Kinh tế

Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng đề xuất nâng tiêu chuẩn nhà ở xã hội

Lãnh đạo Tập đoàn Vingroup đề nghị Chính phủ cho tăng tiêu chuẩn của nhà ở xã hội, tức là phải có hầm để xe, phải có khu vui chơi cho trẻ cũng như các tiện ích khác…

Tại hội nghị của Thường trực Chính phủ làm việc với các doanh nghiệp diễn ra ngày 21/9, Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng đã đưa ra đề xuất ở 3 nhóm vấn đề.

Ông Phạm Nhật Vượng.

Ông Phạm Nhật Vượng đề xuất chỉ định nhà đầu tư NƠXH
Thứ nhất, vấn đề về đào tạo, lãnh đạo Tập đoàn Vingroup đề xuất Chính phủ đẩy mạnh đào tạo và phổ cập tiếng Anh không chỉ ở các trường công lập mà còn đào tạo cho toàn dân, để hướng tới một xã hội công dân toàn cầu. Tập đoàn Vingroup và các doanh nghiệp cam kết tham gia tài trợ cho giáo viên tăng cường lên vùng sâu vùng xa.

"Nếu chúng ta đẩy mạnh đào tạo tiếng Anh từ vùng sâu vùng xa đến các thành thị thì giống như chúng ta tạo 'cần câu cơm' tốt hơn cho trẻ ở những vùng khó khăn, góp phần phát triển các vùng này trong tương lai", ông Vượng nhấn mạnh.

Vấn đề tiếp theo, ông Vượng đề nghị Chính phủ đẩy mạnh hoặc mở rộng hạn ngạch về đầu tư đào tạo sinh viên của khối công nghệ, khoa học máy tính, AI, dữ liệu lớn… Theo đó, cùng với thời gian, chúng ta sẽ tạo ra một lượng lớn lao động trong ngành này. Thực tế, ngành này sẽ có tương lai hơn rất nhiều so với các ngành khác.

Về vấn đề an sinh, trọng tâm là nhà ở xã hội, Chủ tịch Vingroup đề xuất Chính phủ có cơ chế chỉ định nhà đầu tư để rút ngắn thời gian hoàn thành các thủ tục, vì hạn chế lớn nhất hiện nay đối với nhà ở xã hội là liên quan nội dung về 10% lợi nhuận.

"Nếu các doanh nghiệp bất động sản triển khai hoạt động này với lợi nhuận 10% thì không thể làm được, vì chỉ tồn đọng vốn 1-2 năm hoặc bán chậm 1-2 năm là sẽ lỗ, trong khi nhà ở xã hội mang tính đóng góp, không phải là kinh doanh", ông Vượng nói.

Đồng thời, Tập đoàn VinGroup cũng đề nghị Chính phủ cho phép công tác chuẩn bị đồng thời các loại quy hoạch, quy hoạch chung và phân khu, quy hoạch chi tiết và liên khu đoàn. Khi đó, sẽ rút ngắn được từ 6-9 tháng cho công tác này.

Ông Phạm Nhật Vượng cũng đề nghị Chính phủ cho tăng tiêu chuẩn của nhà ở xã hội, tức là phải có hầm để xe, phải có khu vui chơi cho trẻ cũng như các tiện ích khác… Trong nhóm nhà ở xã hội, cũng cần dành riêng khu cho cán bộ công nhân viên chức, lực lượng vũ trang, quân đội..

Cuối cùng, lãnh đạo Vingroup đề nghị Chính phủ hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ để họ có đủ điều kiện ban đầu tham gia chuỗi công nghiệp phụ trợ. Nếu đẩy mạnh việc này thì chúng ta sẽ có ngành công nghiệp phụ trợ rất mạnh.

Xe điện đòi hỏi phải có lộ trình và đầu tư hạ tầng
Tại hội nghị, ông Trần Bá Dương, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn Trường Hải cho biết, hiện nay đang là giai đoạn thay đổi rất nhiều về công nghệ, đặc biệt ngành công nghiệp ô tô đang hướng tới xanh, sạch.

Ông Trần Bá Dương.



Tập đoàn Trường Hải đang theo đuổi là trung tâm sản xuất ô tô cho các hãng quốc tế tại Việt Nam và các khu vực, đặc biệt khu vực Asean… Đối với ô tô thì vấn đề xanh, tiện ích đang là xu hướng.

Tuy nhiên theo ông Dương, nếu chuyển qua hoàn toàn xe điện thì đòi hỏi phải có lộ trình và thời gian về đầu tư hạ tầng, về an toàn… Hiện nay, gần như các hãng ô tô mà Trường Hải hợp tác thì đều có xe điện nhưng số lượng vào Việt Nam còn hạn chế.

Lãnh đạo Tập đoàn Trường Hải mong muốn có các hội thảo để các bên đóng góp đề xuất, ý kiến nhằm thay đổi xu hướng của thị trường các loại xe như xe xanh, ít tiêu hao nhiên liệu, xe có pin có sạc điện…

Về công nghiệp hỗ trợ, ông Dương cho biết để đầu tư lĩnh vực này đòi hỏi về sản lượng lớn và rất nhiều về công nghệ. Hiện nay, công nghiệp hỗ trợ đã có trong rất nhiều ngành nghề.

Trong lĩnh vực về linh kiện ô tô, năm 2024, Trường Hải đã bán cho các nhà sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước với 13 triệu USD, dự kiến sang năm sẽ nhiều hơn.

Đại diện Tập đoàn Trường Hải kiến nghị đối với công nghiệp phụ trợ, rất mong Chính phủ xem xét và quan tâm. Hiện nay, lĩnh vực cơ khí có tính về đời sống, lao động giản đơn, phù hợp với một lượng lớn lao động ở Việt Nam, do đó đây cũng là cơ hội phát triển công nghiệp nền tảng ở Việt Nam cũng như xuất khẩu.

Đối với nông nghiệp, ông Trần Bá Dương đề xuất, với khu vực như Tây Nguyên có thể chuyển đổi theo hình thức vừa rừng vừa chăn nuôi, thậm chí có một số chuyển đổi nông nghiệp để có những khu liên hợp vừa trồng trọt, vừa chăn nuôi để làm được tuần hoàn. Đây là hướng phát triển rất tốt ở Việt Nam.

Điển hình, thời gian vừa rồi, người dân trồng sầu riêng rất tốt và đã xuất khẩu được loại quả này.

Tác giả: Tuệ Lâm

Nguồn tin: vietnamfinance.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP