Đại diện nhiều trường đại học nhận định, điểm chuẩn các ngành trong năm 2019 sẽ tăng do có sự nhích lên ở điểm trung bình các môn.
Khối trường đào tạo kỹ thuật, CNTT tăng 0,5-1,5 điểm
Ông Bùi Hoài Thắng, Trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM) nhận định, điểm chuẩn của trường này năm nay sẽ cao hơn năm 2018.
Cụ thể, theo ông Thắng, mức điểm chuẩn của các ngành thu hút thí sinh như Khoa học Máy tính, nhóm ngành Điện - Điện tử, nhóm ngành Cơ Khí - Cơ điện tử, Quản lý Công nghiệp, nhóm ngành Hệ thống Công nghiệp - Logistics, Kỹ thuật Ô tô... có thể tăng hơn năm 2018 từ 1,5 điểm.
Nhóm các ngành có điểm chuẩn năm 2018 ở gần mức sàn đã công bố là 17 có thể tăng từ 0,5 – 1 điểm.
Trong khi đó, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên TP.HCM dự kiến điểm chuẩn ngành tăng thấp nhất 1 điểm, ngành tăng cao nhất từ 3,5 - 4 điểm so với năm ngoái.
Theo ông Phùng Quán, Thường trực tổ tư vấn hướng nghiệp - tuyển sinh, nhóm ngành Máy tính và Công nghệ thông tin, Công nghệ thông tin (chương trình chất lượng cao), Công nghệ thông tin – chương trình tiên tiến (Khoa học máy tính – chương trình tiên tiến), Công nghệ kỹ thuật Hoá học, Công nghệ Sinh học và Công nghệ Sinh học (chương trình chất lượng cao), Hoá học và Hoá học (Chương trình Việt Pháp) điểm chuẩn có thể sẽ tăng ít nhất 1,5 đến 3,5 điểm.
Các ngành như Sinh học, Khoa học Môi trường, Vật lý học, Kỹ thuật điện tử viễn thông, Công nghệ thông tin (chương trình Việt Pháp), Kỹ thuật điện tử viễn thông (chương trình chất lượng cao), Công nghệ Kỹ thuật Môi trường Kỹ thuật hạt nhân, Toán học,... mức điểm chuẩn có thể tăng 0,5 đến 2 điểm.
Riêng điểm chuẩn ngành Khoa học Vật liệu, Địa chất học và Hải dương học có thể tăng từ 0,5 đến 1 điểm”, ông Quán thông tin.
Tại Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM, ông Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng nhà trường khẳng định, điểm chuẩn của nhiều ngành năm nay của trường này cũng sẽ tăng. Cụ thể, điểm chuẩn ngành Công nghệ Kỹ thuật ô tô và Công nghệ thông tin có thể tăng 2 điểm. Ngành Rô bốt và trí tuệ nhân tạo có điểm chuẩn dự đoán ở mức từ 25. Các ngành khác còn lại tăng khoảng 1 điểm so với năm ngoái.
Đối với những ngành như Kỹ nghệ gỗ và nội thất, Công nghệ vật liệu, Công nghệ vật liệu dệt may, Công nghệ kỹ thuật môi trường, Kỹ thuật xây dựng công trình giao thông, Công nghệ kỹ thuật in (chất lượng cao) Kỹ thuật nữ công, Quản lý xây dựng, Hệ thống kỹ thuật công trình xây dựng, Kỹ thuật công nghiệp,... mức điểm chuẩn được dự đoán khoảng từ 17 đến 19 điểm.
Ngành Công nghệ kỹ thuật ô tô và Công nghệ thông tin dự đoán điểm chuẩn trên 22 hoặc 23. Ngành Rô bốt và trí tuệ nhân tạo có điểm chuẩn dự đoán trên 25.
Những ngành còn lại dự đoán điểm chuẩn ở mức từ 20 đến 21.
Điểm chuẩn ngành Y dược tăng nhưng không cao hơn 2017
TS Lê Đình Tùng, Phó trưởng Phòng Quản lý Đào tạo, Trường Đại học Y Hà Nội dự đoán, mức điểm chuẩn vào Trường ĐH Y Hà Nội có thể cao hơn năm 2018 từ 1 đến 2 điểm.
Những năm trước, có thí sinh đạt 27 điểm vẫn bị trượt khi đăng ký vào ngành Y đa khoa. Năm 2018, do đề thi THPT Quốc gia khó hơn nên ngành Y đa khoa lấy 24,75 điểm; phân hiệu ở Thanh Hóa lấy 22,1 điểm. Còn năm nay, ngành này có thể tăng từ 1 đến 2 điểm.
TS Lê Đình Tùng, Phó trưởng Phòng Quản lý Đào tạo, Trường Đại học Y Hà Nội |
Tương tự, tại Trường ĐH Y dược TP.HCM, PGS.TS Nguyễn Ngọc Khôi, Trưởng phòng đào tạo của trường cũng dự đoán, nhiều khả năng điểm chuẩn tất cả các ngành của trường đều tăng so với năm 2018, nhưng sẽ thấp hơn mức điểm năm 2017.
Ông Khôi dự đoán, nhiều khả năng mức điểm chuẩn các ngành của trường sẽ tăng từ 1 đến 1,5 điểm so với năm trước.
Điểm chuẩn khối ngành Kinh tế nhích nhẹ
PGS.TS Bùi Đức Triệu, Trưởng phòng Đào tạo, Trường ĐH Kinh tế Quốc dân đánh giá, phổ điểm chung của kỳ thi THPT quốc gia năm 2019 đều tăng; kết hợp với việc thí sinh có xu hướng đặt nhiều nguyện vọng vào các ngành hot như Kinh tế quốc tế, Kinh doanh quốc tế, Marketing, Kế toán,... nên dự báo điểm chuẩn của những ngành top đầu năm nay sẽ tăng 1 – 2 điểm so với năm 2018.
“Mức điểm chuẩn của những ngành này vào các năm trước đã cao nên chắc chắn sẽ không vượt quá so với năm 2017. Còn so với năm 2018 có thể sẽ nhích lên 1 – 2 điểm tùy từng ngành".
Năm 2017, điểm chuẩn vào Trường ĐH Kinh tế quốc dân có ngành lên tới 27 điểm. Ông Triệu cho cho rằng, mức điểm chuẩn cao nhất của năm nay chắc chắn không thể cao bằng mức này nhưng có thể lên tới 26 điểm, thậm chí có ngành có thể lên đến 26,5 điểm.
Ngoài những ngành hot có xu hướng tăng điểm chuẩn, theo ông Triệu, các ngành thấp hơn sẽ khó dự đoán mức điểm chuẩn bởi phổ điểm chỉ là một yếu tố. Yếu tố quan trọng khác là số lượng nguyện vọng của các em.
Bà Phạm Thu Hương, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Ngoại thương cũng cho biết, dự kiến điểm chuẩn trúng tuyển vào trường năm nay có thể cao hơn một chút so với năm 2018.
Ông Nguyễn Đào Tùng, Trưởng ban Quản lý đào tạo Học viện Tài chính cho rằng, năm nay số thí sinh có tầm tổng điểm trong khoảng từ 18 đến 23 khá nhiều. Tầm từ 24 điểm trở lên thì ít hơn.
“Do đó theo tôi, những trường có điểm chuẩn năm ngoái từ 18 đến 23 chắc chắn năm nay sẽ tăng so với năm 2018. Còn lại các ngành, trường năm ngoái có mức điểm từ 24 trở lên thì năm nay điểm chuẩn có thể nhích lên nhưng sẽ không tăng quá cao so với năm ngoái.
Đối với những trường năm ngoái mà điểm chuẩn dưới 18 thì có thể mức điểm chuẩn năm nay sẽ có nhiều biến động, trong khoảng từ 3 điểm”, ông Tùng nói.
Trường ĐH Kinh tế TP.HCM cũng dự báo, điểm chuẩn các ngành của trường năm nay sẽ tăng ít nhất 1-2 điểm.
Năm 2018, điểm trúng tuyển cao nhất vào trường là ngành Kinh doanh quốc tế 22,8 và chuyên ngành Ngoại thương với 22,6 điểm. Sau đó là các ngành Marketing 22,4 điểm; Quản trị khách sạn 22,2 điểm; Kinh doanh thương mại 21,7 điểm; Quản trị kinh doanh 21,4 điểm; Kế toán 20,4 điểm,
Điểm chuẩn thấp nhất năm ngoái của trường này là 17,5, khả năng năm nay không biến động nhiề
Tác giả: Thúy Nga
Nguồn tin: Báo VietNamNet