Phóng sự - Ký sự

Dự án cầu treo ở Hà Tĩnh (3): Niềm vui chưa trọn vẹn

Xuất phát điểm là một dự án mang đậm tính nhân văn, tuy nhiên, trong quá trình triển khai, sự cứng nhắc, chưa sát thực của ‘Nhịp cầu yêu thương’ đã dẫn tới nhiều bất cập.

Hà Tĩnh vốn là mảnh đất nổi tiếng về lũ lụt, do vậy hệ thống cầu cống là một trong những nhu cầu cấp thiết của người dân. Cũng như 2 xã của huyện Hương Khê, sau khi nhận được thông báo Bộ GTVT sẽ triển khai khảo sát địa bàn để thực hiện dự án xây dựng cầu treo, toàn dân huyện Vũ Quang vui mừng khôn siết.

Bao đời nay, hơn 100 hộ dân xóm 2, xã Hương Thọ (huyện Vũ Quang) nằm bên kia sông, vẫn ước mơ có một câu cầu để đi lại, đặc biệt là về mùa mưa lũ. Bởi mỗi lần muốn di chuyển qua lại giữa các xóm lân cận, người dân nơi đây phải đi đò rất phức tạp, khó khăn.

Nhiều người dân bên này sông, do thiếu đất sản xuất sang cánh đồng bên kia cũng phải đi đò. Trên những chuyến đò chòng chàng, đầy ắp trâu bò, nông sản và học sinh qua sông, tiềm ẩn nhiều mối nguy hiểm đe dọa. Đoạn sông này đã “cướp” đi mạng sống của không biết bao người dân vô tội. Vì thế, người dân Hương Thọ mong mỏi có một cây cầu để đi lại giao dịch với UBND xã, học sinh đi học, nông dân sản xuất được dễ dàng.

Việc nhà nước cho xây cầu treo Chợ Quánh đã làm nức lòng người dân địa phương. Tuy nhiên, trái với ý nghĩa nhân văn ban đầu, khi cầu được xây xong, một số thông tin không thuận lòng dân đã xuất hiện. Để tìm hiểu rõ hơn những bất cập trên, chúng tôi đã có một cuộc khảo sát thực tế tại cầu chợ Quánh, thuộc xã Hương Thọ (huyện Vũ Quang).

hatinh24h hatinh24h 01Theo nhiều người dân, cầu chợ Quánh được đặt ở vị trí chưa thực sự hợp lý

Theo phản ánh của một số người dân tại địa bàn, cầu chợ Quánh được đặt ở vị trí không khoa học, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông rất cao. Qua tìm hiểu được biết, cầu treo chợ Quánh nối với trực đường chính liên xã, chạy từ UBND xã Hương Thọ, qua cầu treo, sang xóm 2, rồi nối với đường liên xã Hương Minh lên thị trấn Vũ Quang. Với đầu mối lưu thông như trên, cây cầu thật sự rất đẹp và thuận lợi.

Thế nhưng, bất cập ở chỗ, cây cầu này lại được xây dựng cách chợ Quánh khoảng 50m, tạo một đường cong hình chữ S. Không hiểu vì sao mà chính quyền địa phương, nhà thầu lại chọn chỗ eo nhất của khúc cua làm cầu. Vào năm học, khi học sinh xóm 2 qua cầu, chỉ cần rời mố cầu khoảng 1 – 2m là ra chạm giữa trực đường chính. Trong khi đó, xe cộ lưu thông theo hướng UBND xã Hương Thọ lên đường mòn Hồ Chí Minh và ngược lại, khi đến khúc quanh này, gặp ngay các mố cầu làm chướng ngại vật, rất nguy hiểm, dễ gây tai nạn giao thông.

Thế nên, khi cầu chợ Quánh được đưa vào sử dụng, đã có không ít vụ tai nạn giao thông xảy ra. Trong quá trình đi tìm hiểu sự việc trên, tiếp xúc với nhiều người dân địa phương, đã có nhiều ý kiến cho rằng, vị trí đặt cầu tại xã Hương Thọ (huyện Vũ Quang) chưa thực sự hợp lý.

Được biết, trước đây, để lưu thông sang các khu vực lân cận, lao động sản xuất hay học sinh tới trường, người dân xã Hương Thọ chủ yếu di chuyển bằng đò. Trên những chuyến đò chòng chàng, đầy nông sản và học sinh qua sông, tiềm ẩn nhiều mối nguy hiểm đe dọa. Sau khi cầu được tiến hành xây dựng, đa phần người dân đều nghĩ rằng, thời gian tới sẽ có nhiều thuận lợi trong việc đi lại, không còn cảnh nguy hiểm của việc di chuyển bằng đò. Tuy nhiên, giờ đây người dân trên địa bàn lại phải đối mặt với sự nguy hiểm tiềm ẩn khác khi vị trí dựng cầu có nhiều điểm bất hợp lý.

Một thầy giáo công tác tại trường THPT Cù Huy Cận cho biết: Việc xây dựng cây cầu tạo một đường cong hình chữ S sẽ rất nguy hiểm. Chọn chỗ eo nhất của khúc cua làm cầu là hoàn toàn không hợp lý. Vào mùa tựu trường, khi học sinh qua cầu, chỉ cần rời mố cầu là ra giữa trực đường chính. Người dân khi đến khúc quanh này, gặp ngay các mố cầu làm chướng ngại vật, nên dễ gây tai nạn giao thông.

Điều đáng nói, dù chưa được nghiệm thu để bàn giao cho địa phương, nhưng qua quan sát của chúng tôi, cầu treo Chợ Quánh (xã Hương Thọ) đã bắt đầu có tình trạng sụt lún, rạn nứt ở hai bên mố cầu. Câu hỏi lại tiếp tục đặt ra, chất lượng công trình này liệu có được đảm bảo?

Theo phản ánh của ông Phan Anh Dũng, trú tại xóm 2, xã Hương Thọ: “Gia đình tôi sống ở bên kia cầu chợ Quánh, việc đi lại trên cầu là thường xuyên. Khi phát hện những vết rạn nứt ở mố cầu, tôi rất hoang mang lo lắng, tự hỏi không biết đi lại như thế này có an toàn hay không?”.

Qua quan sát, cầu chợ Quánh dù mới hoàn thành nhưng hai bên mố cầu đã bắt đầu có những đường rạn, nứt, chạy từ trên chân cầu xuống mố cầu. Phía hai bên chân cầu cũng bắt đầu có dấu hiệu bị sạt.

Dự án cầu treo ở Hà Tĩnh (3): Niềm vui chưa trọn vẹn - Ảnh 2

Cầu treo chợ Quánh được cho có vị trí rất nguy hiểm, tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn giao thông.

Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Hùng Cường, Phó Chủ tịch UBND xã Hương Thọ cho biết: Cầu treo Chợ Quánh phải được làm sát chợ Quánh, nối với trực đường chính liên xã, chạy từ UBND xã Hương Thọ, qua cầu treo, sang xóm 2, rồi nối với đường liên xã Hương Minh lên thị trấn Vũ Quang. Vị trí này rất thuận tiện cho người dân qua lại. Tuy nhiên, điểm chưa thực sự hợp lý là đặt ở khúc cua nhất, tạo thành một đường cong.

“Bên xã chưa nghe phản ánh về sự việc này và địa phương không giám sát vì công trình thuộc quản lý của tỉnh và bộ”, khi được hỏi về hiện tượng rạn nứt, ông Cường nói.

Cũng theo ông Cường, công trình cầu chợ Quánh hiện tại đã xong nhưng chưa nghiêm thụ và bàn giao cho địa phương.

Để khách quan vấn đề, chúng tôi cũng đã trao đổi qua điện thoại với ông Phan Văn Trung, Giám đốc Ban QLDA phát triển vốn giao thông và sự nghiệp (Sở GTVT) về những bất cập nói trên. Theo ông Trung, bên đơn vị đã nắm được vấn đề này, nhưng công trình đang trong giai đoạn bảo hành. Sự việc này không trả lời với cơ quan báo chí được vì phải theo trình tự (?!).

“Nhịp cầu yêu thương” là dự án thể hiện sự quan tâm của Chính phủ đối với các vùng nghèo nhất của đất nước, giao thông đi lại khó khăn. Vì thế, việc Bộ GTVT thúc đẩy xây dựng những cây cầu treo này đã đáp ứng sự mong mỏi, mơ ước của những người dân nghèo. Tuy nhiên, quá trình khảo sát, triển khai đã để lại những bất hợp lý khiến lòng dân không phục.

Đến thời điểm này, đã có rất nhiều ý kiến cho rằng, dự án đã quá cứng nhắc ngay trong khâu xây dựng và thiết kế dự án. Nhà thầu và đơn vị thiết kế rập khuôn theo định hình, không xem xét kỹ địa hình và các yếu tố thực tiễn tại địa phương. Do vậy, những cây cầu trong dự án “Nhịp cầu yêu thương” không phát huy hết tác dụng của mình.

Thiết nghĩ, nếu như đề án mang tính thực tiễn này hiểu được tâm tư nguyện vọng của bà con, thì những niềm vui đó sẽ thực sự trọn vẹn, người dân sẽ thực sự vui mừng, an tâm phát triển kinh tế – xã hội lâu dài.

Linh Chi – Anh Ngọc/ NĐT

[dailymotion width=”500″ height=”300″ id=”x32swcg”]

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP