Ông Đỗ Văn Chiến, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Công Tường/TTXVN |
Tại buổi làm việc Ban Chỉ đạo tổng kết Nghị quyết số 23-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương khóa IX, đoàn công tác nghe lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh báo cáo kết quả thực hiện Nghị Quyết và ý kiến của đại biểu.
Phó trưởng Ban Chỉ đạo Đỗ Văn Chiến nhấn mạnh: Đảng bộ tỉnh Hà Tĩnh đã quán triệt triển khai thực hiện Nghị quyết, bám sát thực tiễn, từ đó bám sát 4 quan điểm, 5 nhóm giải pháp mà Nghị quyết 23 đề ra; củng cố và tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc nhằm phát huy sức mạnh toàn dân tộc, giữ vững độc lập, thống nhất Tổ quốc. Tỉnh Hà Tĩnh trở thành một trong những địa phương đi đầu xây dựng nông thôn mới.
Bộ mặt nông thôn thay đổi khá sâu sắc, đời sống nhân dân thay đổi rõ rệt, hệ thống giao thông, điện, công trình phúc lợi được xây dựng mới khang trang. Tỉnh Hà Tĩnh đã thực hiện tốt một số mô hình, đầu tiên là mô hình cán bộ các cấp gắn bó với cơ sở, thứ hai là mô hình chăm lo người yếu thế, người có hoàn cảnh khó khăn, Tiếp đó là mô hình hỗ trợ cho các cháu học sinh, sinh viên nhà nghèo có hoàn cảnh khó khăn vào học đại học và xây dựng các nhà văn hóa cộng đồng, nhà tránh lũ.
Theo báo cáo, sau 20 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW và Nghị quyết số 14-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ Hà Tĩnh khóa XV về “Tiếp tục phát huy sức mạnh đoàn kết toàn dân xây dựng toàn tỉnh giàu mạnh”, tình hình kinh tế, xã hội tỉnh Hà Tĩnh có chuyển biến tích cực, đạt được nhiều thành tựu to lớn, toàn diện. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp, xây dựng, thương mại, dịch vụ, giảm dần tỷ trọng nông - lâm - ngư nghiệp.
Thu nội địa năm 2005 đạt 465 tỷ đồng, năm 2010 đạt 1.785 tỷ đồng, đến năm 2021 đạt trên 7.566 tỷ đồng. Tỷ lệ hộ nghèo giảm, năm 2000 là 22,51% thì đến năm 2021 chỉ còn 4,68%. Văn hóa, giáo dục, y tế và các lĩnh vực xã hội khác tiếp tục có bước phát triển; quốc phòng - an ninh đảm bảo; trật tự, an toàn xã hội được giữ vững. Kết quả thực hiện xây dựng nông thôn mới vượt chỉ tiêu và về đích trước hai năm, có 9/13 huyện, thành phố, thị xã đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới (69%). Hà Tĩnh là địa phương có nhiều đột phá trong xây dựng nông thôn mới của cả nước, được Chính phủ thí điểm xây dựng tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025.
Trong quá trình thực hiện Nghị quyết 23, Ban thường vụ Tỉnh ủy Hà Tĩnh chú trọng xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc ngay tại cơ sở, cụm dân cư bằng việc tập trung cao cho xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho cư dân nông thôn. Tỉnh huy động tốt các nguồn lực xã hội hóa để xây dựng nông thôn mới, chăm lo gia đình chính sách, người có công, người nghèo. Từ năm 2008 đến nay, Hà Tĩnh huy động được hơn 20.130 tỷ đồng để xây dựng nông thôn mới. Các nguồn lực đã ủng hỗ Quỹ “Vì người nghèo” trên 408,392 tỷ đồng; Quỹ Cứu trợ gần 491 tỷ đồng; hỗ trợ làm mới 21.358 nhà, sửa chữa 15.907 nhà đại đoàn kết, trị giá trên 256,27 tỷ đồng.
Từ năm 2021 đến nay, tỉnh đã xây dựng 52 nhà văn hóa cộng đồng kết hợp tránh bão, lũ và gần 3.600 nhà ở kiên cố cho người dân vùng thường xuyên bị thiên tai, với kinh phí hơn 330 tỷ đồng. Các mô hình an sinh xã hội ở Hà Tĩnh đã giúp đỡ hàng ngàn lượt người yếu thế từ làm nhà ở, giải quyết việc làm, hỗ trợ sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, trẻ mồ côi... Đã có trên 3.600 ngôi nhà được xây dựng cho đối tượng yếu thế, trong đó có 24 ngôi nhà cho người dân vạn chài xã Quang Vĩnh, huyện Đức Thọ.
Đồng chí Đỗ Văn Chiến, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh trao quà cho đồng bào Chứt tại huyện Hương Khê. Ảnh Công Tường/TTXVN |
Ông Hoàng Trung Dũng, Bí thư tỉnh ủy Hà Tĩnh chia sẻ: Thực hiện Nghị quyết 23 cũng là điều kiện để tỉnh tiếp tục đã phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết dân tộc, tuy nhiên vẫn cần có những bổ sung để đáp ứng trong tình hình mới. Trước tiên, cần đưa khoa học, công nghệ vào lao động, sản xuất để phát huy sức sáng tạo của nhân dân; từng bước quan tâm gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc, bên cạnh đó phát huy sức mạnh các tổ chức đoàn thể, tổ chức chính trị xã hội trong xây dựng khối đại đoàn kết.
Trong quá trình thực hiện Nghị quyết 23 cũng còn có những khó khăn, bất cập. Đó là tỷ lệ tập hợp đoàn viên, hội viên hiện đang có khó khăn; hoạt động tổ chức Mặt trận, khối đoàn thể, các tổ chức chính trị xã hội có nhiều đổi mới nhưng vẫn nặng về hành chính nên việc thu hút lực lượng chưa thuận lợi.
Đồng chí Đỗ Văn Chiến, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thăm đồng bào Chứt tại xã Hương Liên huyện Hương Khê. Ảnh Công Tường/TTXVN |
Dịp này, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến trao hỗ trợ tỉnh Hà Tĩnh 20 ngôi nhà và 20 suất quà trị giá hơn 1,2 tỷ đồng.
Sáng cùng ngày, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cùng đoàn công tác đã đến huyện Hương Khê để khảo sát, đánh giá việc thực hiện Nghị quyết 23 và trao quà cho nhân dân xã Hương Liên.
Tác giả: Tường - Quân