Trước đó, Tổng cục Môi trường xác định Formosa (Khu kinh tế Vũng Áng, Hà Tĩnh) có vi phạm khi thực hiện việc súc xả đường ống nhưng không thông báo cho địa phương. Công ty này đã nhập một lượng lớn hóa chất để thực hiện việc súc xả.
Liệu có tin được vào trạm quan trắc tự động của Formosa? Như Tiền Phong đã thông tin trước đó, hiện nay có hai công cụ thực hiện giám sát việc xả thải là việc kiểm tra, thanh tra, lấy mẫu định kỳ, thứ hai là dựa vào hệ thống quan trắc tự động. Hệ thống này phải truyền liên tục số liệu trực tiếp cho Sở Tài nguyên và Môi trường địa phương.
Tuy nhiên, theo Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ Môi trường Hà Tĩnh Đặng Bá Lục, việc thanh tra, lấy mẫu định kỳ đã được thực hiện trước đó nhưng không phát hiện bất thường. Về công cụ quan trắc, Trạm quan trắc tự động của Công ty Formosa lại chưa kết nối và truyền số liệu về Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Tĩnh.
Ông Hoàng Văn Bẩy, Cục trưởng Cục Quản lý Tài nguyên nước cho biết, Formosa được cấp phép xả thải từ tháng 12/2015.
Ông Hoàng Dương Tùng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường xác nhận, ngoài trạm quan trắc tự động của Formosa, ở thời điểm hiện tại không có trạm quan trắc nào của Bộ Tài nguyên và Môi trường ở Khu kinh tế Vũng Áng. Điều đó có nghĩa các số liệu quan trắc xả thải của công ty này chỉ dựa vào trạm tự động do chính đơn vị này quản lý.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, trạm quan trắc tự động khó có thể quan trắc được độc tố trong nước. PGS.TS Phùng Chí Sỹ, Giám đốc Trung tâm Công nghệ Môi trường cho biết, thông thường các trạm quan trắc tự động chỉ đo được một số chỉ tiêu môi trường như COD, oxy hòa tan, PH… Còn với độc tố thường phải lấy mẫu mang về phòng thí nghiệm phân tích.
Một chuyên gia về quan trắc môi trường chia sẻ thêm, mỗi hệ thống quan trắc tự động có số lượng chỉ tiêu đo được khác nhau, tùy thuộc vào yêu cầu của đơn vị sử dụng. Tùy thuộc vào tính chất xả thải của nhà máy, họ có thể lắp các sensor (cảm biến) để phát hiện các chất thải độc hại.
Tuy nhiên, chuyên gia này cho biết, hiện nay có hàng trăm độc tố khác nhau, không hệ thống quan trắc tự động nào có thể phát hiện được tất cả các độc tố. Ví dụ, có ý kiến nghi ngờ nguyên nhân cá chết là cyanua chẳng hạn. Hệ thống quan trắc tự động khó mà phát hiện được độc tố đó. Ngay cả các phòng phân tích cũng mất nhiều thời gian. Quy chuẩn Kỹ thuật Quốc gia về nước thải công nghiệp (QC40/2011/BTNMT) của Việt Nam do Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành cũng mới quy định thông số ô nhiễm của 33 chất gây ô nhiễm.
Một số thông số trong nước cao hơn bình thường
Theo một chuyên gia của Viện Cơ học, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, nơi có trạm quan trắc phân tích môi trường vùng ven biển 2 miền Trung, đơn vị này đã lấy mẫu nước và cá ở một dải ven biển từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên – Huế. Các mẫu nước, cá này đã được gửi về Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam chờ phân tích.
Bên cạnh đó, đơn vị này cũng lấy kiểm tra nhanh chất lượng nước tại chỗ, có một số chỉ tiêu cao hơn bình thường như BOD, PH. Tuy nhiên, theo chuyên gia này, kết quả này cũng không nói lên được gì. Điều quan trọng nhất vẫn phải chờ kết quả phân tích mẫu cá và mẫu nước đã gửi về Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam.
Liên quan đến danh sách các hóa chất Công ty Formosa nhập về để súc rửa đường ống xả thải, các chuyên gia hóa học đang phân tích tính chất và mức độ độc hại. Theo ông Trần Thế Loãn, nguyên Phó cục trưởng Phụ trách Cục Kiểm soát ô nhiễm, Bộ Tài nguyên và Môi trường, bất kể hóa chất nào khi xả vào môi trường mà không có kiểm soát cũng đều độc hại.
Nhiều hóa chất cực độc do Formosa nhập về
Theo PGS.TS Trần Hồng Côn, Khoa hóa, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội, hầu hết các chất hóa học hay hỗn hợp các hợp chất hóa học theo danh mục mà Công ty Formosa nhập về (căn cứ theo tài liệu của hải quan mà PV có được) đều là các chất hay hỗn hợp các chất hóa học chống gỉ, chống ăn mòn, diệt sinh vật và tách xỉ.
Tất cả các hóa chất này đều mang tên thương mại nhưng cũng rất dễ dàng tra cứu trên internet. Hầu hết các chất đều có tính ăn mòn, gây bỏng da, mắt. Các chất như NALCO 8228 có chứa đến 30% là natri nitrit – một hóa chất rất độc đối với người và động vật, có thể gây chết, gây ngạt (do máu không mang được oxy cho cơ thể), NaOH – một chất kiềm mạnh và các triazol gây kích ứng mạnh. Các NALCO khác cũng có các thành phần như thế và có thêm các chất hữu cơ khác và/hoặc muối vô cơ như Mg nitrat. Đặc biệt SPECTRRUS NX 1106 có chứa tối đa đến 60% natri nitrit – vừa là chất gây kích ứng mạnh, vừa là chất oxy hóa và là chất độc, ảnh hưởng nặng nề đến máu được khuyến cáo “cấm tuyệt đối đưa vào hệ tiêu hóa”, “chỉ sử dụng trong các hệ thống kín” và “không tái sử dụng”. Hầu hết các chất này đều là các BIOCIDE – chất diệt sinh vật.
“Vì thế nếu các hỗn hợp hóa chất này không được lưu giữ đúng quy cách sau khi đã sử dụng mà thải ra môi trường thì vô cùng nguy hiểm. Nên nếu thải ra biển thì việc cá chết là tất yếu”, PGS Côn nói.
Nguyễn Hoài