng, khách sạn ở biển tối đa mới chỉ 3 sao, bãi biển chưa có nhiều khu vui chơi giải trí, hệ thống cảnh quan môi trường chưa đảm bảo làm ảnh hưởng đến du lịch biển.
Ông Lê Trần Sáng cho biết thêm: Tỉnh Hà Tĩnh đang tích cực kêu gọi, xúc tiến đầu tư du lịch biển nhưng chưa hiệu quả. Theo tôi, giải pháp quan trọng là Nhà nước phải tạo cơ chế chính sách thông thoáng để thu hút đầu tư, đặc biệt sớm tháo gỡ những vướng mắc về thủ tục giao đất. Làm du lịch liên quan đến nhiều sở, ngành nên cần phải huy động sự vào cuộc một cách đồng bộ, quyết liệt. Có như vậy thì du lịch biển Hà Tĩnh mới phát triển đi lên.
Thu hút đầu tư, cải thiện cơ sở hạ tầng, dịch vụ du lịch là yếu tố quan trọng để phát triển du lịch biển ở Hà Tĩnh |
Du lịch biển Hà Tĩnh chưa được khai thác xứng tầm, chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh mà thiên nhiên đã đặc ân ban tặng. Nếu các cấp, ngành, địa phương vùng ven biển Hà Tĩnh không có những giải pháp đồng bộ, khả thi, không tìm ra tiếng nói chung trong thúc đẩy phát triển du lịch, thì những bãi biển đẹp, giàu tiềm năng chỉ được ví như “nàng công chúa” ngái ngủ mà thôi.
Tác giả: Văn Chương
Nguồn tin: kinhtedothi.vn