Giáo dục

Dự đoán điểm chuẩn đại học: Tăng đều các khối, biến động trường top giữa

Nhiều giáo viên dự đoán, đề thi THPT quốc gia năm 2019 dễ hơn năm ngoái nên điểm chuẩn vào đại học sẽ tăng đều ở các khối, từ 0,5 đến 2 điểm tùy trường và ngành học.

Thí sinh dự thi THPT năm 2019. Ảnh: Như Ý

Khối A, A1 sẽ biến động từ 0,5-1 điểm
Thầy Phạm Văn Tùng, giáo viên trường THPT Lương Thế Vinh, Hà Nội, nhận định, 24 câu đầu của đề, học sinh dễ dàng lấy 6 điểm (phù hợp tiêu chí xét tốt nghiệp mới của Bộ GD&ĐT). Từ câu 25 đến câu 30 bắt đầu có phân hóa .

Từ câu 30 đến câu 36 khả năng phân hóa mạnh hơn vì các câu phải vững kĩ năng cũng như có khả năng phán đoán loại trừ. Từ câu 36 trở đi đòi hỏi học sinh phải thực sự xuất xuất mới làm được.

“Nhìn nhận qua đề có thể đánh giá phổ điểm chính rơi vào ngưỡng từ 6-7 điểm, điểm 8 và 9 sẽ nhiều hơn năm ngoái, điểm 10 sẽ vẫn ít. Phần khó đề ra vẫn dài và nặng về Toán”- thầy Tùng nhận định.

Cũng theo thầy Tùng, căn cứ vào đề thi có thể đánh giá, điểm môn Lý năm nay tăng 0,25 điểm đến 0,5 điểm, khối A và khối A1 tăng nhẹ từ 0,5 đến 1 điểm.

Điểm chuẩn vào khối C, D tăng từ 1-1,5 điểm

Cô Nguyễn Thị Huyền Thảo - giáo viên Lịch sử trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, TP.HCM cho hay, đề thi THPT quốc gia 2019, phổ điểm năm nay sẽ “khá” hơn năm ngoái.

Theo cô Thảo, do đề thi bám sát chương trình 12 và độ phân hóa rõ hơn qua các phân khúc của năng lực. Các câu hỏi đi từ dễ đến khó và trong đó các lựa chọn cụ thể, rõ ràng và ngắn gọn nên khả năng học sinh đạt điểm trung bình dễ dàng hơn.

“Vì thế, phổ điểm sẽ tập trung vào phân khúc từ 4 đến 7 điểm. Đối với điểm 8 và 9 sẽ có mật độ cao hơn so với năm ngoái. Và điểm 10 sẽ có nhưng không nhiều có khả năng chiếm tỉ lệ % nhỏ khoảng 0.5- 0.8 %”- cô Thảo nhận định.

Cô Thảo cho rằng, điểm chuẩn sẽ tăng vì độ khó đề thi giảm nhẹ thì tỉ lệ điểm cao sẽ tăng là bình thường. Tuy nhiên, sẽ không đến mức như năm 2017 và sẽ không khốc liệt như 2018. Vì năm ngoái tiêu cực thi cử nên điểm 10 cũng khá ảo và không đánh giá mức điểm chính xác. Năm nay công tác chấm thi siết lại thì khả năng điểm cao hay cao chót vót sẽ khó xảy ra.

“Với những em học tốt và chắc chắn biên độ đạt 24 đến 26 ở các khối sẽ không khó và không hiếm”- cô Thảo nói.

Cũng theo cô Thảo, với mục tiêu 2 trong 1 như vậy độ khó đề thi Lịch sử như năm nay là hợp lý vì như vậy học sinh cũng bớt áp lực và bớt căng thẳng cho học sinh và xã hội. Song cần xem xét một số các trường đại học đã tự tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực đầu vào của đại học quốc gia và một số trường đại học khác cũng lấy một phần kết quả từ đây nên việc độ khó đề thi như vậy là ổn. Một số học sinh đã đỗ đại học trước khi đỗ tốt nghiệp nên các em lại rất thoải mái tham gia kỳ thi này.

Thạc sĩ Địa lý Vũ Thị Kim Hiệp, giáo viên trường THPT chuyên Trần Địa Nghĩa, TP.HCM nhận định về đề Địa năm nay cho rằng, số câu hỏi Atlat địa lí Việt Nam nhiều chiếm 11 câu, có 4 câu biểu đồ, bảng số liệu như vậy phần kỹ năng thực hành chiếm tới 15 câu, đây là phần thuận lợi cho học sinh khi làm bài thi được sử dụng cuốn Atlat địa lí Việt nam.

Theo cô Hiệp, về phần kiến thức lớp 11 có 4 câu ở mức trung bình. Còn phần lớn kiến thức ở lớp 12 và chủ yếu tập trung vào phần các ngành kinh tế như Nông nghiệp, Công nghiệp, Dịch vụ ... với kiến thức phần 7 vùng kinh tế.

Có khoảng 6 câu có độ khó phân hóa rõ rệt, là những câu hỏi đòi hỏi các em phải hiểu sâu, phân tích tốt và nắm bắt thực tế mới chọn được đáp án chính xác. Ví dụ như các câu từ 74 đến câu 80 mã đề 315..... cho nên theo nhận định thì đề thi năm nay khá thuận lợi và phổ điểm trung bình đạt 6-7 điểm cao hơn năm trước. Điểm 9 sẽ nhiều và mức 9,5 -10 điểm thì ít.

“Về điểm chuẩn dự kiến vào các trường đại học năm nay cũng sẽ có thay đổi theo chiều hướng cao hơn năm trước”- cô Hiệp nhận định.

Là giáo viên dạy Tiếng Anh có kinh nghiệm, cô Vũ Thị Mai Phương, giáo viên tại Hà Nội nhận định, phổ điểm môn này, đề năm nay dễ hơn năm ngoá nên phổ điểm sẽ ở mức 6-8 là nhiều và lượng học sinh học khối A1, D sẽ đạt 8-10 nhiều hơn năm ngoái.

“Điểm chuẩn dự kiến tăng 1 đến 1.5 điểm vì điều này”- cô Phương nhận định.

Thí sinh cần thận trọng, tránh mất cơ hội

Thầy Phạm Văn Tùng, giáo viên trường THPT Lương Thế Vinh, Hà Nội nhận định, năm nay, các trường top sẽ không tăng nhiều , trường nằm ở tầm trung sẽ biến động khá mạnh về xét tuyển.

Thầy Tùng lưu ý, học sinh cần cân nhắc thận trọng khi lựa chọn tránh tình trạng nguyện vọng không đúng dẫn tới mất cơ hội vào trường tốt.

“Thí sinh nên chờ phổ điểm từng môn và từng khối của Bộ GD&ĐT để đăng ký, sắp xếp lại các nguyện vọng”- Thầy Tùng nói.

Tác giả: Đỗ Hợp

Nguồn tin: Báo Tiền phong

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP