Tục truyền chùa do công chúa Diệu Thiện tạo dựng khi đến tu hành ở đây. Lại có truyền thuyết, xưa kia người ta thường đến am Thánh Mẫu để cầu tự. Ông Hiệp trấn họ Trần cầu tự ở đây sinh được ba con đặt tên là Hồng, Hương, Tích và có một chúa Trịnh (không rõ chúa nào) cũng vào cầu tự và sinh được thế tử. Hằng năm, chúa sai người vào đây tạ ơn Phật tổ, sau thấy vùng Hương Sơn – Hà Tây (nay thuộc Hà Nội) phong cảnh đẹp lại gần kinh thành nên cho xây chùa để tiện đi lễ Phật, khỏi phải vào Thiên Lộc xa xôi. Vì vậy chùa Hương – Hà Tây, (Hà Nội) cũng gọi theo tên chùa chính: Hương Tích tự.
Hương Tích động, Hương Tích phong là gọi theo tên ngôi chùa cổ ở đây – Hương Tích tự – Hoan Châu đệ nhất danh lam, Hương Tích nghĩa đen là ‘chứa mùi thơm’. Chùa Hương Ngàn Hống dựng đời Trần, có thể đồng thời với chùa Yên Tử (Quảng Ninh) thế kỷ XIII. Qua những biến thiên lịch sử cảnh cũ đã đổi thay nhiều.
Những vết tích còn lại và tài liệu cho hay chùa được khởi dựng từ thời Trần (thế kỷ 13 – 14), được tu sửa nhiều lần. Năm 1885 chùa bị hỏa hoạn (cùng với chùa Thiên Tượng) và được Tổng đốc An Tĩnh là Ðào Tấn – nhà soạn Tuồng nổi tiếng đứng ra vận động xây dựng lại vào năm 1901. Hiện nay các công trình kiến trúc chính (đền, am, chùa) vẫn giữ được gần nguyên vẹn dáng vẻ ban đầu thế kỷ 20. Phật phả, bia ký chùa Hương Tích không còn. Ðến năm 2003, với sự đóng góp của các nhà hảo tâm và công sức của nhân dân địa phương, chùa Hương Tích đã được tu bổ, tôn tạo lại khang trang.
Quần thể di tích chùa Hương Tích gồm có hai tòa chùa ngoài và trong, am Thánh Mẫu, đền Thiên Vương (đền thờ Hồng Sơn Ðại Vương), và lên cao hơn nữa có đền Trang Vương. Chùa Hương Tích cùng quần thể kiến trúc tôn giáo vẻ đẹp thiên nhiên với những hình khe thế núi đúng là ‘Tình trong cảnh ấy, cảnh trong tình này’.
Phía sau chùa là những tảng đá lớn vươn ra che chở, những thân cây cổ thụ tỏa bóng rêu phong tạo nên vẻ u tịch, trầm tư, linh thiêng, huyền ảo. Bên cạnh điện Tam Bảo, nhà Bái Ðường, giếng Trời, nhà thờ Tổ…, như thường thấy trong kiến trúc các ngôi chùa cổ, còn có nhiều hạng mục linh thiêng như am Diệu Thiện, am Bát Cảnh, thần Hổ Trắng, thác Giải Oan, khe Quỷ Khốc… gắn liền với các sự tích và truyền thuyết hóa Phật của nàng công chúa. Cảnh đẹp non nước nơi đây đã được chạm khắc vào ‘Anh đỉnh’ – một trong chín đỉnh đặt tại Thế miếu trong nội thành Cố đô Huế. Thắng cảnh Hương Tích từ xưa đã được nhắc đến không chỉ ở Châu Hoan mà khắp nơi đều biết. Ngọn núi chùa này đã từng in sâu dấu ấn đậm đà trong thơ văn tao nhân mặc khách.
Xuân về, nhất là cứ đến ngày công chúa Diệu Thiện hóa Phật (18-2 Âm lịch), nhà chùa mở hội chính, thu hút nhiều khách phương xa vượt sông, trèo núi đến nơi đây để chiêm bái. Mấy năm gần đây, bước vào đầu xuân năm mới, Hà Tĩnh chọn chùa Hương Tích khai hội để mở đầu năm du lịch cho toàn tỉnh.
THANH HOÀI – ANH TUẤN
Nhân Dân