Khác với những năm trước, năm nay, du khách đi lễ hội, vãn cảnh chùa có thêm một phương tiện thuận tiện, hiện đại để lên chùa, đó là hệ thống cabin – cáp treo. Hệ thống cabin – cáp treo chùa Hương Tích có chiều dài toàn tuyến là 900 m với 25 cabin (loại OMEGA IV của Thuỵ Sỹ), 2 nhà ga (ga đi và ga đến), 7 cột cao từ 12 – 35 m đi qua các triền núi, chênh lệch độ cao ga dưới lên ga trên là 300 m. Dự tính, thời gian một lượt đi từ Miếu Cô đến chùa Hương Tích và ngược lại khoảng 4 phút và được sử dụng thiết bị đồng bộ của hãng Doppelmayr (Cộng hòa Áo), đạt tiêu chuẩn ISO – 9001 của châu Âu.
Hệ thống cabin – cáp treo chùa Hương Tích sẽ được đưa vào sử dụng trong mùa lễ hội năm nay
Ông Nguyễn Duy Đức – Trưởng BQL khu du lịch chùa Hương Tích cho biết: “Theo kế hoạch, hệ thống cáp treo sẽ được đưa vào sử dụng trong ngày khai hội. Tuy nhiên, do trong quá trình thi công gặp nhiều khó khăn về thời tiết và địa chất nên việc đưa hệ thống cáp treo vào sử dụng phải lùi lại khoảng 20 ngày so với dự kiến. Trong những ngày Tết vừa qua, BQL khu du lịch chùa Hương cùng với nhà đầu tư đã đôn đốc, tạo mọi điều kiện tốt nhất để đơn vị thi công huy động nhân lực, phương tiện làm việc 3 ca để kịp đưa cáp treo phục vụ du khách mùa lễ hội năm nay”.
Vết tích bờ kè nền Trang Vương
Bên cạnh các điểm chính của quần thể di tích chùa Hương Tích như 2 toà chùa ngoài và trong, am Thánh Mẫu, đền Thiên Vương (đền thờ Hồng Sơn Đại Vương), am Diệu Thiện, am Bát Cảnh, thần Hổ Trắng, thác Giải Oan, khe Quỷ Khốc.. năm nay, Ban quản lý khu du lịch chùa Hương tổ chức trưng bày các hiện vật, di vật, hình ảnh về lịch sử hình thành, xây dựng, biến đổi của khu vực nền Trang Vương.
Nền Trang Vương nằm ở độ cao khoảng 800 -1.000m (cách chùa chính 300 m), thuộc quần thể di tích – danh thắng chùa Hương Tích. Khu vực này là khu đất bằng phẳng hiện đang còn dấu tích bờ kè bằng đá với diện tích khoảng trên 1.000 m và chính là một vị trí trong hệ thống kiến trúc của chùa Hưong Tích đã bị đốt cháy năm Ất Dậu (1885).
Bãi đậu xe mới rộng 13.500m2 đủ sức chứa hàng nghìn phương tiện
“Nét mới trong công tác quản lý Lễ hội năm 2011 là Ban Tổ chức đã quy hoạch và xây dựng mới bãi đậu xe rộng 3.500m2, nâng tổng diện tích của bãi đậu xe lên 13.500m2. Việc trông, giữ xe được giao cho Hội CCB của xã Thiên Lộc nên tạo sự an tâm, tin tưởng cho du khách. Bên cạnh đó, BQL khu du lịch đã tổ chức cho hơn 40 chủ ki-ốt, điểm kinh doanh phục vụ du khách kí cam kết bảo đảm an ninh, VSMT, PCCC và không gây ắch tắc; cấm tuyệt đối các đối tượng ăn xin, các hộ kinh doanh dùng loa đài công suất lớn để chèo kéo du khách gây ầm ĩ, mất trật tự. Giá vé cơ bản vẫn giữ nguyên như năm trước. Vé vào cổng 10.000/người; vé đi thuyền 5.000/người; vé xe máy 5.000 đồng/xe, ô tô trên 7 chỗ 20.000 đồng/xe, ô tô dưới 7 chỗ 15.000 đồng/xe” – ông Nguyễn Duy Đức cho biết thêm.
Du khách trẩy hội chùa Hương bằng thuyền
Ông Đặng Trần Phong – Phó Chủ tịch UBND huyện Can Lộc, Trưởng Ban tổ chức Lễ hội du lịch chùa Hương Tích năm 2011, cho biết: “Để phục vụ du khách tới Lễ hội du lịch chùa Hương Tích, ngay từ tháng 11/2010, huyện đã thành lập ban tổ chức lễ hội và lên kế hoạch đảm bảo tối đa công tác hướng dẫn du khách, nhất là sắp xếp việc hành lễ, thắp hương, xử lý môi trường, phòng chống cháy nổ; bố trí tiếp nhận công đức đảm bảo thuận tiện và văn hoá, tạo điều kiện tốt nhất để du khách thưởng ngoạn cảnh đẹp quần thể khu danh thắng chùa Hương.
Ngoài ra, huyện Can Lộc cũng đã đầu tư hơn 13 tỷ đồng để cải tạo, xây dựng một số hạng mục để phục vụ du khách như bãi giữ xe, đường lên chùa, kè chống sạt lở. Mặc dù chưa đến ngày khai hội, nhưng trong mấy ngày Tết vừa qua, lượng du khách đến lễ hội, vãn cảnh chùa bình quân 5.000 lượt người/ngày”.
Cùng với sức hấp dẫn của “Hoan Chân đệ nhất danh lam” và sự chuẩn bị chu đáo của Ban tổ chức lễ hội, hy vọng, mùa Lễ hội Du lịch chùa Hương năm 2011 sẽ tăng từ 10 – 15% lượng du khách so với năm trước.
Thanh Hoài – Ngô Tuấn
Baohatinh