Doanh Nghiệp Hà Tĩnh

Công ty CP khoáng sản Mangan Hà Tĩnh khai thác quặng lậu

Không được cấp phép, nhưng Công ty CP khoáng sản Mangan (công ty con, trực thuộc Tổng công ty Khoáng sản và thương mại Hà Tĩnh) vẫn ngang nhiên khai thác lậu hàng ngàn tấn quặng, trong thời gian dài, tại xã Tân Hương, huyện Đức Thọ. Trong lúc đó, người dân sống ở đây phải vật lộn từng ngày với cảnh gào rú của máy móc, ô nhiễm môi trường, nhà cửa có nguy cơ bị đá sạt lở.


Công ty CP KS Mangan khai thác quặng lậu

Công ty Cổ phần khoáng sản Mangan khai thác quặng lậu

Nhận được thông tin phản ánh của nhân dân, về tình trạng khai thác khoáng sản không phép kéo dài trên địa bàn xã Tân Hương, huyện Đức Thọ (Hà Tĩnh), trung tuần tháng 4 vừa qua, nhóm phóng viên đến tận công trình khai thác quặng lậu của Công ty CP KS Mangan ghi nhận sự việc. Theo chứng kiến của phóng viên thì, trên cánh rừng phòng hộ của dự án 661 của Chính phủ, thuộc xóm 2 xã Tân Hương, một khoảng rừng lớn bị đào bới tung tóe, nham nhở, để lấy quặng mangan, những hòn đá to cả khối, có nguy cơ lăn xuống nhà dân bất cứ lúc nào.

Tại đây, có một chiếc máy đào xúc mangan và xe tải chở quặng về bãi tập kết chế biến của công ty mangan tại xã Phú Lộc, huyện Can Lộc.

Một khoảng rừng khai thác khoáng sản tan hoang như thế, nhưng chính quyền địa phương nơi đây lại không hề có bất cứ động thái gì.(!)

Trước thực trạng này, chúng tôi liên lạc với ông Nguyễn Văn Hóa, chủ tịch UBND xã Tân Hương, ông Hóa cho biết, hiện đang đi làm việc ở huyện hôm sau về làm việc.

“Tận thu vì sợ …. tốn kém!”

Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Hoàng Đại Lợi, giám đốc Công ty CP KS Mangan. Ông Lợi cho biết: Mỏ bắt đầu đi vào khai thác năm 2000 đến nay đã 14 năm, nên giai đoạn này là giai đoạn tận thu. Khoảng đến tháng 6/ 2015 sẽ hết tận thu.

Được biết, một số điểm mỏ được cấp phép để khai thác như xã Đức Dũng, xã Đức Lập, huyện Đức Thọ, còn những mỏ nhỏ lẻ thì Công ty chỉ xin tận thu, chứ không có cấp phép, hay thăm dò gì.

Khi được hỏi đến điểm mỏ quặng ở xã Tân Hương thì ông Lợi nói: Đây chỉ là một mỏ nhỏ nên kết hợp tận thu, làm xong thì công ty sẽ trồng cây lên. Điểm mỏ quặng ở xã Tân Hương bắt đầu đi vào khai thác năm 2009, nhưng mới khai thác khoảng 5 tháng trở lại đây, mỗi tháng mỏ khai thác được khoảng 250 tấn.


Máy xúc xe tải công ty CP KS Mangan ngang nhiên khai thác quặng lậu.

Điều này nói lên, điểm mỏ này khai thác quặng với một con số không hề nhỏ như ông giám đốc đã nói.

Theo hồ sơ, giấy tờ ông Lợi cung cấp, không có thông tin nào về điểm mỏ tại xã Tân Hương được cấp phép, cũng như cho thăm dò, khai thác.


Ông Hoàng Mai Lợi, giám đốc C.Ty CP KS Man gan thừa nhận điểm khai thác xã Tân Hương khai thác không có giấy phép.

Hỏi về quy trình khai thác một mỏ quặng, ông Lợi cũng cho biết: Theo Luật khoáng sản, muốn khai thác phải lập một bản thăm dò, phương án khai thác… Còn ở mỏ Tân Hương thì không lập phương án thăm dò vì nó nhỏ lẻ, Công ty chỉ xin xã tận thu và nộp thuế môi trường mà thôi. Ông nói, các điểm này chỉ báo cáo sơ qua, chứ không báo cáo cụ thể, vì tốn kém. Việc làm đầy đủ thủ tục giấy tờ thì không thể làm được, nếu không cho Công ty khai thác, thì Công ty sẽ không khai thác nữa, “Người của nhà nước không làm chỗ này thì làm chổ khác”, ông Hoàng Đại Lợi nói.

Điều này chứng tỏ, không chỉ riêng một điểm ở Tân Hương, mà đang còn có những điểm nữa mà Công ty đang khai thác, không có giấy phép.

Việc khai thác quặng ở những điểm này không được thăm dò, mà chỉ đi xem xét bằng mắt thường, thấy quặng thì xin khai thác. Việc tận thu là chỉ để giữ chân công nhân mà thôi. Ông Lợi ước tính, ở xã Tân Hương khoảng 2 ha diện tích đất khai thác là có quặng, công ty đã khai thác còn khoảng 2500 tấn nữa là hết.

Việc khai thác của Công ty CP KS Mangan, ông Lợi cũng khẳng định, không hề ảnh hưởng gì đến dân, nhưng trên thực tế thì người dân ở xã Tân Hương đang sống trong thấp thỏm lo âu, lúc nào cũng có thể bị sụt lún, đất, đá sạt lở trên nóc nhà của mình. Chỗ công ty đang khai thác có sáu hộ dân sinh sống, trong đó có một hộ đi bộ đội miền Nam về, đang bị tai biến, nếu bị sạt lở, hoặc bị đá lăn xuống nhà, thì họ khó chạy thoát. Chưa kể hàng ngày còn bị tra tấn bởi tiếng gào rú của máy móc, khói bụi, ô nhiễm môi trường.


Nguy cơ đất đá sạt lở xuống nhà dân rất cao.

Ông Phạm Quang Thạnh, Trưởng phòng Tài nguyên và môi trường huyện Đức Thọ khẳng định: “Không có thông báo nào là Công ty cổ phần khoáng sản Mangan được cấp phép khai thác cả đất, lẫn quặng. Việc công ty khai thác chúng tôi không biết”.

Ông Nguyễn Văn Hóa – Chủ tịch xã Tân Hương: “Điểm khai thác quặng này hoạt động vào năm 2010, tuy nhiên Công ty cổ phần Mangan mới khai thác mấy tháng nay. Công ty này có thông báo là được cấp phép khai thác, còn việc khai thác vận chuyển đi đâu thì chúng tôi không rõ. Xã cũng không tham gia kiểm tra, quản lý về hoạt động khai thác của công ty này.”

Ngày 5/5, trao đổi qua điện thoại, ông Hóa vẫn khẳng định: Công ty có giấy phép, bên này (điểm khai thác xã Tân Hương- PV) cho công ty khai thác tận thu quặng”.

Như vậy, việc công ty CP Mangan khai thác không giấy phép đã rõ, nhưng để tình trạng này kéo dài mà chính quyền và cơ quan chức năng vẫn không vào cuộc xử lý(!). Phải chăng, các cơ quan này không biết, hay đã cố tình làm ngơ ? (!)

Có thể khảng định rõ rằng: Vấn đề quản lý nhà nước về lĩnh vực khoáng sản dường như đang bị chính quyền sở tại xem nhẹ (!?).

Công ty Cổ phần Mangan có tiền thân là xí nghiệp Mangan được thành lập theo Quyết định số 52/QĐ-CT ngày 09/02/2001 của Giám đốc Công ty Khoáng sản và Thương mại Hà Tĩnh (nay là Tổng công ty khoáng sản và thương mại Hà Tĩnh – tên giao dịch: MITRACO Hà Tĩnh).

Trí Thức – Diễm Phước

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP