Giáo dục

Cô giáo "nhà thơ" 17 năm gắn bó với học trò vùng cao

Trải qua 17 năm qua công tác tại huyện vùng cao Quan Hóa (Thanh Hóa), cô giáo Nguyễn Thị Cúc (SN 1979) đã vượt qua mọi khó khăn trở ngại, chắp cánh ước mơ cho hàng trăm trẻ em vùng núi được đến trường.

Cô Cúc đang giảng dạy và giúp đỡ bao thế hệ học sinh tiếp bước đến trường

Duyên nợ với học trò vùng cao

Tốt nghiệp CĐ Sư phạm Ngữ Văn của Trường Đại học Hồng Đức vào năm 2000, sau khi ra trường, cô giáo Nguyễn Thị Cúc được phân công về giảng dạy tại trường THCS Nam Xuân, huyện Quan Hóa (Thanh Hóa) để công tác.

Sau đó, cô tiếp tục được chuyển về Trường THCS thị trấn giảng dạy và tiếp tục được điều chuyển về trường dân tộc nội trú huyện.

Đến năm 2012, cô Cúc xung phong tình nguyện lên Trường THCS Hiền Kiệt, huyện Quan Hóa là ngôi trường ở biên giới giáp nước bạn Lào.

Cô Cúc cho biết: “Lên biên giới giảng dạy gặp rất nhiều khó khăn khi phải xa gia đình khi không đảm bảo được việc chăm lo gia đình khi gia đình thì ở thành phố mà điểm trường lại ở giáp biên giới với khoảng cách 180km, con thì nhỏ có tháng về 1 lần, vài tháng với về được 1 lần, đường xá đi lại khó khăn, vất vả”.

Hơn 17 năm gắn bó với nghề, cô Cúc giúp đỡ, vận động biết bao thế hệ học trò được đến trường.

Tuy ở biên giới điều kiện khó khăn nhưng tình yêu của cô Cúc giành cho học trò vùng cao như dành cho chính những người con của mình, cô xem những người học trò như những người con đẻ của mình, yêu thương, đùm bọc và như người mẹ che chở cho những người con của mình.

Khi nhắc về kỷ niệm đáng nhớ nhất khi giảng dạy ở khu vực biên giới là khi cô cùng các thầy cô và chính quyền vào bản Ho vận động các em học sinh đến lớp tiếp tục công việc học tập của mình cũng như nhiều lần nhường phòng cho học sinh ở cũng như giúp học sinh trong việc ăn ở, sinh hoạt.

“Khi đó đường vào bản khó đi khoảng 9km nhưng đi bộ phải mất gần 3h đồng hồ, khi đến nhà vận động thì phụ huynh rất muốn cho con đi học nhưng do hoàn cảnh gia đình khó khăn nên học sinh tự quyết hết, nếu nó thích thì tự đi học và tự nghỉ. Nếu sự vận động của giáo viên phải mềm dẻo, khéo léo và sự kết hợp của gia đình, chính quyền và các thầy, cô khi vào vận động các em đến trường” - cô Cúc tâm sự.

Cô Cúc chia sẻ thêm, thành bại của việc thuyết phục học sinh đến lớp phụ thuộc vào người giáo viên khi trẻ em nơi đây 13, 14 tuổi là đã muốn bỏ học đi làm và về lấy chồng nên người giáo viên vận động là hết sức quan trọng .

Từ khi ra trường đến nay đã 17 năm cô Cúc gắn bó với bao thế hệ học sinh của huyện miền núi Quan Hóa (Thanh Hóa) cô Cúc đã vận động được nhiều thế hệ học sinh ở xã biên giới Hiền Kiệt đến với lớp học.

Tập thơ “Gió sang mùa mình gọi tên nhau” năm 2017 của cô Cúc đạt giải Nhì và giải tác giả xuất sắc nhất năm.

Nhà thơ trẻ và đam mê thiện nguyện

Không chỉ gắn bó với học trò vùng cao cô Cúc còn yêu thích thơ ca và một nhà thơ trẻ với 2 tập thơ được xuất bản với tác phẩm đầu tay “Nỗi nhớ mang hình hài của gió” năm 2016 đạt giải nhì của giải thưởng Lê Thánh Tông của Hội văn học-Nghệ thuật của tỉnh Thanh Hóa và “Gió sang mùa mình gọi tên nhau” năm 2017 cũng đạt giải nhì và giải tác giả xuất sắc nhất năm.

Nói về sự đam mê thơ ca cô Cúc cho biết xuất phát trong điều kiện hoàn cảnh sống xa nhà, buồn nên tìm đến thơ ca. Đến bây giờ thơ ca không thể thiếu được nó trở thành món ăn tinh thần lớn động viên trong những ngày sống và cống hiến ở vùng cao biên giới.

Đồng cảm với trẻ em vùng cao, cô Cúc cũng luôn luôn tham gia các chương trình thiện nguyện

Không chỉ là cô giáo, nhà thơ cô giáo Cúc còn tham gia nhiều chương trình thiện nguyện, các hoạt động xã hội số tiền bán thơ 2 tập thơ với 1.500 tập thơ của chính mình cô Cúc cũng trích một phần để ủng hộ các chương trình thiện nguyện cũng như tự đứng ra tổ chức các chương trình thiện nguyện.

“Với lòng yêu mến trẻ em và đặc biệt là gắn bó với trẻ em vùng cao, đó cũng là niềm đam mê xuất phát từ chính cái tâm của một cô giáo cũng như những đứa trẻ gần như gắn bó máu thịt với mình. Một cô giáo 17-18 năm cho miền núi thì gần như những đứa trẻ đó thân thuộc và là những cái gì trăn trở trong người không dứt bỏ được” - cô Cúc chia sẻ.

Tác giả: Trần Nghị

Nguồn tin: Báo Infonet

  Từ khóa: học trò vùng cao , cô giáo

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP