Di tích - Thắng cảnh

Đền Chào (xã Kỳ Thọ) thờ Đại tướng công Phạm Hoành

 



Cổng đền Chào



Cổng xã Kỳ Thọ

“Chánh điện” đền Chào




Ban thờ tướng Phạm Hoành



Khuôn viên đền Chào
Đền chùa thường đi kèm danh tánh hoặc nơi sinh ra vị sáng lập hoặc được thờ, đền Trần Nam Định (thờ vua Trần), đền Mê Linh (thờ hai Bà Trưng), đền Bà Chúa Xứ đền Chợ Củi (thờ ông Hoàng Mười)… ai nghe cũng hiểu. Thực tế có nhiều Đền nghe tên rất lạ không biết thờ ai, như đền Ghềnh (thờ Lê Ngọc Hân), đền Đô (thờ 8 đời vua Lý). Trên đường từ Bắc vô Nam, đến cuối tỉnh Hà Tĩnh, tôi gặp một ngôi đền cổ nằm sát QL1 có tên: Đền Chào. Tên Đền khiến tôi phải dừng lại.

Nhìn cổng Đền từ lối kiến trúc đến hoa văn trang trí và nhất là bao nhiêu lớp rêu phong năm tháng phủ đầy, tôi có cảm tình ngay. Chưa biết đền thờ ai, có công trạng gì nhưng chắc chắn phải xuất phát từ một sự tích ý nghĩa chứ không như thời nay nhiều nơi dựng Đền để “buôn Thần bán Thánh,” để kiếm công ăn việc làm.

Đền Chào có điểm đặc biệt về “phong thủy”(?) khác với thông lệ đền chùa thường dựng bình phong trong cổng, ở đây bình phong nằm ngoài cổng. Bình phong kềm giữa hai trụ tương tự hai trụ cổng chính vào Đền và rộng bằng nguyên lối đi. Biểu tượng đắp trên bình phong là ngựa và mây, Ngựa pha nét Lân, đơn giản mộc mạc, không hoa hòe màu chén cổ như thường thấy.

Cổng vào Đền bỏ ngõ rộng gần 10 mét, hai tru cổng cao vút, đế trụ vuông to vững chắc liền với tường thành dài mỗi bên hơn 20m, xây bằng đá chẻ và gạch. Hai lối phụ nhỏ hai bên cao hơn tường thành vừa tầm người đi, bên trên có mái giả.

Nhìn chung kiến trúc mặt tiền có nhiều chỗ sứt mẻ, tuy nhiên trông vẫn còn chắc chắn, chưa có dấu hiệu gì nghiêng đổ, ý nghĩa di tích rất rõ ràng. Đi nhiều nơi thăm nhiều đền chùa, tôi thích phong cách nét cổ cổng đền Chào. Thế nhưng, bước vào trong mới thấy vẻ nghèo nàn và sự mất cân đối giữa mặt tiền và nội dung bên trong.

Mới mấy ngày sau Tết mà Đền “vắng như chùa Bà Đanh”(1), vắng từ ngoài vào trong. Sân Đền rộng thênh thang, có một am thờ nhỏ bên phải, mấy lá cờ đuôi nheo, ngoài ra chẳng thấy gì khác. Một lối mòn ngoằn ngoèo vào ngôi nhà ngói cũ ba gian như nhà ở, nằm tuốt trong xa, nóc nhà có gắn lưỡng long chầu nguyệt. Tôi lấy làm lạ, cổng Đền bề thế cổ kính như vầy mà Đền nghèo đến vậy sao, nghèo đến nổi không có gạch lát cho một lối đi. Tôi vào đến mái nhà dù trước thềm “điện thờ” mà chẳng thấy ai, ba gian cửa đóng kín. Bên trái có nhà nhỏ cũng ba gian, cửa mở, trong có bàn thờ. Tôi lên tiếng, một ông lão mở cửa bước ra.

– Thưa bác, tôi ở xa, nhân ngang qua thấy tên Đền hơi lạ, muốn vào thăm. Xin bác cho biết đôi điều được không?

– Cấy nớ có chi mô, biết chi tui nói nấy.

– Trước hết bác cho biết, đây là đền thờ vị thần có tên Chào hay sao.

– Không mô, đền thờ ngài Phạm Hoành, còn tên Đền răng tui nỏ biết (không biết).

– Bác có thể nói sơ về ngài Phạm Hoành được không?

– Nghe nói Ngài là vị tướng tài ba thời xưa về đây giúp dân làm ăn xây dựng đời sống tốt đẹp nên khi ngài qua đời người ta lập Đền để thờ (2).

– Tôi thấy bên ngoài cổng Đền đồ sộ mà sao nơi thờ tự quá đơn sơ vậy bác?

– Trước tê Đền cũng to chớ nhưng mà chiến tranh tàn phá sạch. Sau dân chúng ở đây đóng góp xây lại như ri.
– Bác coi ngó đây có được hưởng phụ cấp chớ?

– Có chi mô, vì không có ai coi thì tui coi dùm thôi. Túi (tối) về nhà ngủ.

Thấy ông già thật thà cũng không biết gì nhiều, tôi xin đi xem, chụp vài tấm hình.

Gian giữa căn nhà chính có bàn thờ, hoành phi đàng hoàng. Ngày Tết nhưng bàn thờ cũng đạm bạc: Bình trà, bình rượu, hai bình hoa cúc héo tàn…chẳng bù với đền chùa ngoài Bắc lúc nào cũng bia lon, nước ngọt, bánh trái đầy mâm.

Qua nhà bên hông mỗi gian cũng có bàn thờ nhưng quá sơ sài và luộm thuộm như lâu ngày không ai lo nhang đèn. Chung chung ngôi đền chẳng có gì quí giá.

Ra cổng tôi nhìn lại so sánh cổng Đền và cổng làng thấy rõ “nếp sống văn hóa của nước ta,” chỉ cần hình thức để phô trương chứ không thiết tha gì với giá trị lịch sử, với đời sống tinh thần của con người. Tất nhiên “các nhà lãnh đạo” không chủ trương thế, nhưng “cơ chế” thì cho phép mọi cấp được làm theo ý mình mà không ai sợ qui trách nhiệm.

Rồi đây khi có kinh phí trùng tu, bao nhiêu giá trị cổ của đền Chào sẽ bị san bằng làm nền cho xây dựng mới “hoành tráng” hơn, xứng với “tầm cao của thời đại”! Chắc rồi sẽ như thế. Điều đáng buồn! (3)

Trần Công Nhung

(1) Chùa Bà Đanh trang 90 QHQOK tập 10

(2) Một tài liệu thấy trên Net:

Tương truyền, Phạm Hoành là con trai cả của Khuê quận ông Phạm Định, cháu 4 đời của Thọ quận công Phạm Tiêm. Từ khi cụ thân sinh mất, ông phải đi ở chăn bò cho một nhà địa chủ họ Nguyễn ở làng Hưng Nhân. Vì phải đi ở, không thể vào lớp học, ông đã dùng than bùn làm bút, lấy lá chuối khô viết bài. Tên địa chủ đánh đập, đi tìm bắt nên ông đã trốn đến xứ Ngọc Sơn, Đông Huấn, tại đây ông gặp quan Thượng thư Quyền Tri Hữu Tướng có con ngựa Long Khấu chạy rông, binh lính không ai bắt được, bèn nhờ ông bắt hộ, ông nói, “Bụng đang đói, cho tôi ăn no tôi sẽ bắt cho.”

Quân lính vội vàng nấu cơm cho ông ăn, sau khi ăn một thúng cơm, uống một vò nước, Phạm Hoành đã đuổi bắt được ngựa trong chốc lát. Quan thượng thư khâm phục ban thưởng, từ đó ông ở với quan giúp dân trong vùng huấn luyện ngựa. Quan Thượng thư có con ngựa “Hồng Lân Phi” giao cho ông chăm sóc.

Một lần quan Thượng thư ốm, giao cho ông cưỡi ngựa vào hầu vua, được vua ban thưởng cho một con ngựa khác tên là “Hồng Lân,” ông nhảy lên ngựa phi 5 vòng nhanh như gió, vua rất cảm phục và ban thưởng 5 kho lúa, từ đó ông trở thành người huấn luyện ngựa giỏi của triều đình.

Năm Quý Sửu (1543) vua truyền họ Mạc có con ngựa nước ngoài tên là “Đại Lan” chạy ngàn dặm không mỏi, nếu đoạt được, đi trận ắt thành công. Vua cử ông và Tả tướng quân đi bắt ngựa. Sau đó ông và Tả tướng quân đến Cương Quán – xứ Thanh Hóa bắt được ngựa hiến cho Tả tướng quân dâng lên vua. Từ đó ông cùng Tả tướng quân đã lập nhiều chiến tích giúp vua đánh chống nhà Mạc.

Trong lúc truy kích quân nhà Mạc ở Hoan Châu – Nghệ An, ông bị tập hậu, bị thương nhẹ, ông ra khỏi đất Hoan Châu về quê điều trị rồi từ trần vào ngày 6 tháng giêng năm Quý Tỵ (1593). Được tin ông mất, vua rất thương tiếc bèn phong sắc cho ông là Điện Quân công Hổ Oai đại tướng quân thần và lập đền thờ Phạm Hoành tại làng Sơn Triều nay là Tân Thọ – xã Kỳ Thọ. Để ghi nhớ công lao của vị tướng Phạm Hoành, trong thượng điện có ghi 2 câu đối của tri huyện Nguyễn Giao:

Kiếm mã đường đường sinh bất tử
Uy linh hách hách cổ kim nhi.

Nghĩa là:
Đường đường thanh gươm yên ngựa sống mãi không mất
Uy linh lừng lẫy từ xưa tới nay

(3) Ngay như chùa Trăm Gian (Hà Tây) giá trị cổ kính như thế mà còn phá làm mới (để kiếm ăn) rồi hô hoán “tôn tạo” để đưa nền văn hóa lên “tầm cao”!

Sách đã in: Quê Hương Qua Ống Kính tập 1 đến tập 14, Buồn Vui Nghề Chơi Cây Kiểng, Mùa Nước Lũ (Truyện), Về Nhiếp Ảnh, Thăng Trầm (chuyện buồn vui một đời người), sách dày trên 200 trang, có 8 phụ bản ảnh màu và cả trăm ảnh đen trắng.

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP