Tuỳ bút Quê hương

Dấu chân chim, ngàn năm trên gương mặt quê hương

Đôi khi, ai đó, vẫn hỏi tôi về quê hương. Tôi chưa bao giờ nhận mình là người Hà Nội, dù thành phố ấy là nơi tôi sinh ra, lớn lên, và cất cánh bay đi miết. Tôi còn nhớ, ở đâu đó, tôi đã viết: “Hà Nội như mẹ cha; Sài Gòn là chính tôi, nguyên bản”.



Câu trả lời của tôi vẫn luôn luôn là Hà Tĩnh, là cái làng Vĩnh Đại, nơi đã một lần tôi lần mò trở về không kế hoạch, không hẹn trước. Đi công tác Hà Tĩnh, tôi đã chợt nghĩ đến chuyện tại sao không về thăm quê hương gốc gác của mình. Và gọi điện cho ba tôi hỏi lối về. Cái cảm giác nổi da gà đến lạnh xương sống giữa tháng sáu, mùa hè, khi chiếc xe hơi chạy qua con đê vẫn còn ám ảnh tôi suốt chiều dài cuộc sống sau này.


Ở đó, ngay trên đỉnh cao của con đê con ấy, tôi đã hình dung ra ba tôi, lên 6, cưỡi trên con heo giữa mùa lụt và nghịch ngợm đến kinh người trong tiếng gọi với theo của những người bà con. “Cậu Tam, Cậu Tam”, người làng ngày xưa vẫn gọi ba tôi, cháu nội của ông đồ Hồ, bằng cái tên như thế. Câu chuyện kể về quê hương từ ba đã ngập trong tôi từ tấm bé. Và ngày về của tôi, tôi nhìn thấy người rất cụ thể, ở từng góc, từng ngõ, từng bụi cây, khóm cỏ mới lạ mà rất quen…




Ông nội đưa cả gia đình tôi ra Hà Nội từ rất sớm. Đó là cuộc thiên di đầu tiên của một thế hệ trong gia đình tôi. Ông vẫn nói giọng quê, bà cũng vẫn nói giọng quê, cho tận đến khi cả ông và bà cùng nhìn con cháu nói lời tử biệt cuối cùng. Bác tôi cũng vẫn còn nói giọng quê và sẽ vẫn còn giữ giọng quê cho đến khi bác gặp lại ông bà nơi nào đó. Tôi biết chắc là như thế. Ba thì không còn nói rõ giọng quê nữa và các chú thì tuyệt đối không. Cũng như tôi, các chú đều sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, mảnh đất cho họ một cuộc sống khác, một tiếng nói khác.


Nhưng tôi luôn luôn nhớ, lời ba tôi thủ thỉ khi tôi bắt đầu cuộc thiên di của đời mình. “Làm gì thì làm, phải giữ giọng nói của mình, con nhé”, người đã dặn như thế, trước khi tôi đi…


Và tôi luôn nhớ tôi vẫn là người làng Vĩnh Đại năm nào. Song, trong tiềm thức tôi, thật ra, mình chỉ có một quê: đấy là xứ sở Việt Nam này. Tôi không thích sự cắt chia đến cụ thể từng vùng miền mà người ta vẫn vô tình nhắc đến mỗi ngày. Với tôi, Hà Nội, Sài Gòn, Hà Tĩnh, Hải Phòng, Nam Định, Quảng Trị, Phú Yên hay Lâm Đồng, Cần Thơ, Bạc Liêu cũng chỉ là một mà thôi. Đó là quê hương đích thực.


Mấy ngày trước, tôi nhận được tấm thiệp điện tử của ông Du Tử Lê gửi tặng tôi nhân mùa Thiên chúa Giáng sinh. Bức tranh ông vẽ kèm theo bài thơ Khi kỷ niệm bất ngờ, tuột tay, rớt theo chiều thẳng đứng là món quà Giáng sinh mà ông gửi từ Cali về cho mấy người chúng tôi, những người trẻ mà ông vẫn gọi là “bằng hữu”.



Bài thơ ấy có tôi, có cả bài hát mà tôi viết, có cả thằng bé con đã hát bài hát ấy cho ông Lê nghe, thằng bé mà ông gọi là “cánh bướm tí hon liu điu”… Tôi biết ông Lê đang cồn cào nhớ quê nhà. Độ này sắp Tết. Ở những đất nước xa xôi, cái Tết vẫn là dịp cứa lòng người Việt tha hương. Tôi hiểu điều đó bởi tôi thấm câu thơ ông viết “Khi tôi chết hãy mang tôi ra biển”. Ông chờ sóng đưa cát bụi cuối cùng đáp bến quê hương.


Tự nhiên tôi nhớ thằng Long “bính”, chế Sương, cái Trang “béo”…, những người bạn đã trở thành công dân Paris từ lâu lắm rồi. Họ sẽ đón cái Tết này như thế nào? Chắc chắn là ngoài nụ cười thường niên, sẽ vẫn có những phút lắng lòng không nói được, không khóc được. Nhất là với những người ở một mình như chế Sương. Ngoài ban công căn hộ của chế, chắc cũng vẫn có hoa và mấy trái cà chua bi chớm đỏ. Nhưng mùa Xuân không ở đó. Má của chế bên này, đông con lắm cháu nhưng chắc cũng không mấy vui hơn. Cái dáng má gầy gầy, run run hôm đám cưới Trí “mén” vẫn còn trong tâm trí tôi. Tết mà có chế Sương, chắc má vui hơn nhiều, khoẻ hơn nhiều và ham làm bánh trái hơn nhiều…


Đến bây giờ, thật lạ kỳ, sao dân tộc tôi vẫn còn những cuộc chia ly?


Tôi không thể quên được cảm giác của mình mỗi khi đi ngang góc đường Võ Văn Tần – Lê Quý Đôn. Bên tay trái tôi, theo chiều tôi xuôi xuống cái phòng trà quen nho nhỏ, là Bảo tàng Chứng tích chiến tranh với những chiếc máy bay, xe tăng, những khẩu đại bác đứng sừng sững đầy hào khí bi thương, xanh rợn màu chiến địa của một thời chia cắt. Lịch sử không bao giờ thay đổi được và lịch sử là nơi một dân tộc dựa lưng. Người ta không thể sống thiếu lịch sử của quê hương mình, như không thể nào có thể ra đời mà thiếu cha mẹ. Nhưng người ta sống phần lớn cuộc đời mình đâu nhất thiết phải bên cha mẹ. Những đứa con có hiếu và những đứa con bay cho thỏa chí hướng đều làm mẹ cha hài lòng như nhau bởi chúng đều là niềm hi vọng của một kiếp người.


Đã nhiều lần, tôi ước mơ cùng với cái bảo tàng đông khách kia, nên chăng, cần xây dựng một Bảo tàng Chứng tích Tình Yêu, nơi những người yêu được để lại ký ức nhỏ của mình như một tác phẩm sắp đặt ngẫu nhiên và ngẫu hứng. Đã có đất nước nào có bảo tàng tình yêu chưa? Tại sao quê hương tôi không làm điều đó, như sự vinh danh cho yêu thương?


Lẽ ra, tôi biết, ông Du Tử Lê đã có thể gặp tôi mỗi tuần, thậm chí là mỗi ngày, để hàn huyên chuyện văn chương như ông vẫn muốn.


Lẽ ra, tôi biết, cuộc hẹn của ông và tôi cho lần gặp năm nay, không phải kéo dài trong đợi chờ như thế.


Lẽ ra, tôi biết, ông đã không phải viết những điều mà cả triệu người cũng nghĩ đến mà không đủ năng lực để viết ra như ông, rằng “khi tôi chết hãy mang tôi ra biển”…


Có lẽ, nguyên do của nó là một ám ảnh từ ngàn năm, nỗi ám ảnh từ truyền thuyết, từ huyền sử, nỗi ám ảnh của chia ly…


Chưa có dân tộc nào bắt đầu huyền sử của mình như quê hương tôi, nơi mà mẹ thủy tổ và cha cội nguồn chia nhau trăm người con để một lên rừng và một xuôi về biển. Đó là cuộc chia ly đầu tiên, kéo dài đến ngàn vạn cuộc chia ly sau này mà mỗi thế hệ lại cố một vài lần bù đắp lại.


Quê hương Việt Nam với tôi chỉ là một như ngàn vạn gia đình cũng luôn luôn là một, bởi tôi ghét sự chia lìa dù nhiều khi cách ngăn không phải là cố ý.


Thế nên, cảm thức về nhà phải chăng luôn quấn lấy con người ta chỉ vì mình đã đi quá xa gia đình, quá xa quê-hương-là-một của mình, nhất là khi Tết sầm sập kéo lại thật gần?


Dấu hằn chia ly kia, tôi nhìn, như dấu chân chim cắt đầy trên gương mặt quê hương này, những vết cắt vô hình và vô tình mà nhiều khi, vì khoác những manh áo mệnh danh sự sống mỗi người bỗng nhiên không nhận ra nó nữa.


Tự nhiên, tôi nhớ lại lời ba nhắn nhủ trước khi tôi đi. Phải chăng, “giọng” mà người nói không chỉ là phương ngữ trong cách nói, cách phát âm mà là “giọng” riêng của mình, “giọng” cất lên từ trong thẳm sâu suy tư; từ cạn cùng của tấm lòng; từ đáy sâu của ý tưởng?


Để rồi tôi chợt mỉm cười khi ngộ ra rằng, trong một sát na thôi, tôi vẫn còn nguyên vẹn đây “giọng” của yêu thương.


Và từ đó, tôi đã thấy, hằn trên vết chân chim kia, trong lòng tôi, không phải là hàng thành quách cũ như ông nhà thơ nào xa xưa đã viết, mà sừng sững một tòa, một bảo tàng của chứng tích tình yêu…


Hà Quang Minh

CAND

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP