Bộ NN&PTNT vừa có báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả của Đoàn giám sát tình hình xử lý, khắc phục hậu quả môi trường biển do Formosa gây ra tại các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế.
Theo đó, công tác thẩm định và phê duyệt giá trị thiệt hại đã được triển khai thực hiện từ cấp thôn/xóm về cơ bản là đảm bảo đúng đối tượng và phạm vi theo quy định.
Người dân ra khơi sau sự cố môi trường biển. Ảnh: VIẾT LONG
Cụ thể, các tỉnh đã phê duyệt giá trị thiệt hại với tổng số tiền 4.404.36 tỉ đồng. Trong đó, Hà Tĩnh 1.091 tỉ đồng; Quảng Bình, 2.050 tỉ đồng; Quảng Trị, 581.76 tỉ đồng; Thừa Thiên – Huế 680,76 tỉ đồng. Tính đến thời điểm kiểm tra, 4 tỉnh đã giải ngân được 3.764 tỉ đồng, đạt 85,5% số tiền đã phê duyệt.
Đoàn công tác cho rằng công tác kê khai, thẩm tra, xét duyệt về cơ bản đã được thực hiện đúng quy trình, đảm bảo minh bạch, công khai, dân chủ.
Tuy nhiên, do sự cố môi trường biển có phạm vi ảnh hưởng rộng, chưa có tiền lệ, liên quan đến nhiều đối tượng; số lượng tổ chức, cá nhân bị ảnh hưởng nhiều và đa dạng. Cùng với đó, một số địa phương chưa thực hiện tốt công tác tuyên truyền, hướng dẫn, giải thích chính sách bồi thường, hỗ trợ… dẫn đến còn nhiều đơn thư khiếu kiện vượt cấp, tụ tập đông người, ảnh hưởng đến an ninh chính trị, trật tự xã hội.
Bên cạnh đó, các tỉnh đã thực hiện kê khai, ban hành giá đối với hàng hải sản lưu kho là hàng khô, hàng chế biến; hàng lưu kho trong tủ lạnh, tủ cấp đông. Trong khi Ban Chỉ đạo chưa có chủ trương bồi thường, hỗ trợ cho đối tượng này, tạo ra bức xúc trong một bộ phận người dân.
Trong quá trình triển khai việc kê khai, thực hiện bồi thường, hỗ trợ có địa phương còn để xảy ra một số sai sót, tuy nhiên chính quyền đã chủ động kiểm tra, rà soát, phát hiện vi phạm, chuyển cơ quan Công an xử lý và thu hồi số tiền đã chi trả.
Đoàn công tác cũng nhận định, sau sự cố môi trường biển, với sự vào cuộc tích cực, quyết liệt của các ngành chức năng, đến nay hoạt động sản xuất thủy sản trên địa bàn các tỉnh đã cơ bản ổn định.
Cụ thể, về khai thác thủy sản, nguồn lợi thủy sản đã có sự phục hồi dù đánh bắt gần bờ còn gặp nhiều khó khăn, chưa khôi phục lại như trước đây. Về kinh doanh thủy hải sản, hoạt động kinh doanh bán buôn, bán lẻ thủy sản đã hoạt động trở lại.
Đoàn công tác kiến nghị Chính phủ cho chủ trương về bổ sung đối tượng và phạm vi thiệt hại.
Cụ thể, mở rộng phạm vi bồi thường thiệt hại đối với các đối tượng: thu mua, sơ chế, chế biến thủy sản; dịch vụ hậu cần nghề cá; thu mua tạm trữ thủy sản; cửa hàng ăn uống phục vụ khách du lịch thuộc địa bàn các xã/phường/thị trấn ven cửa sông. Đối với sản phẩm sứa, hải sản khô, hải sản tẩm ướp bị hư hỏng thì cho phép tiêu hủy và bồi thường 100% giá trị lô hàng.
Tác giả: VIẾT LONG
Nguồn tin: Báo Pháp luật TP. HCM