Tại cuộc tọa đàm về giá cước vận tải chiều 13/11, ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia đưa ra những số liệu và nhận định bất ngờ: Giá cước vận tải của Việt Nam trung bình là 0,148 USD/tấn/km, thuộc diện thấp; trong khi đó, giá cước của Hàn Quốc là 0,766 USD/tấn/km.
Tuy nhiên, nếu tính theo thu nhập bình quân đầu người thì cước vận tải ở VN cao gấp 3 lần Hàn Quốc. Ông Hùng dẫn ra nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới cho thấy, chi phí vận tải ở VN chiếm 11,8% GDP; trong khi đó, Mỹ dưới 4,5%, Singapore 4,8%, EU 5,8%, Nhật 6%. “Nước ta nghèo nhưng chi phí vận tải quá cao. Nếu giảm được chi phí vận tải sẽ bớt gánh nặng cho sản xuất kinh doanh và đời sống xã hội” – ông Hùng nói.
Theo bà Phan Thị Thu Hiền, Phó Vụ trưởng Vận tải (Bộ GTVT) với vận tải hành khách đường dài, xăng dầu chiếm từ 35 đến 50% chi phí vận tải; xăng chiếm 50% chi phí vận tải taxi. Theo tính toán của các lái xe taxi, hiện một km hết 2.000 đồng tiền xăng; có nghĩa là, chi phí cho 1 km taxi chỉ ở mức 4.000 đồng. Cộng với chi phí cho những km chạy không có khách, lợi nhuận, giá cước taxi sẽ vượt 4.000 đồng/km; tuy nhiên mức giá cước taxi 10.000 đồng/km có thể coi là siêu lợi nhuận.
Noi về điều này, ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô cho rằng, ngoài các chi phí chính thức như xăng dầu, nhân công khấu hao xe, giá cước vận tải ở nước ta cao, vì “phải chịu những chi phí rất lớn mà không thể nói ra được”.
Thanh tra diện rộng các DN có cước cao
Bà Phan Thị Thu Hiền, Phó Vụ trưởng Vận tải cho hay nếu giá xăng dầu giảm nhưng giá cước vận tải không hạ nhiệt thì các mặt hàng khác sẽ không giảm; chính sách bình ổn thị trường qua giá xăng không còn hiệu quả. Thông tin được bà Hiền đưa ra cho thấy, các DN vận tải đang bắt đầu giảm giá cước nhưng mức giảm nhỏ giọt hoặc ở mức “hứa” sẽ hạ thấp.
“Bến xe miền Đông đã có 10 DN giảm giá cước. Taxi điều chỉnh tăng nhiều lần trước đây nhưng hiện chưa giảm nhiều. Taxi Mai Linh giảm 300 – 2.000 đồng/km tùy từng địa phương; Taxi Group giảm 300 đồng. Vận tải hàng hóa TP HCM đang chuẩn bị giảm…” – bà Hiền cho biết. Trong khi đó, theo tính toán được ông Khuất Việt Hùng nêu ra cho thấy, từ đầu năm đến nay, giá xăng giảm trung bình 1,2%/tháng; dầu giảm 1,5%/tháng và vận tải có thể giờ ở mức giảm 5,6 – 8%.
Tuy nhiên, đó là khuyến cáo! Với cơ chế hiện nay không thể bắt ép được DN vận tải giảm giá vì giá cước vận tải đường bộ đã được vận hành theo cơ chế thị trường; doanh nghiệp tự quyết định giá cước.
Thậm chí, đại diện Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính có mặt tại buổi tọa đàm cho hay, theo thông tư liên tịch giữa Bộ Tài chính và Bộ GTVT có hiệu lực từ 1/12 tới đây, nhiều cơ chế được ban hành để DN vận tải có thể dễ dàng quyết định giá cước vận tải như nếu muốn giao động trên dưới 3% không phải khai báo; giảm đầu mối khai báo từ 3 xuống còn 1, có thể khai báo qua internet.
Tại thời điểm này, Bộ GTVT và Bộ Tài chính đã “lệnh” cho các DN vận tải giảm giá cước. Ngoài ra, hai cơ quan này sẽ tiến hành thanh, kiểm tra việc kê khai giá của các DN vận tải. Việc kiểm tra kê khai giá này không thể trực tiếp ép các DN vận tải hạ giá cước nhưng sẽ làm minh bạch các khoản kê khai; qua đó có thể phát hiện các khoản kê khai thiếu, hoặc khống và phát hiện ra DN vận tải trốn thuế để truy thu.
“Kiểm tra chi phí là dịp để các DN vận tải nhìn nhận lại chi phí sản xuất, thực hiện đúng các nghĩa vụ tài chính và hướng tới dịch vụ vận tải chất lượng nhưng giá thành hợp lý” – ông Khuất Việt Hùng nói.
Quỹ bình ổn chưa ổn
Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Nguyễn Văn Thanh kêu gọi hành khách, chủ hàng tẩy chay các DN không chịu giảm giá cước. Mặt khác, ông Thanh cho rằng, việc điều hành giá xăng dầu hiện nay bộc lộ nhiều bất cập. “Nhiều DN nói với tôi, xăng giảm nhưng mai tăng nên không muốn giảm giá cước. Chúng tôi đã nhiều lần đề nghị, có quỹ ổn thì điều hành giá xăng dầu ổn định trong 6 tháng hay 1 năm nhưng không được. Chúng tôi rất đau đầu, áp lực với biến động giá xăng” – ông Thanh nói.