Tuỳ bút Quê hương

Con sông buồn nhất trần gian

Trèo lên cây đa, ba nhánh, bốn chồi Ai về Hà Lội bắt cáy hôi thì về Câu ca chợt nghe có vẻ như đùa, thực ra nó buồn thảm lắm. Xã Hà Lội nằm lọt thỏm giữa vành đai sông Già, một doi đất “tứ vi giang hà” đồng phèn ngập mặn, con coòng, con cáy như đã bò vào giấc mơ của bao thế hệ kiếp người. Mùa lũ, Hà Lội như dề lục bình chao đảo quanh sông.

Những cái tên xóm Côi, xóm Cót, xóm Chạ, xóm Bến, xóm Trại, xóm ổ Ga, nghe vọng về nỗi buồn xưa cũ. Nỗi buồn từ cảnh đói nghèo từ tang thương mất mát của chiến tranh. Khổ đau là thế nhưng con người ở đây anh dũng, kiên cường và tấm lòng hy sinh cao cả. Dù chiến tranh đã lùi xa nhưng sự hi sinh của 7 cô gái làng Cót, sự cống hiến quên mình của 130 gia đình xóm ổ Gà, sự gan dạ không sợ nguy hiểm cứu thuyền, cứu hàng của bà con xóm Bến vẫn còn lưu thuyền mãi mãi.



BẢY CÔ GÁI LÀNG CÓT VÀ QUÁ KHỨ HÃI HÙNG Làng Cót nằm bên sông Già, con sông bần thần như chưa bao giờ chảy. Những ngày động trời sông đỏ ngầu như máu, bọt trủi đầy mặt sông. Lâu lâu từ dưới đáy sông lại ậc lên một cụm bong bóng, cứ như ai đó vừa trút hơi thở cuối cùng. Tôi về làng Cót một ngày mưa, mưa liêu xiêu trên cánh đồng giá buốt. Con đường vào làng ngơ ngác dấu chân trâu. Nhà mẹ Tuỳ nằm cạnh đường, nói là nhà, thực ra chỉ bằng nửa cái lều canh vịt. Mẹ ngồi xo ro trên chiếc giường đơn, thấy tôi về mẹ cười mếu máo, bàn tay ba ngón của mẹ lạnh buốt cầm lấy tay tôi níu xuống giường. Khoảng không gian não nề cô tịch ấy tôi nghe tiếng mọt nghiến trèo trẹo trên xà tre, thỉnh thoảng từ đâu đó thả xuống nền nhà ẩm ướt một nhúm bột vàng như bột ngô. Gió lách qua phên nứa làm tờ huy chương cài trên vách bật lên phần phật. Mẹ Tuỳ là thương binh hạng Hai, một trong bốn người sống sót trong trận bom Mỹ ngày 30 tháng 9 năm 1966 khi đi lấp hố bom cầu Già. Đã hơn 40 năm trôi qua kể từ trận bom ngày ấy nhưng nỗi ám ảnh kinh hoàng về sự chết chóc lẩn quất đâu đó trong ký ức đau buồn của mẹ. Đêm, trong giấc ngủ chập chờn mẹ thấy bảy cô gái làng Cót vác cuốc xẻng vừa đi vừa hát, con Lệ tóc dài bén gót đi sau, quay tròn búi tóc mới gội, nước từ mái tóc Lệ văng từng giọt li ti lên mặt mẹ, mùi lá bưởi phả vào trong gió thơm nồng. Mẹ gọi: Lệ ơi? Lệ quay lại mỉm cười. Nụ cười như hoa dong riềng hồn nhiên nở trong vườn mẹ. Dạo ấy Lệ đẹp nhất vùng, những lần đi chiến dịch đắp đê, thanh niên tứ xứ tranh thủ trốn làm đi xem mặt Lệ, cuối cùng người ta phải cho Lệ nghỉ để khỏi ảnh hưởng đến tiến độ thi công. Mỗi lần Lệ đi lấp hố bom về, bọn con gái lại vây quanh lệ để nhìn đôi mắt đen lánh và những nhánh hồng cầu li ti như dòng sông quyến rũ trên đôi má trắng hồng của Lệ. Mày thành con trai đi, để chúng tao yêu và những cái đấm lưng thùm thụp lẫn tiếng cười trong trẻo vô tư cứ như không hề có bom đạn, chiến tranh. Mẹ Tuỳ muốn giữ mãi hình ảnh ấy, giữ mãi những khuôn mặt con gái trẻ trung, tươi tắn và tiếng cười đã làm cho lòng mẹ bình yên. 72 tuổi mẹ không còn đủ sức để chịu đựng những cơn ác mộng, mẹ sợ hãi, hoảng hốt nhưng đêm đêm ác mộng vẫn tìm về. Tiếng máy bay rít lạnh người và tiếp theo là hàng loạt tiếng nổ váng óc. Đơn vị chủ lực địa phương 12 người chìm trong khói bom. Mẹ Tuỳ chồm dậy nhưng bị vướng vật gì đó, mẹ nhìn xuống thấy ruột mình trào ra lòng thòng, không hề thấy đau, mẹ cầm ruột giắt vào lưng quần và chạy về phía làng. Cũng những thời khắc đó trước cửa hầm chữ A mẹ Linh nghe tiếng rơi đánh bịch nặng nề. Mẹ hoảng hồn, bom! Nhưng mẹ không nghe tiếng nổ. Mẹ nhìn ra, một người con gái cụt mất một chân, trên người không còn một mảnh vải. Trời ơi! Con cái nhà ai, tội chưa. Mẹ đâu ngờ rằng đó chính là con gái mẹ. Cũng thời khắc ấy cô Ngô Thị Cháu 19 tuổi con ông Hường đi đưa nước uống cho đơn vị trực súng bị bom Mỹ tung lên, táp cháy thui, rơi xuống nằm chòng queo bên bờ công sự, tay còn cầm cái ấm nhôm bẹp dúm. Và cũng thời khắc ấy bên hố bom cuối cùng sắp sửa lấp xong, 7 cô gái làng Cót trong đó có Lệ chẳng còn nghe được tiếng gào khóc xé lòng của cha mẹ, người thân. Trời ơi! Răng con lại chết con ơi…? Mãi đến cuối chiều người ta mới tìm đủ 7 cô gái, mang về sân kho hợp tác. Anh Phạm Tiến Hải, đội trưởng bị thương nặng cũng vừa tắt thở. Tiếng khóc rống lên rồi chết lịm, tưởng như những mẹ già không còn đủ sức để khóc con. Bây giờ làng Cót chỉ còn người già và trẻ em, trai làng đã theo nhau ra trận. Những cô gái ưu tú nhất, báu vật của làng đã không còn nữa, trong hoàng hôn chạng vạng những cụ già lưng còng gãy gập cõng nước giếng làng về tắm cho các cô lần cuối cùng. Có lâu lắc gì đâu, mới tối hôm qua thôi, cả bon kéo nhau đi lấp hố bom, hát, cười râm ran. Tiếng hát như còn lưu lạ đâu đó dập dìu trong bờ tre, ngõ xóm: “cô gái miền quê ra đi cứu nước, mái tóc xanh, xanh tuổi trăng tròn. Bàn tay em phá đá mở đường, đây những con đường Tổ quốc yêu thương, cho xe thẳng tới chiến trường”. Thế mà bây giờ các em nằm đây lặng lẽ, xanh xao, vết thương tím tái, tay chân thất lạc. Các em nằm trong cái nong phơi thóc lót lá chuối. 7 cái nong phơi ôm tròn 7 linh hồn trong trắng, mười bảy, mười tám tuổi đầu chưa có người con trai nào để dâng hiến tình yêu. Đã khuya rồi mà người đi mua vải liệm vẫn chưa về. Càng nhìn nong phơi càng đau ruột. Hương ơi, Hợi ơi, Hạnh ơi, Nguyệt ơi, Mậu ơi,Thiệp ơi. Tiếng mẹ gọi con lâu lâu lại gào lên thảm thiết rồi tắt lịm. Chẳng thể đốt nhanh tiển đưa các em, vì sợ máy bay. Lệ nằm trong chiếc nong cuối cùng, mái tóc dài và nữa phần đầu của em không còn nữa. Bà Hoằng, mẹ Lệ cố giằng khỏi những người ôm giữ bà, trườn vào nhìn con lần cuối và bà ngã vật bất tỉnh trên chiếc nong phơi. Tang thương bao trùm cả xóm, đám tang tập thể lặng lẽ đi, không chiêng, không trống. Người nhà vội vã đưa các em về nghĩa địa làng. Ba ngày trôi qua làng Cót vẫn im lìm như chết, chỉ có tiếng quạ rúc lên tao tác bên cạnh những hố bom. Ông Chắt đã dành giật được mảng đầu và mái tóc của Lệ từ lũ quạ và tấp lại đâu đó trên cánh đồng. Ba ngày bà Hoằng nằm liệt giường, mắt nhắm nghiền, lâu lâu bà nấc lên, nước mắt lại ặc ra. Vợ chồng ông bà Hoằng chỉ sinh được mỗi mình Lệ. Lệ đã chết rồi!…Đêm đó, chó sủa quay quắt từ nhà toóc…(nhà chứa rơm rạ) rồi chạy vào giường ông Hoằng sủa liên hồi. Ông Hoằng rủ rượi ngồi dậy xua chó ra ngoài, nhưng vừa nghiêng xuống giường, chó lại sủa tiếp. Ông chống gậy cầm cái đèn phòng không ra ngoài. Con chó chạy trước rên ứ ứ, ông theo sau. Ra đến nhà toóc con chó dừng lại tru lên. Qua ánh đèn lờ mờ, ông nhìn thấy một mảng tóc dài bê bết. Ông khuỵu xuống, nấc lên: Con ơi? rồi bất tỉnh…Ông bà Hoằng theo nhau qua đời. Nghĩa địa Đồng Hờ cách làng Cót chừng một cây số giữa đồng không mông quạnh, những nấm mồ hoang phế đắp đất xen lẫn giữa những cụm bê tông nhấp nhô tuỳ hứng. Nghĩa địa chật chội không có lối đi, người ta phải trèo qua mộ người này để thắp hương cho người khác. Nếu không có anh Hà con trai của liệt sỹ Nguyễn Tiến Hải dẫn đường, thì tôi không thể nào tìm được mộ các chị. Tám ngôi mộ liệt sỹ nằm rải rác lẫn trong các dòng họ. Ngày các chị ra đi, gia đình tự lo liệu chôn cất. Mộ của các chị nằm trong bộ nhớ mập mờ của người thân thế hệ sau. Một dãy mộ đắp đất liền nhau chừng chục cái, nuốm mộ to đùng đã nứt nẻ, cỏ mọc lan quanh. Anh Hà bảo: Trong số đó có hai ngôi mộ là của liệt sỹ Phạm Thị Hương và Phạm Thị Hợi. Không biết chính xác mộ các chị nơi nào, tôi đành thắp hương cả dãy mộ và cầu khấn, mong cho linh hồn các chị được siêu thoát chốn vĩnh hằng. Tôi chạnh lòng thương những người con gái trẻ trung hồn nhiên tươi thắm dám hy sinh cuộc đời mình cho sự nghiệp thống nhất đất nước. Họ đã hy sinh anh dũng, vậy mà nhìn ngôi mộ mới buồn thảm làm sao. Đến cả cái tên mình trên mộ chí cũng không có nốt. Xa kia chừng 5km đường chim bay, nghĩa trang Đồng Lộc uy nghi, suốt ngày khói hương nghi ngút, khách thập phương đoàn đoàn thăm viếng. Chắc các chị ở Đồng Lộc chẳng thể nào biết được nơi miền đất Hà Lội, có những người con gái cũng hy sinh anh dũng như mình mà chưa mồ yên mả đẹp. Nếu biết được điều này, chắc các chị cũng buồn lắm. Đúng không! những thân nhân của các liệt sỹ nói với tôi rằng: chúng tôi chẳng đòi hỏi gì nhiều, chỉ mong được chính quyền cấp tiền mai táng phí để thêm vào sửa sang lại phần mộ. Biết là thương con, thương cháu những không làm cách nào có tiền tu sửa.


LÀNG K130 Làng K130 chính là xóm Trại và xóm Ổ Ga, ngôi làng giống như cây thập tự bởi con đương 1A cắt ngang. Phía nam khoảng 200m là cầu Cổ Ngựa tiếp theo chừng 300m là cầu Già. Xa hơn một chút về phía Bắc là huyện lỵ huyện Can Lộc. Làng K130 là biệt danh có từ những ngôi nhà. 130 ngôi căn nhà ấy bây giờ duy nhất chỉ còn một đoạn cột cháy sém nằm tại Bảo tàng Lịch sử quân khu IV. Còn sự hy sinh với tấm lòng cao cả của những người dân xóm Ổ Ga thì vẫn còn lưu truyền nguyên vẹn mãi đến tận bây giờ. Đó là đêm 13/8/1968, đoàn xe chở xăng dầu ra mặt trận bị mắc kẹt giữa đoạn đường độc đạo. Phía trước mặt, bom Mỹ đã hốt đoạn đường ở eo Cổ Ngựa vứt ra cánh đồng. Phía sau lưng cầu Nghèn bị sập, đường chiến lược rẽ về ngã ba Đồng Lộc bị chia cắt. Nếu điều toàn bộ lực lượng chủ lực của huyện với dân quân du kích địa phương san lấp đoạn đường này thì ít nhất cũng phải mất năm ngày. Đoàn xe mắc kẹt giữa vành đai lửa, không thể tiến không thể lui. Xăng dầu là máu nuôi sống những đoàn xe vận tải nhưng ngược lại đó là những núi lửa kinh hoàng nhất nếu bom Mỹ châm ngòi. Tiếng máy bay rít qua vòm trời như thổi bùng ngọn lửa cháy ngầm trong tâm can mọi người. Chẳng ai nghĩ đến tính mạng của mình, chỉ lo cháy hàng, cháy xe. Trong tình cảnh nóng bỏng như ngồi trên chảo lửa thì làng Cót nhận được lệnh hoả tốc từ huyện chuyển về. Phá làng, mở tuyến, dỡ nhà làm đường cho xe đi trước khi trời sáng. Cả làng rộ lên, tiếng chân người rầm rập từ các nơi lao về, tiếng trẻ con bị đánh thức khóc u ơ, tiếng lợn éc, tiếng gọi nhau, tiếng va đập tháo dỡ, tiếng nhà đổ sàn sạt, tiếng nghé con lạc mẹ rống lên như khóc. Trên con đường mòn về phía Xuân Lộc những người đàn bà lầm lủi triêng gánh hối hả trong đêm. Những đứa trẻ con ngồi trong thúng, đối trọng chênh vênh qua đầu đòn gánh nhấp nhô trên vai mẹ. Có cụ già ngồi trên lưng con trai cõng đi sơ tán, ông thều thào nói với con: con ơi! Cha có bộ quan tài góp nhóp cả đời mới mua được. Bây giờ tình cảnh thế này, con nói với anh em dân quân mang đi mà lát đường cho xe. Cha chết thì con cuốn chiếu mà chôn. Quá nửa đêm, ngôi làng sầm uất trở thành bình địa. Nhà dở đến đâu, lát đường đến đó, hơn một cây số đường, từ quốc lộ 1A ra đến bờ sông Già phía tây đã hoàn thành. Đó là con đường kỳ diệu nhất trong lịch sử chiến tranh. Trong ánh đèn gầm, đoàn xe chở xăng hơn 100 chiếc lần lượt đi qua con đường bằng gỗ. Con đường xây nên từ những mái ấm gia đình. Trước lúc trời sáng đoàn xe đã lên những chuyến phà cơ động sang bờ an toàn. Sáng sớm những người đàn ông trở về làng, họ về để tìm lại ông cụ và những gì còn sót lại. Dẫu sao cũng còn phải sản xuất, còn phải sinh sống, phải chiến đấu. Ngôi làng bây giờ chỉ còn lại những bụi tre ngơ ngác. Những chú lợn choai mất chuồng lao như mũi tên vào những bụi khoai môn hay cụm dong riềng còn sót lại. Mảnh chum, mảnh vại vở nát lổn nhổn. đàn gà con lạc mẹ kêu chim chíp bên cạnh đụn rơm. Một chút gì đó như sự buồn thương, nuối tiếc len qua lòng họ. Làm sao không thương tiếc cho được về những ngôi nhà mấy đời dành dụm xây nên bây giờ chìm sâu trong bùn đất. Những lối ngõ thân quen chứa đựng bao kỷ niệm ấu thơ giờ đây mất dạng. Họ không thể trở về ngôi làng thân quen được nữa vì rất nhiều lý do. Ngoài kia giữa đồng cỏ năn, những bà mẹ đã trải qua một đêm dài dằng dặc với tâm trạng lo âu khắc khoải. Những đứa trẻ ngủ tròn trong thúng, hay vắt người qua vai mẹ ngủ ngồi trên bờ vùng, bờ thửa. Cánh đồng nơi họ sơ tán là một vùng trũng thấp, ngập ngụa đầy những con đĩa và loi thoi cỏ năn. Những túp lều tre được dựng lên vội vả để làm nơi trú ngụ. Mỗi nhà đào một cái hầm tròn ngay dưới gầm giường, nước cứ trào lên ngập hầm. Đêm ngủ phải tuốt vôi vào tay chân cho bớt đỉa cắn. Trong nổi gian lao cơ cực ấy, điều lớn hơn đã nảy sinh trong lòng họ đó là niềm tự hào kiêu hãnh. Họ đã góp phần của mình vào sự nghiệp thống nhất Tổ quốc.


ƯỚC VỌNG Bây giờ xóm Cót có cái tên mới là Hà Nam, xóm Trại, xóm ổ Ga là Tân Tiến, Minh Tiến, xã Hà Lội giờ đã thành tên xã Tiến Lộc. Những dấu tích xưa giờ không còn nữa. Cây đa làng cổ thụ, ba chánh, bốn chồi đã bị bom Mỹ đánh gẩy cành, mất ngọn, cháy rụi rồi chết. Chỉ còn lại câu ca xưa váng vất đâu đó như linh hồn làng quê một thủa. Những ngôi làng xưa, giờ đã lành lặn hơn. Tôi gặp những cụ già, những bà con xóm Trại, xóm ổ Ga, nghe họ nhắc lại những năm binh lửa… Còn rất nhiều những người cống hiến hy sinh chưa có một chế độ gì. Họ nói về sự hy sinh như một kỷ niệm, chẳng ai nhắc đến quyền lợi của mình. Dù đó là những đau thương mất mát không bao giờ lấy lại được. Họ đã hiến dâng tất cả những gì mình có, kể cả một ngôi làng. Điều ước vọng, khát khao của họ chỉ đơn giản là một tấm bê tông, cỡ bằng mặt bàn, dựng ở đầu làng trên đó ghi chiến tích làng K130. Vậy mà quá khó? Cuối chiều tôi về ngồi bên cầu Già, nơi ngày ấy các chị hy sinh. Cầu già bây giờ chỉ còn ba cái mố trụ bơ vơ như răng ông già trước cửa miệng sông. Xuôi một chút là bến phà. Những năm chiến tranh chống Mỹ, đêm đêm hàng trăm lượt xe chở hàng ra mặt trận qua đây. Và đã có biết bao nhiêu xe đã không qua mỗi khúc sông này. Mới đây thôi những người dò phế liệu gần cầu Già vừa đào và cẩu lên một xác xe Zin 157, từ trong ca bin bẹp dúm, một cái mũ cối cũng bẹp dúm văng ra và một chiếc dép đúc dính chặt vào chân phanh. Giờ này trên sông hoàng hôn đang về, ngày mưa, hoàng hôn không có sắc vàng. Mặt sông tím tái trủi đầy bong bóng, lặng lẽ và bí ẩn. Gió như bàn tay lạnh lẽo vuốt lên những khóm cỏ may lắc lư tựa hồ như nén hương cháy dở. Tôi đứng dậy định quay về chợt có tiếng gió rượt mạnh có tiếng ai đó thì thào nghe đất lạ. Tôi tự nhiên ớn lạnh, rùng mình, tiếng thở dốc như hụt hơn và bất thần tiếng con gái kêu lên thảm thiết: “Mẹ ơi”. Rồi tất cả lại chìm trong im lặng. Tôi nhìn quanh chẳng thấy ai. Đêm đã xuống từ lúc nào, con sông Già đặc quánh như vũng máu. Với tôi đó là con sông buồn nhất trần gian.


Hà Tĩnh tháng 3 – 2008

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP