Di tích - Thắng cảnh

Di tích lịch sử quốc gia, nơi thành lập Đảng bộ tỉnh Hà Tĩnh: Xuống cấp nghiêm trọng

Nhà cụ Mai Kính ở thôn Bùi Xá, xã Phù Việt, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh (nay là xã Thạch Việt, huyện Thạch Hà) từ lâu đã được công nhận là di tích lịch sử quốc gia. Đây là nơi thành lập Đảng bộ tỉnh Hà Tĩnh vào năm 1930. Trải qua nhiều biến động, di tích này nay đã xuống cấp nghiêm trọng.

Theo các tài liệu lịch sử ở Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh (TP Vinh, tỉnh Nghệ An), tháng 2-1927, tại nhà ông Mai Kính, Đảng Tân Việt huyện Thạch Hà ra đời do các trí thức yêu nước trong vùng như Nguyễn Châu, Nguyễn Tứ Mỹ, Bùi Quang Điềm và Mai Kính đứng ra thành lập. Nhà Mai Kính là nơi hội họp, in ấn tài liệu, tổ chức phường hội của tổ chức Tân Việt ở Thạch Hà; là trung tâm bắt mối liên lạc phát triển tổ chức sang các địa phương khác.

 
Ban thờ trong ngôi nhà di tích..
 
Khu vườn và ngôi nhà lịch sử.
 
Mái lá của ngôi nhà lịch sử đã bị dột nát nhiều chỗ.

Từ tháng 1 đến tháng 3-1930, tại nhà đồng chí Mai Kính đã diễn ra các hoạt động như mở lớp bồi dưỡng lý luận cộng sản, kết nạp Đảng, và sự kiện nổi bật là triệu tập Hội nghị thành lập Tỉnh ủy lâm thời Hà Tĩnh. Tháng 7-1930, dưới sự chỉ đạo của đồng chí Mai Kính, lúc này là cán bộ Tỉnh ủy, tại đây đã diễn ra Hội nghị bàn kế hoạch tổ chức biểu tình kỷ niệm ngày chống chiến tranh đế quốc 1-8-1930. Đến ngày 15 và 16-9-1930, cũng tại nhà Mai Kính, Đại hội thành lập tỉnh Đảng bộ tỉnh Hà Tĩnh đã được tổ chức; tham dự Đại hội có 20 đại biểu của 8 huyện thay mặt cho 376 đảng viên của toàn tỉnh. Và cũng kể từ đây, nhà đồng chí Mai Kính trở thành “trụ sở chính thức” của Tỉnh ủy Hà Tĩnh. Từ ngôi nhà này, các chỉ thị, nghị quyết, truyền đơn của tỉnh được in ấn, truyền đi để chỉ đạo phong trào đấu tranh của quần chúng nhân dân tới đỉnh cao, dẫn đến sự ra đời của phong trào Xô-viết ở nhiều nơi. Từ ngày 25 đến 31-3-1931, tại làng Thượng Nga (Nga Lộc), huyện Can Lộc đã diễn ra Đại hội đảng bộ tỉnh Hà Tĩnh. Đại hội đã bầu Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh do đồng chí Mai Kính làm Bí thư. Năm 1930, thực dân Pháp phát hiện Phù Việt là căn cứ đầu não của Tỉnh ủy Hà Tĩnh nên tìm mọi cách đàn áp, tiêu diệt. Hơn 270 ngôi nhà đã bị thiêu cháy. Ngôi nhà lớn của đồng chí Mai Kính đã được nhân dân tháo ra cất giấu, còn mấy gian nhỏ từng nấu cơm nuôi dưỡng cán bộ Đảng thì bị đốt cháy.

Để bảo vệ ngôi nhà, sau năm 1930, nhân dân Phù Việt đã tháo dỡ, chuyển đi cất giấu nơi khác. Tháng 9-1945, Cách mạng Tháng Tám thành công, đồng chí Mai Kính lại chuyển nhà về dựng trên nền đất cũ. Đó là một ngôi nhà tranh giản dị trong khu vườn có diện tích 2 sào trung bộ. Năm 1990, ngôi nhà đã được Bộ Văn hóa (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) công nhận là Di tích lịch sử cách mạng cấp quốc gia…

Đầu tháng 11-2013, chúng tôi tìm về ngôi nhà thờ cụ Mai Kính, di tích lịch sử quốc gia, nơi thành lập Đảng bộ tỉnh Hà Tĩnh. Mảnh vườn nhỏ, ngôi nhà nhỏ, mái lợp đã bị mủn, thủng dột nhiều chỗ, khiến nước mưa chảy tràn trên nền nhà và ban thờ…; các đòn tay, cột, kèo đã bị mối xông… Qua những cơn bão, lũ vừa qua, những trận mưa lớn khiến ngôi nhà di tích càng thêm xuống cấp nghiêm trọng.

Cụ Mai Tố là con trai đồng chí Mai Kính hiện đang quản lý ngôi nhà – di tích lịch sử. Cụ Mai Tố hiện không nghe được, trò chuyện với chúng tôi bằng hình thức “bút đàm”: “Từ mấy năm nay, ngôi nhà – di tích lịch sử đã xuống cấp nghiêm trọng, trong khi chúng tôi không được phép sửa chữa, củng cố và thực tế gia đình cũng không có đủ kinh phí để làm việc này. Vì thế, qua Báo Quân đội nhân dân, gia đình chúng tôi muốn đề nghị đến chính quyền và cơ quan chức năng quan tâm sửa chữa, trùng tu di tích theo nguyên dạng ban đầu”.

Ngày 19-11, ông Võ Hồng Hải, Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch tỉnh Hà Tĩnh cho chúng tôi biết: “UBND huyện Thạch Hà đã lập dự án sửa chữa, trùng tu di tích lịch sử này và hiện đang chuẩn bị nguồn kinh phí”. Nói về tiến độ triển khai dự án, ông Trần Hậu Sơn, Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin huyện Thạch Hà cho biết, dự án xây dựng con đường vào di tích đã được phê duyệt nhưng hiện nay chưa có tiền. Sau các cơn bão, lũ vừa qua, ngành chức năng của huyện Thạch Hà đã vào kiểm tra tình trạng dột nát, hư hỏng của di tích lịch sử, đồng thời đề nghị lên trên cho lợp lại mái lá. Cho đến hiện nay (chiều 19-11), kế hoạch này vẫn đang chờ được phê duyệt…

Bài và ảnh: TRẦN HOÀI

(QĐND)

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP