Trong nước

Cùng doanh nghiệp vững bước trên chặng đường gian khó

Chưa bao giờ doanh nghiệp phải đối mặt với những khó khăn, thách thức lớn và dai dẳng như hiện nay. Bởi vậy, những doanh nghiệp, doanh nhân đang “sống”, đang nỗ lực dồn sức vực dậy chính mình và đóng góp cho nền kinh tế chính là tài sản quý giá mà chúng ta phải nhìn nhận và trân trọng.

Điều mà mỗi doanh nhân đều vững lòng là doanh nghiệp chưa bao giờ đơn độc trên những chặng đường phát triển. Nghị quyết 13/NQ-CP về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp đang được Cục thuế tỉnh triển khai với tổng số tiền 150 tỷ đồng miễn, giảm, giãn thuế. UBND tỉnh bố trí vốn ngân sách 14.370 triệu đồng hỗ trợ cho doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn trong sản xuất kinh doanh và chỉ đạo các TCTD giải quyết vướng mắc trong quá trình tiếp cận nguồn vốn của các DN. Sự đồng hành, chia sẻ đó đã tiếp sức cho doanh nghiệp tỉnh nhà nỗ lực tạo bước phát triển cả về số lượng và chất lượng.


Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh có 17 DN phải giải thể, nhưng đã có thêm 250 DN mới ra đời. Năm 2011, tổng doanh thu của các loại hình doanh nghiệp trên địa bàn toàn tỉnh đạt trên 46.000 tỷ đồng. 9 tháng đầu năm 2012, thu ngân sách nội địa từ thuế, phí, lệ phí và tiền đất đạt 1.990 tỷ đồng, trong đó thu từ doanh nghiệp đạt 1.470 tỷ đồng, chiếm 75% trên tổng thu ngân sách nội địa. Tổng kim ngạch XNK 9 tháng đạt 2.462 triệu USD, tăng 46,2% so cùng kỳ. Các doanh nghiệp đã tạo việc làm cho gần 61.000 lao động.


Những biến động liên tục của nền kinh tế và những thách thức từ thị trường ở một mặt nào đó đã giúp DN trưởng thành thêm, nhưng rõ nét hơn nó đang là tấm gương phản chiếu những tồn tại, yếu kém của DN tỉnh nhà: Số lượng doanh nghiệp ít, quy mô doanh nghiệp nhỏ; cơ cấu ngành nghề, tổ chức kinh doanh còn nhiều bất cập; trang thiết bị, kỹ thuật và công nghệ lạc hậu; hiệu quả sản xuất, kinh doanh thấp; quản lý tài chính một số doanh nghiệp thiếu minh bạch, quản trị nội bộ còn bất cập; tiếp cận thị trường khu vực và quốc tế hạn chế… Trước “cơn bão lớn”, không ít DN đã giải thể, ngừng hoạt động; nhiều DN khủng hoảng trước câu hỏi “tồn tại hay không tồn tại?”


Điều phải lo là sóng gió thị trường vẫn còn đó, bức tranh nền kinh tế chưa thể sáng lên. Bởi vậy, để DN tỉnh nhà tiếp tục đứng vững và đóng góp vào sự phát triển của tỉnh, cần phải tập trung cao hơn, hiệu quả hơn nhiều giải pháp. Nghị quyết 02-NQ/TU ngày 24/8/2006 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh “về tăng cường lãnh đạo phát triển doanh nghiệp đến năm 2010 và những năm tiếp theo” đang tiếp tục vạch hướng đi cho tất cả các cấp ngành vào cuộc với những chương trình hành động cụ thể.

Chắp cánh cho thương hiệu bay xa

Dù gặp phải những khó khăn nhất định nhưng nhiều doanh nghiệp Hà Tĩnh đã nỗ lực vươn lên giành nhiều kết quả quan trọng

Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI); tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại, tìm kiếm, mở rộng thị trường cho các doanh nghiệp; đẩy nhanh tiến độ kế hoạch XDCB để kích cầu cho các doanh nghiệp; tạo điều kiện cho các DN tiếp cận nguồn vốn, hỗ trợ lãi suất vay vốn và hỗ trợ đầu tư…, những giải pháp quan trọng này cần được triển khai đồng bộ, với tinh thần trách nhiệm và tâm huyết cao vì doanh nghiệp. Mặt khác, bản thân DN cũng phải nỗ lực tự cứu mình bằng việc tái cấu trúc, chung sức xây dựng các hiệp hội, hội DN để hợp sức, liên kết… Đặc biệt, trong giai đoạn hiện nay cần sự nhạy cảm đánh giá đúng diễn biến thị trường, sắp xếp lại hoạt động sản xuất kinh doanh đồng thời vận dụng sáng tạo, linh hoạt các chính sách hỗ trợ để vượt qua khó khăn.


Ngày doanh nhân năm nay, doanh nghiệp cần hơn những cái xiết tay thật chặt và những hành động thiết thực. Năm thứ 3 liên tục với lời chúc doanh nghiệp, doanh nhân vững bước trên chặng đường gian khó, chúng ta hãy chia sẻ, hỗ trợ, tiếp sức nhiều hơn cho lực lượng đảm nhận trọng trách đầu tàu của nền kinh tế.


Mai Thủy

Báo Hà Tĩnh

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP