Trong nước

Cố tình gây rối ở trạm BOT An Sương - An Lạc

Cơ quan chức năng khẳng định sẽ xử lý nghiêm mọi trường hợp cố tình gây rối, làm ùn tắc giao thông và mất an ninh trật tự tại trạm BOT An Sương - An Lạc.

UBND quận Bình Tân, TP HCM cùng Công ty CP Đầu tư phát triển hạ tầng IDICO chiều 27-1 đã tổ chức họp báo để thông tin về nhiều vấn đề liên quan đến trạm thu phí BOT An Sương - An Lạc (quận Bình Tân).

Liên tục bị quấy phá

Theo ông Đỗ Đình Thiện, Phó Chủ tịch UBND quận Bình Tân, dù UBND quận Bình Tân cùng các đơn vị liên quan trước đó đã triển khai nhiều phương án vận động, thuyết phục nhưng từ ngày 3-12-2018 tới 27-1-2019, một số đối tượng cùng tài xế nhiều lần dừng ôtô tại các làn thu phí của trạm BOT An Sương - An Lạc, không mua vé hoặc dùng tiền lẻ để mua vé qua trạm. Đặc biệt, có đối tượng cố tình kích động bằng thủ đoạn cùng lúc sử dụng nhiều ôtô dừng tại tất cả các làn thu phí; sử dụng thiết bị Flycam ghi hình và livestream kêu gọi giới lái xe ủng hộ, thậm chí còn dùng loa phát thanh để tạo sự hiếu kỳ. Tình trạng trên, theo ông Thiện, không chỉ gây ùn tắc giao thông trên Quốc lộ 1 mà còn gây mất an ninh trật tự. "Có nhiều tài xế rất bức xúc trước việc các đối tượng dừng xe, không cho lưu thông qua khiến hàng hóa bị ách tắc" - ông Thiện nói.

Theo ông Nguyễn Hồng Ninh, Giám đốc Công ty IDICO, tính pháp lý của dự án này, BOT An Sương - An Lạc cũng như chi phí đầu tư các hạng mục công trình, thời gian thu phí… đã được công khai và nếu tài xế nào có thắc mắc, đơn vị sẵn sàng cung cấp thông tin để giải quyết. Thế nhưng, nhiều đối tượng vẫn cố tình đến trạm BOT An Sương - An Lạc "hỏi thăm" về pháp lý của dự án, thời gian thu phí hoặc chi phí đầu tư các hạng mục công trình thuộc dự án… "Thắc mắc là vậy nhưng khi chúng tôi mời vào văn phòng công ty để giải quyết thì không ai chịu vào. Như vậy rõ ràng là họ cố tình quấy phá" - ông Ninh nói.

Còn theo Công an quận Bình Tân, ngoài phương thức trên, một số đối tượng còn kích động và lôi kéo người khác tới phản đối trạm thu phí bằng cách thuê ôtô rồi bỏ luôn nếu bị cưỡng chế, một số thì đi nhờ tài xế khác và khi đến trạm thì lôi kéo cho dừng xe. Trước tình hình trên, đến ngày 25-1, các lực lượng chức năng đã lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính với số đối tượng gây mất an ninh trật tự tại khu vực trạm thu phí với các lỗi dừng đỗ xe trái quy định, không chấp hành yêu cầu kiểm tra của lực lượng chức năng, gây rối trật tự trên đường, nhiều nhất có trường hợp bị xử phạt 3 lần.

Trạm thu phí BOT An Sương - An Lạc. Ảnh: XUÂN GIANG

Không khoan nhượng với những hành vi sai trái

"Rất nhiều tài xế bức xúc bởi có trường hợp chở người đi cấp cứu nhưng những người này cũng không chấp nhận mà vẫn cố tình dừng xe để phản đối" - đại diện Công an quận Bình Tân nói và thông tin thêm nhiều doanh nghiệp khi biết có tài xế đang quản lý bị lôi kéo tỏ ra bất ngờ và không hề muốn tình trạng này xảy ra bởi ảnh hưởng đến việc vận chuyển hàng hóa, nhất là nhu cầu đang tăng cao trong dịp Tết.

Trước tình hình trên, UBND quận Bình Tân nhấn mạnh ngoài việc tiếp tục tuyên truyền, vận động, đối với các trường hợp cố tình gây rối, địa phương sẽ phối hợp các đơn vị liên quan kiên quyết xử lý nghiêm mọi hành vi như dừng, đậu xe sai quy định, gây rối, ảnh hưởng đến tình hình giao thông và an ninh trật tự. Cụ thể, trong ngày 27-1, UBND quận Bình Tân chỉ đạo Công an quận và UBND phường Bình Hưng Hòa tăng cường lực lượng có mặt tại trạm BOT An Sương - An Lạc để chủ động tình hình và thực hiện các biện pháp bảo đảm an ninh trật tự. "Trường hợp cố tình gây rối gây ùn ứ ở 6 làn xe qua trạm thu phí thì lực lượng chức năng sẽ cưỡng chế, di dời xe ở ít nhất 4 làn để giải tỏa. UBND quận Bình Tân cam kết trước ngày 31-1 sẽ giải quyết dứt điểm tình trạng trên" - ông Đỗ Đình Thiện khẳng định.

Cuối buổi họp báo, ông Nguyễn Hồng Ninh khẳng định một số ý kiến cho rằng thời gian thu phí tại trạm BOT An Sương - An Lạc tới năm 2033 quá lâu là không chính xác. Ông Ninh thông tin có những công trình thuộc dự án này khi thực hiện xong và cho khai thác nhưng không được thu phí, chẳng hạn có chiếc cầu sử dụng từ năm 2013 nhưng đến năm 2017 mới bắt đầu thu phí hoặc cầu vượt Gò Mây, tính đến năm 2020 mới thu phí bởi theo nguyên tắc, việc thu phí phải thực hiện xong ở đoạn này rồi mới đến đoạn khác. "Chúng tôi hoàn toàn làm đúng quy định và đúng luật" - ông Ninh nói.

Phân luồng từ xa

Theo ông Nguyễn Hồng Ninh, qua tính toán, lượng xe qua trạm BOT An Sương - An Lạc trong dịp Tết nguyên đán 2019 tăng 7% so với cùng kỳ năm trước nên nếu vẫn diễn ra tình trạng gây rối như vừa qua thì tình hình giao thông sẽ càng phức tạp.

UBND quận Bình Tân cho biết trường hợp khu vực trên xảy ra ùn tắc, ngoài việc trạm BOT An Sương - An Lạc phải xả trạm theo quy định thì chính quyền địa phương sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan như Phòng CSGT Đường bộ - Đường sắt Công an TP HCM tổ chức phân luồng từ xa, cho các xe đi đường vòng, xen kẽ trong các khu dân cư để giảm áp lực giao thông.

Tác giả: NHÓM PHÓNG VIÊN

Nguồn tin: Báo Người lao động

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP