Chợ nhóm họp ngay trên đường và chỉ nửa buổi là tan. Hàng hóa được bày biện trên thúng, mẹt, thậm chí còn để nguyên trên xe đạp. Ở đây, người bán kẻ mua đều thân quen. Người ta đến chợ không chỉ để mua bán mà còn để trò chuyện, hỏi han. Những người nông dân chất phác tụ họp quanh một khung cảnh êm đềm, trong một không khí ấm áp là nét độc đáo của chợ quê mà ta không thể tìm thấy ở thành thị.
Nhưng quan sát và ngẫm nghĩ, tôi thấy chạnh lòng với chợ quê. Đã bao nhiêu năm nhưng hàng hóa ở đây vẫn đơn điệu và ít ỏi. Ngoài những sản vật đặc trưng của địa phương như chổi, rá rổ bằng tre, cá đồng, chè xanh… thì chợ thiếu hẳn những mặt hàng tiện ích của ngành công nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng mà giờ đây gần như hiện diện khắp nơi. Tại vài quán nhỏ ở chợ tuy cũng có bán hàng tiêu dùng, nhưng từ chủng loại đến mẫu mã khá nghèo nàn. Đáng nói là khá nhiều trong số đó là hàng của nước ngoài.
Tôi tự hỏi phải chăng người dân quê mình vẫn quen với nếp sống tự cung tự cấp, thích xài “cây nhà lá vườn” hay chủ trương đưa hàng Việt về nông thôn chưa đến được nơi đây? Lẽ nào do sức mua thấp nên doanh nghiệp Việt Nam không mặn mà đưa hàng tới những vùng quê nghèo như quê tôi? Có chăng tâm lý chuộng hàng ngoại đã thấm vào những người nông dân chân chất nên họ làm ngơ trước hàng nội?
Nghĩ rồi chợt ước: Làm sao vẫn giữ được cái “hồn” của chợ quê, nhưng diện mạo của nó phải được nâng tầm. Nghĩa là ở chợ, bên cạnh những khu hàng xổm bày bán các sản vật địa phương, cần có thêm kiôt, cửa hàng quy mô lớn và bài bản hơn, hàng hóa trưng bán đa dạng và phong phú hơn. Đó phải là hàng hóa được cung cấp bởi các doanh nghiệp Việt Nam, có nguồn gốc rõ ràng, đảm bảo chất lượng, giá cả phù hợp và chế độ hậu mãi chu đáo chứ không phải những loại hàng không nhãn mác, chất lượng kém, hàng ngoại nhập…
PHI LONG (Thủ Đức, TP.HCM)
Tuổi trẻ