Dự án đầu tư

Dự án du lịch Thiên Cầm: UBND tỉnh Hà Tĩnh chấm dứt dự án đúng pháp luật

Là dự án hứa hẹn mở ra một tương lai tươi sáng cho vùng biển nghèo ngay tại khu du lịch biển Thiên Cầm (Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh), tuy nhiên, sau 3 năm triển khai, dự án đi vào “ngõ cụt”, “treo” hàng trăm hộ dân vào cảnh sống dở chết dở. “Vạn bất đắc dĩ”, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã phải ra quyết định chấm dứt hoạt động, thu hồi giấy chứng nhận đầu tư Dự án khu du lịch Bắc Thiên Cầm. Không đồng ý với quyết định của UBND tỉnh Hà Tĩnh, cty Thiên Cầm đã khởi kiện ra Tòa án.

UBND tỉnh Hà Tĩnh, chấm dứt, dự án, pháp luật

Mặt bằng sạch đã bàn giao nhưng nhà đầu tư để cỏ mọc um tùm, không triển khai thực hiện các hạng mục (Ảnh chụp năm 2013)

Xung quanh vụ kiện hành chính này, có nhiều ý kiến, quan điểm được đưa ra. Về phía cty Thiên Cầm, có những cơ sở, lý lẽ để đưa vụ việc ra Tòa án giải quyết, nhằm đòi hỏi quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

Tuy nhiên, qua nghiên cứu hồ sơ và thực tế hoạt động của Dự án, cho thấy UBND tỉnh Hà Tĩnh đã đưa ra quyết định chấm dứt dự án, thu hồi giấy chứng nhận đầu tư dựa trên những căn cứ pháp lý vững chắc, phù hợp thực tế, đáp ứng nguyện vọng của chính quyền địa phương và người dân sở tại.

Dự án vi phạm nhiều cam kết

Theo giấy chứng nhận đầu tư số 28121000081 ngày 18/11/2010 do UBND tỉnh cấp cho công ty Thiên Cầm, cũng như cam kết đầu tư thực hiện dự án kèm giấy đầu tư, phía cty Thiên Cầm đã cam kết với UBND tỉnh Hà Tĩnh thực hiện dự án giai đoạn I trong thời gian 3 năm (Từ khi được cấp giấy chứng nhận đầu tư 18/11/2010 đến quý IV năm 2013).

Sau thời gian này, những hạng mục giai đoạn I phải được hoàn thành, đưa vào hoạt động 100%. Thế nhưng, qua kiểm tra của tỉnh Hà Tĩnh và thực tế tại các hạng mục dự án, đến trước thời điểm chấm dứt hoạt động của dự án, cty Thiên Cầm chỉ mới thực hiện được một phần nhỏ khối lượng công việc theo cam kết.

Những chậm trễ, vi phạm cam kết về tiến độ này, thể hiện qua thực tế triển khai dự án và hồ sơ kiểm tra, kết luận của UBND tỉnh, với những hạng mục cụ thể. Như: chậm trễ và không hoàn thành quy hoạch chi tiết 1/500 nhiều hạng mục: khu du lịch bãi biển chậm 13 tháng, khu biệt thự cao cấp Văn Lang chậm 16 tháng. Đặc biệt, đối với các hạng mục: Khu resort Bách Việt, Chân Núi; khu công viên giải trí, khu thương mại dịch vụ công cộng, khu nhà nghỉ gia đình, khu bảo tồn văn hóa, khu khách sạn cao tầng…, chiếm 74% diện tích đất của dự án, phía cty chưa tiến hành quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500.

Điều này, cho thấy phía nhà đầu tư yếu, hay đúng hơn là không có khả năng lập quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 cho toàn bộ dự án, vi phạm cam kết về tiến độ ngay từ khâu chuẩn bị đầu tư.

Giấy chứng nhận đầu tư cũng đưa ra thời hạn cho nhà đầu tư phải hoàn thành báo cáo đánh giá tác động môi trường trong quý II/2011, tuy nhiên, đến ngày bị thu hồi giấy chứng nhận đầu tư (20/12/2013), nhà đầu tư là cty Thiên Cầm vẫn chưa có báo cáo đánh giá tác động môi trường được phê duyệt. Mặc dầu trước đó, nhà đầu tư đã trình báo cáo đánh giá tác động môi trường, nhưng lại trình một lúc 2 báo cáo?!

Việc chậm trễ, vi phạm cam kết của nhà đầu tư trong thực hiện Dự án khu du lịch Bắc Thiên Cầm, còn thể hiện ở việc cấp kinh phí bồi thường giải phóng mặt bằng, việc xây dựng khu tái định cư…

Những chậm trễ này, tại cuộc làm việc ngày 12/9/2013 giữa đoàn kiểm tra liên ngành của UBND tỉnh và chủ đầu tư, cũng đã kết luận tiến độ dự án quá chậm so với cam kết, đại diện chủ đầu tư cũng đã thừa nhận sự chậm trễ của mình trong việc thực hiện dự án, với việc viện dẫn nhiều lý do biện minh, nhưng thiếu sức thuyết phục.

Năng lực tài chính yếu

Theo giấy chứng nhận đầu tư 28121000081 cấp ngày 18/11/2010, Dự án khu du lịch Bắc Thiên Cầm có tổng vốn đầu tư 10.289 tỷ đồng (giai đoạn 1: 289 tỷ; giai đoạn II: 10.000 tỷ đồng). Tuy nhiên, qua những gì phía nhà đầu tư đã thực hiện, cho thấy tiềm lực về tài chính không đảm bảo, khó có đủ năng lực tài chính để triển khai đến cùng, đưa dự án đi vào hoạt động như đã cam kết với tỉnh Hà Tĩnh.

UBND tỉnh Hà Tĩnh, chấm dứt, dự án, pháp luật

Nhiều hạng mục không làm, nhưng nhà đầu tư lại đi làm con đường lát đá trên đất phòng thủ quốc phòng (Ảnh chụp năm 2013)

Theo cam kết, phía nhà đầu tư là cty Thiên Cầm sẽ chịu trách nhiệm chi trả kinh phí bồi thường, giải phóng mặt bằng. Kinh phí này, đã được phê duyệt là 13,2 tỷ đồng (lấy tròn số). Nhưng quá trình thực hiện, cty cũng chỉ mới chuyển được 3,4 tỷ đồng rồi dừng lại, mặc dù Hội đồng bồi thường đã 3 lần có công văn đề nghị chuyển tiền nhưng cty vẫn không thực hiện.

Trong thực hiện nhiệm vụ xây dựng khu tái định cư, phía công ty đã xin trực tiếp làm chủ đầu và thực hiện công tác xây dựng, đã được UBND huyện Cẩm Xuyên đồng ý với dự toán 14,9 tỷ đồng, với các hạng mục san nền, giao thông, mương thoát nước, điện sinh hoạt… Vậy nhưng, khi đã được giao mặt bằng sạch để xây dựng ½ lô đất tái định cư, cty vẫn triển khai thực hiện không đáng kể, ước tính giá trị công việc, với kinh phí triển khai chỉ đạt 500 triệu đồng.

Với khối lượng công việc và kinh phí phía cty Thiên Cầm đã bỏ ra đầu tư trên thực tế, theo ước tính của tỉnh Hà Tĩnh, chưa đạt 3% tổng vốn giai đoạn I của Dự án là 289 tỷ đồng, điều đó cho thấy, nhà đầu tư yếu về tài chính trong triển khai thực hiện dự án này. Đấy là chưa tính đến, nếu để làm cả 2 giai đoạn theo cam kết đã đầu tư, thì số tiền nhà đầu tư phải đáp ứng lên đến 10.289 tỷ đồng!

Lên quan đến năng lực tài chính của nhà đầu tư, không chỉ phía lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh đặt ra câu hỏi, mà ngay cả người dân địa phương cũng nghi ngờ. Bởi ngay cả số tiền công ty cam kết bỏ ra hỗ trợ xây nhà cho 5 hộ gia đình chính sách ở địa phương, mỗi hộ 30 triệu đồng, phải đến khi báo chí lên tiếng, dự án có nguy cơ chấm dứt thì phía cty mới chuyển tiền về trao cho các hộ còn lại, dẫu nhà “tình nghĩa” này đã được dân vay mượn thêm cả trăm triệu đồng để xây, như vợ chồng bệnh binh Dương Huy Tam ở thôn Liên Phượng, mẹ liệt sỹ Nguyễn Thị Gần ở thôn Hưng Long.

Không được lòng dân

Ngày biết tin Dự án sẽ được triển khai trên vùng quê bốn bề cát trắng này, hàng trăm người dân ở thôn Song Yên- Thị trấn Thiên Cầm dẫu biết mất đất, mất nhà phải tái định cư nơi khác, nhưng lòng ai cũng khấp khởi mừng vui và hi vọng vào một tương lai tươi sáng, đời sống được nâng cao, con em của họ sẽ được đổi đời khi được chủ đầu tư hứa nhận vào làm công nhân, dịch vụ nơi đây.

Nhưng, niềm vui ngắn chẳng tày gang, khi đất đã giao, mặt bằng sạch cho nhà đầu tư đã đảm 67,2 ha để triển khai dự án giai đoạn I, chủ đầu tư cũng chỉ để cho cỏ mọc um tùm. 147 hộ dân ở thôn Song Yên- vùng quy hoạch dự án, phải khóc ròng vì Dự án chậm trễ, khi không được hưởng lợi từ bất cứ một dự án đầu tư xây dựng cơ bản nào. Trong lúc đó, cơ sở hạ tầng đã xuống cấp, hệ thống cột điện, dây điện như “chỉ mành treo chuông”, có thể đứt, gẫy bất cứ lúc nào, nhà cửa thì không được xây mới, cơi nới…

Ngày đó (tháng 9/2013), trực tiếp ông Nguyễn Minh Dung- Bí thư Chi bộ thôn Song Yên than thở: Đã gần 3 năm nay, chủ đầu tư không thực hiện như cam kết với người dân và chính quyền nơi đây. Đất thu hồi của dân gần 70 ha nhưng không làm gì, để hoang cho cỏ dại mọc. Họ chỉ đổ đất cát đầy vườn, gây ngập úng cả năm rồi để đó, không biết khi nào thì thực hiện?”.

Ông Nguyễn Hữu Lộc- Phó chủ tịch UBND thị trấn Thiên Cầm cũng bức xúc “Người dân quá khổ khi sống trong dự án, không biết nhà đầu tư còn “treo” dân đến bao giờ…”. Riêng Bí thư thị trấn Thiên Cầm, ông Trần Đình Hải thẳng thắn: Nếu không đủ năng lực triển khai dự án, thì để địa phương và người dân biết để làm lại. Chứ không thể bắt dân chịu khổ mãi như thế này!

Về phía UBND huyện Cẩm Xuyên, bà Nguyễn Thị Bảo Ngọc- Phó chủ tịch cũng khẳng định: “Chủ đầu tư chưa xây dựng, đầu tư và thực hiện như đã cam kết đối với số diện tích đã được các cơ quan có thẩm quyền bàn giao. Cách đầu tư nhỏ lẻ hiện nay đã làm ảnh hưởng đến tâm lý, lòng tin, và sự ủng hộ của nhân dân, chính quyền địa phương!”.

Như vậy, với những phân tích trên, có thể thấy rằng phía nhà đầu tư Dự án khu du lịch Bắc Thiên Cầm đã không chỉ vi phạm về tiến độ đã cam kết với chính quyền tỉnh Hà Tĩnh, mà còn đánh mất niềm tin, cũng như sự ủng hộ của người dân.

Việc UBND tỉnh Hà Tĩnh ra quyết định chấm dứt hoạt động dự án, thu hồi giấy chứng nhận đầu tư đã đảm bảo căn cứ pháp lý, quy định tại Luật đầu tư năm 2005 cũng như các văn bản pháp lý khác liên quan.

Trước khi Dự án bị chấm dứt hoạt động, báo BVPL đã có loạt bài điều tra về thực trạng “Siêu dự án treo dân bên mép biển”. Một số báo Trung ương và địa phương cũng đã vào cuộc phản ánh nổi khổ của người dân sống trong vùng dự án “treo”. Sau đó một thời gian, nhận thấy cần thiết phải chấm dứt Dự án, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã ra quyết định chấm dứt hoạt động, thu hồi giấy chứng nhận đầu tư theo điều 64, 65 Luật đầu tư năm 2005, bởi những vi phạm đã cam kết tại điều 10- Giấy chứng nhận đầu tư: “Chủ đầu tư phải cam kết tiến độ như giấy chứng nhận đầu tư, nếu sau 12 tháng kể từ ngày cấp giấy chứng nhận đầu tư không triển khai hoặc triển khai chậm, không đúng tiến độ cam kết và theo quy định giấy chứng nhận đầu tư này, thì UBND tỉnh thu hồi giấy chứng nhận đầu tư mà không hoàn trả các chi phí nhà đầu tư đã thực hiện”.

(Theo Baovephapluat.vn)

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP