Kinh tế

Dân lao đao vì “thảm cảnh” mía cháy và rớt giá

Những ngày qua, các huyện Chư Prông, An Khê, Kong Chro, Kbang thuộc vùng Đông Nam tỉnh Gia Lai đang đứng trước “thảm cảnh” nhiều diện tích mía bị thiêu rụi, không ai chịu mua. Với tình trạng mía rớt giá mạnh và hàng chục ha mía bị thiêu rụi trên đã đẩy nông dân vào cảnh “trắng tay”.

Đang thẫn thờ trước rẫy mía mới bị thiêu rụi, ông Đào Văn Tơ (thôn Yên Hưng, xã Ia Piơr) kể lại: “Vào khoảng ngày 14/1 đến ngày 16/1, tại các cánh đồng thuộc làng Phung, làng Piơr 1, thôn Yên Hưng, thôn Yên Bình liên tiếp xảy ra các vụ cháy với tổng diện tích thiệt hại gần 30 ha của 14 hộ dân trồng mía trên địa bàn xã Ia Piơr…Trong đó, hộ nhiều nhất bị thiệt hại là 5 ha và hộ ít nhất là 1 ha…”.

Hàng chục ha mía bị thiêu rụi, dân trắng tay

“Gia đình tôi cũng trồng được gần 30 ha mía. Từ lâu, cây mía chính là nguồn sống của gia đình, nhưng chưa bao giờ thấy cây mía lại liên tục bị cháy như thế. Khi phát hiện có khói bốc lên từ đám mía, tôi liền báo và huy động bà con ra để chữa cháy nhưng khi ra đến nơi thì lửa cháy rất to nên không thể dập lửa được…Sau vụ cháy này gia đình tôi thiệt hại hơn nửa tỷ đồng. Mà số tiền này tôi lại vay của ngân hàng để đầu tư”, ông Đào Văn Tơ cho biết thêm.

Cũng điêu đứng vì mía cháy, anh Phan Văn Hiệp (thôn Hưng Yên) cho biết: “Do năm nay nhà máy thu mua rất chậm, nắng nóng, cây mía lại khô hết trên ruộng nên đã liên tục xảy ra cháy. Những năm trước đây, vào khoảng thời gian này mía tôi đã thu hoạch xong hết rồi. Nhưng năm nay mía rớt giá kỉ lục khiến cho các công ty mía đường cũng chậm thu mua mía lại…Giờ tôi đang thuê người chặt những diện tích mía bị cháy nhưng cũng chưa biết khi nào xe nhà máy đến chở đi để tiêu thụ. Để bảo vệ những diện tích mía còn lại khỏi bị cháy thì gia đình tôi đã thuê 4 người túc trực ngoài đồng và chuẩn bị đầy đủ nước tưới, máy cày để sẵn sàng “cứu mía”…”.

Dân xót xa vì mía bị cháy hàng loạt và rớt giá thảm hại

"Năm nay mưa nhiều, thời tiết thuận lợi nên mía phát triển vượt trội, dự kiến thu được gần 100 tấn/ha. Tuy nhiên, ngay từ đầu vụ, giá mía đã giảm chỉ còn 800.000 đồng/tấn, giảm hơn một nửa so với năm ngoái (năm ngoái là 150.000 đồng/tấn). Trừ hết chi phí không biết có phải bỏ thêm tiền không nữa, trong khi các năm trước mỗi ha phải lời đến 25 triệu đồng, lại được thu sớm không bị trổ cờ xốp mía như hiện tại. Chính vì giá mía giảm nên các công ty mía đường đã thu mua chậm và tính trữ lượng đường cũng giảm hơn năm ngoái...", ông Hiệp tâm sự.

Theo bà con trồng mía cho biết, sau các vụ cháy liên tiếp thì tổng số diện tích ảnh hưởng lên đến khoảng 50%. Nếu công ty mía đường không thu mua kịp thời thì chỉ sau 5 ngày thì trữ lượng đường sẽ giảm mạnh. Đồng thời, chất lượng mía cũng sẽ bị hao hụt rất mạnh, mà những thiệt thòi này bà con đều phải gánh chịu hết.

Theo báo cáo của UBND xã Ia Piơr, liên tục từ ngày 4/11/2017 đến ngày 16/1/2018 trên địa bàn xã Ia Piơr đã xảy ra nhiều vụ cháy làm thiệt hại 72 ha mía của người dân, ước tính thiệt hại khoảng 5 tỷ đồng.

Theo bà Bùi Thị Hồng Thắm - Phó Chủ tịch UBND xã Ia Piơr (huyện Chư Prông) cho biết, đến nay cây mía trên địa bàn xã đang là thời điểm thu hoạch chính vụ và toàn bộ diện tích mía trên được ký hợp đồng với Công ty mía đường Ea Súp (tỉnh Đak Lak). Tuy nhiên, thực tế việc thu mua của công ty quá chậm so với mọi năm. Chính vì vậy, lượng mía ngoài đồng bị khô, cộng với sự bất cẩn người dân đã làm cho tình trạng cháy xảy ra nhiều hơn…

Mía bị rớt giá thảm, dân lo sợ để lâu bị cháy

“Trước mắt, chúng tôi đã động viên người dân nhanh chóng chặt và đem đi tiêu thụ sớm nhằm giảm thiểu thiệt hại. Đồng thời, chúng tôi cũng đã trực tiếp sang nhà máy mía đường ở tỉnh Kon Tum để làm việc và nhờ họ tạo điều kiện sang thu mua mía giúp cho bà con. Bên cạnh đó, liên lạc với Công ty mía đường Ea Súp (Đak Lak) sớm bố trí và sắp xếp lịch thu mua cho người dân theo hợp đồng trồng mía mà công ty đã đầu tư. Ngoài ra, chúng tôi đã có văn bản báo cáo với UBND huyện Chư Prông về tình hình thiệt hại của người dân và đề nghị UBND huyện có hướng làm việc với Công ty mía đường Ea Súp đẩy nhanh tiến độ thu mua mía cho người dân và có chính sách hỗ trợ kinh phí thiệt hại cho người dân…”, bà Bùi Thị Hồng Thắm cho biết thêm.

Gần đây, vào ngày 17/1 trên địa bàn thôn 5 xã Thành An (Thị xã An Khê, Gia Lai) cũng đã xảy ra vụ cháy gần 3 ha mía và 1 sào ớt nằm gần đám mía. Ước thiệt hại ban đầu trên 55 triệu đồng, diện tích mía thiệt hại thuộc sở hữu của 4 hộ dân trên địa bàn xã. Tình trạng cháy mía còn xảy ra ở các huyện Đăk Pơ, Kông Chro, Kbang…

Hiện nay trên địa bàn các huyện Đông Nam thuộc tỉnh Gia Lai vẫn còn rất nhiều diện tích mía đang “đứng đồng” và có nguy cơ xảy ra cháy mía rất cao. Trong khi đó, vì giá mía rẻ nên khiến cho tiến độ thu mua của nhà máy quá chậm.

Tác giả: Phạm Hoàng

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP