Tin Hà Tĩnh

Cô giáo nhận lương hưu 1,3 triệu đồng làm thêm phụ bếp

Sau khi nhận quyết định về hưu với đồng lương “không đủ sống”, cô giáo mầm non nhận lương hưu 1,3 triệu đồng đã phải xin vào làm phụ bếp cho chính ngôi trường mình đã từng công tác.

Câu chuyện của cô giáo Trương Thị Lan, giáo viên trường Mầm non Lê Duẩn – Hà Tĩnh nhận được mức lương hưu 1,3 triệu sau 37 năm cống hiến cho sự nghiệp giáo dục đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư lận. Câu chuyện của cô Lan cũng đã làm “nóng” nghị trường Quốc hội trong những ngày vừa qua.

Được biết, sau khi nhận quyết định về hưu với đồng lương “không đủ sống”, cô đã xin vào làm nhân viên phụ bếp cho chính ngôi trường mà mình đã cống hiến suốt hàng chục năm qua.

Trường Mầm non Lê Duẩn.

Hàng ngày, cứ 7h sáng, trên chiếc xe đạp cũ kỹ, cô Lan tất bật đến trường để chuẩn bị cơm trưa cho các cháu.

Cô Nguyễn Thị Thu Hà - Hiệu trưởng trường Mầm non Lê Duẩn cho hay: “Dù về hưu nhưng thấy cô Lan vất vả, phải gánh vác nhiều việc gia đình nên nhà trường đã tạo điều kiện ký hợp đồng để cô Lan phụ bếp nấu ăn cho các cháu kiếm thêm thu nhập. Những việc như lau dọn, chuẩn bị chén bát, nấu cơm trưa cho các cháu được cô Lan làm khá thành thạo”.

Cô Lan (SN 1962) trong một gia đình có 4 anh chị em ở xã Cẩm Duệ. Là con út nên dù gia đình rất khó khăn nhưng cô cũng được bố mẹ cho ăn học đàng hoàng. Học xong lớp 7 (hệ 7/10), cô về quê tham gia các hoạt động đoàn thể của địa phương.

Đến năm 1980, trước sự động viên của cấp ủy địa phương, cô bắt đầu sự nghiệp trồng người ở bậc học mầm non. Để bổ túc thêm kiến thức, những năm 1986 - 1987, cô theo học ở trường Mầm non Nghệ Tĩnh (TP Vinh, Nghệ An). Đến năm 2013, thực hiện chủ trương chuyển các lớp mầm non từ các thôn lên trường xã, cô theo trò lên dạy học ở trường Mầm non Lê Duẩn.

Cô Lan làm phụ bếp cho chính ngôi trường mình đã từng công tác.

Nói về những ngày đầu đi dạy, cô Lan kể: Lúc bấy giờ, giáo viên rất hiếm, hợp tác xã vận động những người được học chút đỉnh đi dạy chữ cho các cháu rồi dần dần bổ túc kiến thức sau. Lương giáo viên mầm non cũng chỉ 15kg thóc/1 học kỳ, sau lên 30kg/1 học kỳ. Đi học bổ túc kiến thức cũng không có hỗ trợ, giáo viên phải tự lấy thóc nhà mang đi học.

Trước sự “khắc nghiệt” của cuộc sống và nhu cầu “cơm áo gạo tiền”, nhiều đồng nghiệp cùng thời đã tìm những công việc khác có thu nhập cao hơn. Riêng cô Lan vẫn bám trường bám lớp vì yêu nghề, yêu trẻ.

Những tưởng sau 37 năm gắn bó với nghề, sau khi về hưu cô sẽ được thảnh thơi nhưng nỗi lo cơm áo, gạo tiền lại đè lên đôi vai gầy của cô giáo già.

Để lo toan cho gia đình cô Lan phải làm thêm 7 sào ruộng. Hàng ngày cô đều vác cuốc ra đồng, xới cỏ đắp bờ ruộng như nông dân thực thụ.

Cô tranh thủ làm ruộng, làm vườn để trang trải cuộc sống.

Cô Lan cho biết, trước đây đi dạy, lương mỗi tháng được hơn 5 triệu nhưng chồng vốn đã yếu, lại bị nhiều bệnh (tai nặng, mắt mờ, tiểu đường…), cộng thêm con cái ăn học, phải rất tằn tiện mới đủ. Giờ về hưu, mỗi tháng chỉ được 1,3 triệu đồng - chỉ đủ tiền thuốc thang cho chồng.

Để có tiền trang trải cuộc sống gia đình, ngoài xin làm phụ bếp ở trường, cô còn nuôi thêm đàn lợn, con trâu và làm 7 sào ruộng kiếm thêm thu nhập.

“Năm ngoái, có một giáo viên trong trường về hưu cũng chỉ được 1,4 triệu đồng/tháng. Tôi cứ nghĩ với 37 năm công tác và 22 năm 8 tháng đóng BHXH thì lương hưu của mình ít ra cũng được hơn 1,5 triệu/tháng. Nhưng thật sự không ngờ lại thấp như vậy. Từng đó (1,3 triệu đồng) chỉ đủ để lo thuốc thang cho chồng, con cái chưa đứa nào ổn định nên càng lo lắng cho những ngày sắp tới”.

Liên quan đến vấn đề này, trước đó đại diện BHXH Việt Nam cho biết, mức lương hưu 1,3 triệu của cô Lan là đúng quy định.

Cũng theo đại diện của BHXH Việt Nam, hiện đang có hơn 3.200 người phải hưởng mức lương hưu dưới mức lương cơ sở (lương cơ sở hiện nay là 1,3 triệu đồng/tháng). Ngoài giáo viên mầm non còn có những cán bộ cấp xã không chuyên trách đóng BHXH trên nền lương cơ sở.

Tác giả: Minh Tuệ

Nguồn tin: Báo GIA ĐÌNH & PHÁP LUẬT ONLINE

  Từ khóa: lương hưu , Hà Tĩnh , cô giáo , thấp

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP