Tổng thống Mỹ Trump tại sân bay ở Đà Nẵng ngày 10/11. Ảnh: Quỳnh Trần. |
Theo tổ chức phi chính phủ Mỹ National Taxpayers Union, khi tổng thống Mỹ thăm chính thức một nước khác, chính phủ sẽ trả tiền cho tất cả các chi phí liên quan, bao gồm thức ăn, chỗ ở, đi lại, phí phát sinh cho cả tổng thống và tất cả những người đi cùng.
Máy bay
Trong các chuyến đi quốc tế, tổng thống di chuyển trên chuyên cơ Air Force One, tên gọi cho máy bay VC-25 được trang bị thiết bị quân sự cần thiết để đảm bảo an toàn cho tổng thống, bao gồm cả các hệ thống phòng thủ tên lửa, khả năng gây nhiễu radar và thiết bị đàm thoại có hình.
Chi phí hoạt động của Air Force One được đo bằng giờ, bao gồm nhiên liệu tiêu thụ, sửa chữa, bảo dưỡng máy bay và động cơ. Năm 2012, Cơ quan Nghiên cứu Quốc hội Mỹ (CRS) cho biết chi phí một giờ bay của Air Force One là hơn 179.000 USD. Tổ chức giám sát chính phủ Judicial Watch ước tính trong năm tài chính 2015, chi phí một giờ vận hành Air Force One là hơn 206.000 USD, giảm nhẹ từ mức 228.000 USD một giờ trong năm 2013. Sự suy giảm này là có thể là do giảm giá nhiên liệu.
Theo đó, chỉ riêng chiếc chuyên cơ của tổng thống đã có thể ngốn vài triệu USD bất cứ lúc nào ông ra nước ngoài. Chẳng hạn, khi cựu tổng thống Obama về quê cha Kenya tháng 7/2015, cần gần 14 giờ để bay từ căn cứ không quân Andrews ở ngoại ô Washington đến Nairobi, Kenya; rồi từ đó đến Addis Ababa, Ethiopia và trở lại Washington cần thêm 15 giờ. Điều đó có nghĩa là chi phí vận hành máy bay sẽ là gần 6 triệu USD.
Hồi tháng 5, khi Tổng thống Mỹ Trump thực hiện chuyến công du nước ngoài đầu tiên qua Arab Saudi, Israel, và Vatican, Air Force One đã bay khoảng 30 giờ, theo thesquander.
Ngoài ra, một số máy bay chở khách và vận tải, cùng một chiếc VC-25 dự phòng cũng đi cùng tổng thống Mỹ. Trong chuyến đi kéo dài 11 ngày của cựu tổng thống Bill Clinton tới châu Phi năm 1998, Văn phòng Trách nhiệm Chính phủ (GAO) báo cáo rằng máy bay chở hàng C-5B Galaxy đã bay tổng cộng 1.975 giờ ở mức chi phí hơn 12.600 USD một giờ, với tổng chi phí gần 25 triệu USD để mang theo vật tư cần thiết.
An ninh và tháp tùng
Khi ông Obama chuẩn bị đến châu Phi vào năm 2013, Washington Post đã thu được tài liệu mật từ nhân viên Nhà Trắng và mật vụ, hé lộ một số thông tin về công tác an ninh. Ít nhất 200 mật vụ phải bay đến nước bạn để đảm bảo an toàn cho tổng thống 24/24.
Vì khu vực đến thăm ở châu Phi có bệnh viện không hiện đại và chất lượng chăm sóc y tế không cao, trong tài liệu, hải quân Mỹ muốn gửi một con tàu có đầy đủ thiết bị y tế cùng đội ngũ nhân viên để đề phòng trường hợp khẩn cấp. Máy bay vận tải quân sự được sắp xếp vận chuyển 56 xe hỗ trợ, trong đó có 14 xe limousine và ba xe tải chở kính chống đạn để bảo vệ cửa sổ khách sạn của tổng thống. Các chiến đấu cơ của Mỹ cũng hoạt động theo ca để bảo vệ trên không 24/24. Những công tác an ninh này được ước tính tiêu tốn 60 -100 triệu USD.
Các mật vụ thường thuê toàn bộ hoặc một phần khách sạn để kiểm soát an ninh tòa nhà kỹ càng hơn. Năm 2010, tổng thống Obama cùng phu nhân đến Ấn Độ và ở lại khách sạn Taj Mahal ở Mumbai, nơi từng bị khủng bố tấn công năm 2008. Chính phủ Mỹ đã đặt tất cả 570 phòng ở khách sạn này. Với một đêm nghỉ của tổng thống Mỹ ở Brisbane, Australia khi dự Hội nghị thượng đỉnh G20 năm 2014, phái đoàn Mỹ chi 1,7 triệu USD để thuê 4.000 phòng tại ba khách sạn khác nhau.
Khi công du nước ngoài, tổng thống Mỹ được tháp tùng bởi vài trăm nhân viên chính phủ. Guardian đưa tin rằng có 900 người tháp tùng ông Obama khi ông đến Bỉ năm 2014. Nhà Trắng nói rằng con số này là không chính xác, nhưng từ chối cung cấp số liệu cụ thể vì lý do an ninh.
Theo inquisitr, khi ông Trump đến Israel hồi tháng 5, chi phi bảo vệ khách sạn của ông là ba triệu USD một giờ. Phòng tổng thống ở đây không chỉ có khả năng chống đạn mà còn chống rocket. Phòng tổng thống giống như một chiếc hộp và nếu tòa nhà sụp đổ trong trường hợp bị tấn công, "chiếc hộp" sẽ rơi xuống nhưng vẫn còn nguyên vẹn.
Tác giả: Phương Vũ
Nguồn tin: Báo VnExpress