Người đương thời

Chuyện “cướp cơm hà bá” ở cầu Bến Thủy

Ngoài nhiệm vụ đảm bảo an ninh trật tự đoạn qua cầu Bến Thủy đến thị xã Hồng Lĩnh, thì các chiến sỹ Trạm công an Gia Lách, Hà Tĩnh cũng “kiêm” trọng trách cứu người khi có tin nhảy cầu tự vẫn.

chuyen "cuop com ha ba" o cau ben thuy hinh anh 1

Các chiến sỹ công an trạm Gia Lách, luôn phải túc trực 24h/24h để cứu người.

Cứu người giữa đêm

Một ngày đầu tháng 3/2017, tôi được nghe nhiều chuyện bi thương của những vụ tự tử ở cầu Bến Thủy và nhiều trường hợp nạn nhân được cứu sống khỏi miệng “hà bá” trên sông Lam từ các chiến sỹ Trạm công an Gia Lách, Hà Tĩnh.

Cuối tháng 11/2016, trên mạng xã hội chia sẻ clip trung tá Võ Mậu Sơn cùng các đồng đội “người trần” chênh vênh giữa dòng sông Lam, cứu sống người phụ nữ nhảy cầu tự tử.

Trung tá Võ Mậu Sơn – Trạm trưởng trạm Gia Lách kể lại: “Mấy chục năm trong nghề, hạnh phúc là những lần cứu được người nhảy cầu Bến Thủy. Tuy nhiên, kỷ niệm khó quên nhất vẫn là trường hợp cứu sống chị L.T.T (50 tuổi) trú phường Lê Mao, TP.Vinh, Nghệ An. Lúc đó, khoảng 8h30 ngày 23/11 tôi và các đồng nghiệp nhận tin có người phụ nữ mới nhảy cầu, đang nổi lềnh bềnh giữa dòng Lam. Khi ấy, anh em trong Trạm đang họp, nhận được tin chạy vội đến không kịp đóng cửa cơ quan”.

Khi đến nơi thì phát hiện người này còn sống, nổi trên mặt nước, trung tá Sơn đã nhanh chóng ra hiệu những chiếc thuyền đánh cá quay đầu để cứu người. Thế nhưng, các chủ thuyền không dám tiếp cận để cứu người phụ nữ trên. Trung tá Sơn nhanh chóng bỏ quân phục ra và “bắt” một thuyền của ngư dân đưa trung tá và đồng đội ra sông cứu người. Theo trung tá Sơn, lý do người dân không dám tiếp cận là vì không dám cướp cơm của “hà bá”.

Sau khi thỏa thuận với ngư dân, trung tá Sơn đã đưa được người phụ nữ lên bờ, cùng lúc đó, lực lượng chức năng tỉnh Nghệ An cũng đã huy động các chiến sỹ, xe cứu thương cấp cứu người phụ nữ trên. Khi tìm hiểu lý do thì mọi người mới biết, nạn nhân nhảy cầu là vì buồn chuyện gia đình, không chồng không con…

“Lúc người ta hoạn nạn, dù họ còn đang thoi thóp thì bất cứ trường hợp nào cũng phải cứu người ta bằng được. Ngày ấy, nếu chậm khoảng 5 phút nữa thì mạng sống của chị T. đã bị tước đi, cứu được người tôi hạnh phúc lắm”, trung tá Sơn chia sẻ.

chuyen "cuop com ha ba" o cau ben thuy hinh anh 2

Trung Tá Võ Mậu Sơn và các đồng nghiệp cứu nạn nhân tự vẫn trên sông Lam.

Kể về những lần cứu người, thượng uý Hoàng Minh Nghĩa không quên được câu nói: “Tôi không chết, tôi sẽ hận anh”, đó là câu chuyện xảy ra ngày 24/10/2016 khi chị N.T.H.T (32 tuổi) quê huyện Hưng Nguyên, Nghệ An nửa đêm ra cầu Bến Thủy, có ý định nhảy cầu tự tử. Lúc ấy thượng úy Nghĩa và trung úy Văn Đình Thăng nhận tin báo vội chạy ra cầu, đến nơi đã thấy cô gái bước qua lan can chuẩn bị gieo mình. Thượng úy Nghĩa, vứt xe máy của mình lao tới với tay cô gái. Rất may, lúc cô gái nhảy xuống sông thượng úy Nghĩa đã kịp nắm cánh tay, người cô gái treo giữa cầu. Sau đó trung úy Dũng và người dân, mất gần 10 phút mới thuyết phục và đưa được cô gái lên cầu.

Sau khi đưa về Trạm, mới biết cô T. là công nhân nhà máy may trên địa bàn, vì buồn chuyện tình cảm nên mới gieo mình. Cả đêm hôm đó, 8 chiến sỹ túc trực, trò chuyện và động viên cô gái. Vì đang hoảng, nên cô gái la hét và nói với thượng úy Nghĩa rằng “Tôi không chết, tôi sẽ hận anh”. Đến sáng hôm sau, người nhà biết tin, đến đón cô gái về. Thượng úy Nghĩa chia sẻ thêm: “Giờ cô ấy mạnh mẽ lắm, lâu lâu lại nhắn tin cảm ơn anh em ở Trạm. Sắp tới cô ấy, cũng sẽ lên xe hoa về nhà chồng”.

Theo Trạm công an Gia Lách, hầu hết các vụ tự tử ở cầu Bến Thủy đều vào ban đêm. Nói về số người bỏ mạng ở nơi này thì kể không hết, ngoài ra số người được cứu sống cũng rất nhiều. Do vậy, ngoài nhiệm vụ chính thì 8 chiến sỹ ở Trạm luôn phải túc trực 24/24 và sẵn sàng cứu người khi có tin nhảy cầu.

Những suy nghĩ dại dột

Ông Nguyễn Thanh Bình – Phó trưởng Trạm công an Gia Lách phân trần: “Lý do là chán, buồn, thất tình… tại sao cứ có những thứ ấy là nảy sinh ý định tự tử. Tôi thấy các bạn trẻ bây giờ, có những ý nghĩ bồng bột và dại dột quá.”

Có nhiều trường hợp khi nhảy cầu, không những mất mạng mà còn để lại cho gia đình gánh nặng nợ nần, gia đình ly tán. Ông Bình kể: “Như cách đây ít năm, có một gia đình ở Hà Tĩnh sau khi thuê đội tìm kiếm thi thể của con gái, chi phí toàn bộ lên tới 98 triệu đồng, trong khi gia đình hoàn cảnh lại khó khăn. Như vậy chết cũng không yên rồi, tôi thấy thấp nhất cũng lên tới 20 triệu đồng để tìm kiếm 1 thi thể tự tử ở sông Lam này”.

Ngày nào còn làm việc ở Trạm, các chiến sỹ đều cố gắng đảm bảo trật tự an ninh, luôn cố gắng để cứu sống những người lỡ dại. Song cũng có rất nhiều lần họ đã không kịp cứu người, khiến lòng day dứt khôn nguôi.

Trung tá Võ Mậu Sơn kể tiếp: “Có lần, một nữ sinh ở Nghệ An, chán nản chuyện yêu đương rồi ra cầu Bến Thủy 1 tự vẫn. Lúc phát hiện cô gái này đi đến thành cầu, tôi và đồng nghiệp chạy vội đến cứu. Tuy nhiên vừa đến nơi, cô gái đã gieo mình xuống sông, chứng kiến cảnh ấy mà lòng quặn thắt. Vì dòng sông Lam nước chảy mạnh và xiết, lại rộng mênh mông không có thuyền ra cứu là không ai dám nhảy xuống. Trường hợp này, mãi tận 3 ngày mới kiếm được thi thể”.

Cũng có nhiều trường hợp mà các chiến sỹ trạm Gia Lách cho biết, sau khi được cứu sống họ nhận ra mình đã sai. Rồi nghĩ rằng, buồn bực thì tìm cách khác giải quyết, chứ không nên tìm đến cái chết. Có người, khi ra viện hoặc lập gia đình vẫn mời trạm Gia Lách đi ăn cưới, hoặc đem quà đến tặng… Nhìn thấy họ hạnh phúc, các chiến sỹ ở trạm cũng hạnh phúc phần nào. Dù có cướp cơm của “hà bá”, thì họ cũng sẽ làm để cứu những tâm hồn lỡ dại.

Diễn Kim

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP