Trong nước

Đoàn công tác Vương quốc Na Uy thăm và làm việc tại Hà Tĩnh

Tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đình Sơn đã giới thiệu khái quát về tiềm năng, tình hình phát triển kinh tế – xã hội của Hà Tĩnh trong thời gian qua. Trong điều kiện ảnh hưởng của suy thoái kinh tế nhưng Hà Tĩnh đã có những bước phát triển nhanh và bền vững, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 2011 – 2013 đạt 14,8%, cơ cấu kinh tế tiếp tục có những chuyển biến tích cực, thu ngân sách tăng nhanh, giai đoạn 2011 – 2013 đạt 12.485 tỷ đồng. Hà Tĩnh còn là điểm sáng trong thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM…

Sáng 21/5, Đoàn công tác Vương quốc Na Uy do Bà Hanne Inger Bjustrom – Đại sứ biến đổi khí hậu, ông Eirik Bruu Sorlie – Cố vấn cấp cao Bộ TN&MT Na Uy cùng lãnh đạo BQL chương trình UN-REDD giai đoạn II trung ương đến thăm, làm việc tại Hà Tĩnh. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đình Sơn tiếp đoàn.

Kêu gọi cộng đồng quốc tế, các tổ chức hỗ trợ Hà Tĩnh ứng phó BĐKH
Bà Hanne Inger Bjustrom: Chúng tôi sẽ kêu gọi cộng đồng quốc tế và các tổ chức phi chính phủ tiếp tục hỗ trợ, giúp đỡ Hà Tĩnh trong việc ứng phó với BĐKH

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đình Sơn nhấn mạnh, trong quá trình phát triển kinh tế – xã hội, Hà Tĩnh đối mặt với không ít khó khăn, thử thách do biến đổi khí hậu (BĐKH) gây ra. Do đặc điểm của địa hình, điều kiện tự nhiên, hàng năm, người dân Hà Tĩnh phải gánh chịu chịu những hậu quả nặng nề từ BĐKH. Việc ứng phó với BĐKH được chính quyền và người dân luôn luôn quan tâm, coi trọng. Xác định vai trò điều phối của rừng, thời gian qua đã triển khai đồng loạt nhiều chương trình, dự án nhằm bảo vệ và tái tạo rừng tự nhiên.

Từ năm 2010, Hà Tĩnh đã tiếp cận cơ chế REDD+, triển khai “Chương trình giảm phát thải khí nhà kính thông qua các nỗ lực hạn chế mất rừng và suy thoái rừng, quản lý bền vững tài nguyên, bảo tồn và tăng cường trữ lượng các bon rừng tại Việt Nam (UN-REDD), giai đoạn II” với tổng kinh phí 30.926.806 USD do Chính phủ Na Uy tài trợ triển khai tại 6 tỉnh. Hà Tĩnh đã hoàn thiện cơ cấu bộ máy tổ chức, xây dựng kế hoạch, bố trí vốn đối ứng… để thực hiện chương trình.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đình Sơn cho rằng, mặc dù kinh phí thực hiện không nhiều, nhưng hiệu quả xã hội của dự án rất lớn. Hà Tĩnh mong muốn UN-REDD sớm triển khai các đề xuất của tỉnh trong phạm vi của dự án; tiếp tục hỗ trợ địa phương nghiên cứu chương trình bảo vệ rừng đồng bộ, bền vững…

Đánh giá cao nỗ lực của Hà Tĩnh trong công tác bảo vệ và tái tạo rừng, Bà Hanne Inger Bjustrom cho rằng, thời gian qua, mặc dù gặp nhiều thử thách nhưng Hà Tĩnh vẫn duy trì được độ che phủ, trữ lượng rừng tốt, trong khi đó tốc độ tăng trường kinh tế vẫn ở mức cao. Nếu đặt trong bối cảnh BĐKH toàn cầu thì đây sẽ là kinh nghiệm quý cho các địa phương khác noi theo. Việc hợp tác bảo vệ rừng với nước bạn Lào, công tác quản lý bảo vệ rừng, để người dân tham gia bảo vệ rừng bằng cách đảm bảo kế sinh nhai cho người dân sống xung quanh rừng là cách làm hay cần được nhân rộng.

Sau khi đi thị sát một số địa điểm, Bà Hanne Inger Bjustrom sẽ nỗ lực kêu gọi cộng đồng quốc tế và các tổ chức phi Chính phủ tiếp tục hỗ trợ, giúp đỡ Hà Tĩnh trong việc ứng phó với BĐKH, tạo nền tảng vững chắc cho quá trình phát triển…

Ngô Tuấn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP