Cầu Cửa Hội bắc qua sông Lam hiện nối thị xã Cửa Lò (Nghệ An) với huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh). |
Theo dự thảo Chương trình hành động của Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Vinh, thực hiện Nghị quyết số 16-NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An về “Xây dựng và phát triển thành phố Vinh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, một trong những nhóm nhiệm vụ giải pháp chủ yếu để thực hiện Nghị quyết số 16-NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy là thực hiện tốt công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch, phát triển đô thị xanh, văn minh, hiện đại.
Theo đó, thành phố Vinh sẽ phối hợp chặt chẽ với Sở Xây dựng Nghệ An và các cơ quan, đơn vị có liên quan trong công tác lập, thẩm định, phê duyệt và công bố Điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Vinh đến năm 2050, đảm bảo tuân thủ định hướng của Quy hoạch tỉnh Nghệ An thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và các quy hoạch có liên quan nhằm nâng cao chất lượng quy hoạch, quản lý phát triển đô thị dựa trên nguyên tắc công khai minh bạch, có sự tham gia của người dân.
Tổ chức cụ thể hoá Điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Vinh sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Quan tâm đến các thiết kế không gian đô thị chung nhất là không gian kiến trúc ở các khu vực mở rộng, khu vực mới, các trục đường lớn để tạo điểm nhấn bản sắc cho thành phố.
Đặc biệt, thành phố Vinh định hướng phối hợp với huyện Nghi Xuân (tỉnh Hà Tĩnh) lập Quy hoạch phân khu 2 bên bờ sông Lam, hình thành trục xanh cảnh quan phía Đông thành phố, tạo đột phá trong việc khai thác tiềm năng khu vực 2 bên bờ sông Lam.
Mặt khác, đô thị Vinh sẽ được chú trọng quy hoạch, quản lý, khai thác không gian ngầm và gia tăng hệ số chiều cao của đô thị (bao gồm cả các công trình nhà ở và công sở, xí nghiệp) ở những địa bàn có khả năng tận dụng nhằm tối ưu hóa khai thác không gian, giảm sức ép lên bề mặt hiện hữu.
Một góc đô thị thành phố Vinh. |
Ngày 18/7/2023, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 39-NQ/TW về xây dựng và phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó xác định: “Tập trung đầu tư và có cơ chế chính sách, vượt trội để phát triển thành phố Vinh trở thành trung tâm kinh tế, văn hóa của cả vùng Bắc Trung bộ”.
UBND tỉnh Nghệ An đã hoàn thành Đề án mở rộng địa giới hành chính và không gian đô thị thành phố Vinh. Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 475/QĐ-TTg ngày 4/6/2024, công nhận thành phố Vinh mở rộng đạt tiêu chí đô thị loại I, bao gồm toàn bộ địa giới hành chính của thành phố Vinh hiện hữu, thị xã Cửa Lò hiện hữu và 4 xã hiện hữu thuộc huyện Nghi Lộc (gồm các xã: Nghi Xuân, Phúc Thọ, Nghi Thái, Nghi Phong) có tổng diện tích là 166,25km2. Việc sáp nhập sẽ được tiến hành trong thời gian tới, sau khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua Đề án.
Ngày 16/7/2024, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An đã ban hành Nghị quyết số 16-NQ/TU về “Xây dựng và phát triển thành phố Vinh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Mục tiêu đến năm 2030, thành phố Vinh là đô thị biển văn minh, hiện đại; kinh tế phát triển nhanh, bền vững, đầu tàu tăng trưởng của tỉnh, trung tâm của vùng Bắc Trung bộ trên các lĩnh vực: Giáo dục và đào tạo, văn hóa, y tế, thương mại, du lịch, logistics, khoa học và công nghệ, công nghiệp công nghệ cao…
Tầm nhìn đến năm 2045, thành phố Vinh là đô thị thông minh phát triển nhanh, bền vững, văn minh, hiện đại, một trong những động lực phát triển, cực tăng trưởng quan trọng của vùng Bắc Trung bộ.
Theo Quyết định số 2082/QĐ-TTg ngày 21/11/2011, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch xây dựng vùng Nam Nghệ An - Bắc Hà Tĩnh đến năm 2025.
Đây là vùng kinh tế tổng hợp đóng vai trò động lực của khu vực Bắc Trung bộ với các ngành kinh tế chủ đạo phát triển của hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh, có vai trò quan trọng về an ninh, quốc phòng của vùng và quốc gia; là đầu mối giao thương hàng hóa và dịch vụ của vùng Bắc Trung bộ, cửa ngõ kết nối với thị trường quốc tế trong khu vực; là vùng có nhiều di tích lịch sử văn hóa gắn liền với danh nhân văn hóa quốc gia và quốc tế, các cảnh quan thiên nhiên đặc sắc cần được bảo tồn tôn tạo và khai thác phục vụ du lịch nhân văn và phát triển kinh tế - xã hội của vùng; trong đó, thành phố Vinh và huyện Nghi Xuân là hai địa phương thuộc quy hoạch này.
Thành phố Vinh sau khi mở rộng bao gồm thị xã Cửa Lò và 4 xã của huyện Nghi Lộc (Nghi Xuân, Phúc Thọ, Nghi Thái, Nghi Phong) sẽ bám dọc sông Lam đoạn từ cầu Bến Thủy II đến Cửa Hội, đối diện bên kia sông là huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh). |
Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị ngày 18/7/2023 về xây dựng và phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn năm 2045 nhấn mạnh giải pháp tập trung đầu tư phát triển thành phố Vinh mở rộng là đô thị trung tâm của tỉnh Nghệ An và vùng Bắc Trung bộ, động lực tăng trưởng kinh tế của tỉnh; đồng thời cần tăng cường liên kết phát triển, trong đó có hợp tác với tỉnh Hà Tĩnh trong phát triển khu vực Nam Nghệ An - Bắc Hà Tĩnh, nhất là về dịch vụ, du lịch và phát triển đô thị.
Tại Quyết định số 1059/QĐ-TTg ngày 14/9/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh Nghệ An thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, dự án đầu tư xây dựng cầu Bến Thủy III được thực hiện tại xã Hưng Hòa, thành phố Vinh nối với huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) qua sông Lam.
Hiện nay, thành phố Vinh và huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) được nối với nhau qua sông Lam bởi cầu Bến Thủy I; chưa kể cầu Bến Thủy II gần đó nối từ xã Hưng Lợi (huyện Hưng Nguyên) sang huyện Nghi Xuân. Sau khi thị xã Cửa Lò sáp nhập vào thành phố Vinh vào năm 2024, cầu Cửa Hội là cây cầu thứ 2 nối thành phố Vinh sang Nghi Xuân (Hà Tĩnh).
Tác giả: Quang Hợp
Nguồn tin: baoxaydung.com.vn