Trạng thái giằng co kéo dài đến hết phiên giao dịch 6/8. Biến động giá trên thị trường trong biên độ hẹp.
Kết phiên, VN-Index ghi nhận tăng 2,24 điểm tương ứng 0,27% lên 840,04 điểm trong khi HNX-Index lại sụt giảm 0,67 điểm tương ứng 0,59% còn 113,35 điểm. UPCoM-Index cũng chỉ tăng nhẹ 0,06 điểm tương ứng 0,11% lên 56,12 điểm.
Thanh khoản đạt 257,01 triệu cổ phiếu tương ứng 4.152,38 tỷ đồng trên HSX và đạt 40,66 triệu cổ phiếu tương ứng 390,73 tỷ đồng trên HNX. Thị trường UPCoM có 15,83 triệu cổ phiếu giao dịch tương ứng 206,26 tỷ đồng.
HPG của Hoà Phát là mã được giao dịch mạnh nhất trong thời gian gần đây |
Trên quy mô toàn thị trường có tổng cộng 358 mã giảm giá, 29 mã giảm sàn so với 323 mã tăng và 51 mã tăng trần. Chênh lệch số lượng mã tăng - giảm không đáng kể.
Trong rổ VN30, với số lượng 13 mã tăng giá và 14 mã giảm, chỉ số nhóm này vẫn đạt tăng 0,89 điểm tương ứng 0,11% lên 781,6 điểm.
Trạng thái tăng của chỉ số này có được là nhờ tác động của một số mã cổ phiếu lớn tăng giá. Có thể kể đến SAB tăng 6.500 đồng tương ứng 3,7% lên 182.500 đồng; VNM tăng 2.700 đồng tương ứng 2,4% lên 114.800 đồng; GAS tăng 900 đồng tương ứng 1,3% lên 69.500 đồng; VIC cũng tăng 0,6% lên 87.500 đồng,VCB tăng nhẹ 0,1% lên 82.800 đồng.
Có thể coi VNM và SAB là “công thần” của VN-Index trong phiên hôm nay khi hai mã này trở thành đầu kéo, giúp VN-Index lần lượt tăng 1,34 điểm và 1,19 điểm. GAS, VIC, VJC, HDB cũng có tác động đáng kể lên chỉ số chính.
Chiều ngược lại, trạng thái giảm giá tại BID, MSN, CTG, TCB, MBB, BVH… lại phần nào gây trở ngại khiến VN-Index không thể bứt phá trong phiên chiều.
Trong phiên hôm qua, HPG mặc dù sụt giảm nhẹ xuống 24.050 đồng/cổ phiếu nhưng vẫn là mã có thanh khoản cao nhất thị trường. Mã này được khớp lệnh tổng cộng 13,74 triệu đơn vị. Kế sau đó, HSG của Tôn Hoa Sen cũng được khớp 10,26 triệu đơn vị, tăng nhẹ lên 10.700 đồng.
Cổ phiếu HPG của Hoà Phát thời gian gần đây được giao dịch rất sôi động, thường xuyên dẫn đầu thị trường về thanh khoản. Theo báo cáo tài chính mà công ty này công bố, Hoà Phát đạt 20.422 tỷ đồng, tăng 35% so cùng kỳ và lãi trước thuế 3.096 tỷ đồng (tăng 25%), lãi sau thuế 2.756 tỷ đồng (tăng 34%), lãi ròng lên tới 2.743 tỷ đồng, tăng 35% trong quý 2.
Điểm tích cực là khối nhà đầu tư nước ngoài vẫn tiếp tục mua ròng với mức độ mua ròng nhẹ 5,09 tỷ đồng. Trong đó, tại sàn HSX, khối ngoại mua ròng 13,8 tỷ đồng và tập trung mua ròng ở các cổ phiếu VNM (43 tỷ đồng), CTD (18,3 tỷ đồng), MSN (11,6 tỷ đồng), VCB (9,1 tỷ đồng)…
Sàn HNX thì bị bán ròng với mức khiêm tốn 2,24 tỷ đồng và ở các cổ phiếu như PVS (1,12 tỷ đồng), SHS (0,89 tỷ đồng), TTZ (0,79 tỷ đồng)… Cuối cùng ở sàn Upcom có mức bán ròng nhỉnh hơn 6,47 tỷ đồng, chủ yếu tại các cổ phiếu VTP (5,5 tỷ đồng), MCH (2,1 tỷ đồng), ACV (1,3 tỷ đồng)…
Theo nhận xét của Công ty chứng khoán Rồng Việt (VSDC), sau chuỗi ngày tăng điểm tích cực thì luôn đi kèm hiện tượng chốt lãi ngắn hạn của các nhà đầu tư đã tham gia bắt đáy, làm ảnh hưởng không nhỏ đến sự tăng trưởng của các chỉ số.
Việc chốt lãi này được cho là vẫn chưa dừng lại, nhưng thị trường vẫn đang có sự phân hóa rõ nét khi số cổ phiếu tăng giảm gần như bằng nhau. Do đó, các nhà đầu tư có thể tận dụng các nhịp điều chỉnh của thị trường để lựa chọn cho mình các cổ phiếu vừa khởi sắc hoặc chốt lãi khi đã có thành quả nhất định.
Tác giả: Mai Chi
Nguồn tin: Báo Dân Trí