Có dịp tham gia các hoạt động tình nguyện của sinh viên Hà Tĩnh tại Huế nói riêng hay của sinh viên toàn Đại học Huế nói chung, chúng tôi thường thấy một thanh niên xông xáo trong các hoạt động của bạn trẻ.
Những lần ấy, cứ nghĩ anh là thủ lĩnh đoàn sinh viên bởi bề ngoài trông khá thư sinh, tính cách hòa đồng và hay ‘cầm trịch’ các hoạt động ngoài trời. Sau này, hỏi ra mới biết anh chỉ là đại diện cho doanh nghiệp, ngoài việc đóng góp vật lực cho chương trình thiện nguyện thì anh vẫn hay tham gia các hoạt động tình nguyện cùng sinh viên như thế.
Lê Đăng Thủy (áo màu – hàng dưới cùng) đồng hành cùng các bạn sinh viên trong một hoạt động thiện nguyện. |
Anh là Lê Đăng Thủy (SN 1987), Giám đốc Công ty TNHH 1 Thành viên Đồng phục Thiên Việt, có trụ sở đóng ở đường Phùng Hưng, TP. Huế. Hiện anh đang có trong tay một hệ thống chuỗi cửa hàng liên quan đến đồ may mặc dọc tất cả các tỉnh Bắc Trung Bộ và Tây Nguyên, giải quyết công ăn việc làm cho hàng trăm lao động.
Tiếp xúc với anh lần đầu, có lẽ ấn tượng nhất vẫn là vẻ bề ngoài cao, gầy, khuôn mặt toát lên nét hiền lành và cách nói chuyện khá thân thiện, gần gũi.
Thủy tâm sự, anh có được như ngày hôm nay đều đi lên từ bàn tay trắng. Đăng Thủy vốn sinh ra trong một gia đình thuần nông ở một mảnh đất nghèo khó của huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh. Là con trai thứ 2 trong gia đình 3 anh em, tuổi thơ Thủy sớm vất vả hơn so với các bạn cùng trang lứa khi vừa đi học, vừa phải chăn trâu cắt cỏ, phụ cha mẹ cả việc đồng áng.
Ý thức được việc chỉ học mới thoát nghèo, từ nhỏ cậu bé Đăng Thủy đã chăm chỉ học hành. Tuy nhiên, do hoàn cảnh gia đình quá khó khăn, tốt nghiệp hết lớp 12, không có tiền để đi thi đại học, Đăng Thủy phải khăn gói vào Đắc Lắc làm thuê cho người ta.
Những ngày tháng ở Tây Nguyên nắng gió, ban ngày có khi Thủy đi hái tiêu, khi đào hố cà phê, nhưng mỗi tối về anh vẫn không quên việc ôn tập lại kiến thức, ấp ủ giấc mơ đại học.
Trải qua bao nỗi cơ cực của kẻ làm thuê càng giúp anh có thêm động lực để ôn tập và quyết tâm.
Đến năm 2007, Đăng Thủy trúng tuyển vào trường Đại học Nông lâm Huế, chuyên ngành Chăn nuôi thú y, trong sự bất ngờ của cha mẹ và bà con lối xóm.
Bốn năm học đại học, Thủy ít khi phải xin tiền cha mẹ. Với tính tự lập từ nhỏ và sự chịu khó, Thủy đi làm thêm ở nhà hàng, rồi làm gia sư để kiếm tiền đóng học phí và trang trải sinh hoạt.
Năm 2011, Thủy tốt nghiệp. Tuy nhiên, cầm tấm bằng loại ưu trên tay, gõ cửa nhiều cơ quan ban ngành nhưng ai cũng lắc đầu vì ‘không có chỉ tiêu’, ‘không có các mối quan hệ’…
Năm 2012, Thủy tiếp tục thử sức với môi trường sư phạm. Năm ấy, anh trúng tuyển vào ngành sư phạm Sinh học của trường Đại học Sư phạm Huế.
Học gần hết năm 1, chứng kiến cảnh nhiều sinh viên ra trường chật vật xin việc đúng chuyên ngành, Thủy quyết định dừng lại việc học tập ở giảng đường đại học.
Anh bắt đầu mày mò tập kinh doanh. Thời điểm ấy, Thủy kinh doanh đủ thứ, đụng việc gì anh làm việc nấy: bán hoa, buôn trái cây, cho thuê xe dịch vụ tết… nhưng đều không ăn thua.
Sau này, khi nhận thấy thị trường đồng phục nhiều cơ hội nên Thủy tham gia. Anh mở công ty riêng chuyên đồng phục nhóm, lớp…
Bấy giờ ở Huế, những công ty như Thủy nhiều như nấm, Thủy mới chân ướt chân ráo chưa có thương hiệu, chiến lược kinh doanh lại không nổi bật nên hợp đồng thường ế ẩm, ít khách.
Lúc khó khăn ấy, tiền nợ ngân hàng, tiền nợ lương nhân viên ngập đầu anh, người thân cứ nghĩ Thủy sẽ bỏ cuộc. Giữa những áp lực bủa vây, trong khi các công ty khác thường hợp đồng với xưởng may mặc riêng, Thủy đã có một quyết định đầy táo bạo đó là đầu tư tiền mở xưởng riêng. Anh mua các trang thiết bị phục vụ may in đồng phục, không hợp đồng với đơn vị gia công riêng biệt mà tự anh sẽ sản xuất ra những chiếc áo do chính công ty anh thiết kế.
Để có những sản phẩm chất lượng, Đăng Thủy quan tâm từ các khâu đầu tiên. |
Nhờ vậy, đơn giá và chất lượng hàng của công ty Thủy có sức cạnh tranh hơn với công ty khác. Đơn hàng, uy tín của công ty Thiên Việt tăng dần và có chỗ đứng vững chắc giữa thị trường đồng phục đầy biến động.
Giờ đây, Thủy đã có một văn phòng công ty khá khang trang nằm ở trung tâm thành phố Huế. Một nhà xưởng riêng rộng rãi chuyên may, in đồng phục hoạt động ngày đêm, giải quyết việc làm cho khoảng 20 công nhân.
Không chỉ có vậy, Công ty TNHH 1 TV Đồng phục Thiên Việt còn có chuỗi các cửa hàng bán đồ may mặc rải đều các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế và vào tận các tỉnh Tây Nguyên với hàng trăm nhân viên bán hàng, kinh doanh, thiết kế…
Nặng lòng với những học sinh nghèo vượt khó
Đăng Thủy tâm sự: “Hồi nhỏ, có được tấm áo mới là vui lắm nhưng vì nhà nghèo nên mấy khi có áo mới, thường phải mặc lại áo của anh trai. Rồi mùa đông, có được chiếc áo ấm sờn cũ phải mặc từ năm này sang năm khác”.
Có lẽ tuổi thơ vốn chịu nhiều vất vả, chật vật như vậy nên Đăng Thủy khá đồng cảm với những số phận nghèo khổ. Chính vì vậy, anh đã tận dụng thế mạnh của công ty mình về hàng may mặc để giúp đỡ các học sinh nghèo ở dải đất miền Trung.
Ngoài tiền mặt, Đăng Thủy thường gửi tặng những tấm áo mới cho các em học sinh nghèo mỗi dịp đầu năm học mới ở các huyện nghèo như A Lưới (Thừa Thiên Huế), Hương Khê, Thạch Hà (Hà Tĩnh), Kỳ Sơn (Nghệ An)…
Tặng áo cho các học sinh nghèo trong lễ khai giảng ở xã A Dớt, huyện A Lưới (Thừa Thiên Huế). |
Những phần quà ý nghĩa cho học sinh nghèo huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh). |
Đăng Thủy cũng thường xuyên tham gia các hoạt động đoàn thanh niên thiện nguyện. Những tấm áo ấm của anh qua các bạn sinh viên được trao đến tận tay bà con vùng sâu vùng xa trong các chương trình Xuân yêu thương, Đông ấm, Tết vùng biên…
Nói về Lê Đăng Thủy, ông Nguyễn Phú Minh, Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân Trẻ TP Huế chia sẻ: “Mặc dù xuất phát điểm công ty của Đăng Thủy thấp, có thể nói từ con số không nhưng vốn bản tính năng nổ, chịu khó nên hiện tại anh đã bắt đầu có những thành công trong lĩnh vực mình kinh doanh.
Đối với hoạt động của hội, Đăng Thủy là một doanh nhân rất tích cực. Các hoạt động thiện nguyện như trao quà cho những hoàn cảnh khó khăn, cho gia đình thương binh liệt sĩ… công ty của Thủy luôn tham gia nhiệt tình, đầy trách nhiệm”.
Tặng áo đoàn cho học sinh là cán bộ đoàn ở các trường THPT trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh. |
Hiện Đăng Thủy đã lập gia đình và có một cậu con trai kháu khỉnh. Vợ của Thủy là một thôn nữ hiền lành cùng quê Hà Tĩnh với anh. Chị bên cạnh anh từ những ngày đầu đầy khó khăn của công ty và bây giờ là cánh tay phải đắc lực giúp Thủy quản lý tài chính và hoạt động công nhân trong nhà xưởng.
Chia sẻ về những dự định tương lai, Đăng Thủy cho biết, về kinh doanh, ngoài việc tập trung những đơn hàng ở các tỉnh vốn là thị trường bấy lâu nay, anh còn mở rộng thêm các tỉnh mới. Đồng hành cùng đó, anh luôn mong muốn tham gia các hoạt động thiện nguyện, giúp đỡ thêm nhiều học sinh nghèo, cán bộ Đoàn hơn nữa.
“Mình đang lên kế hoạch phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hà Tĩnh, tài trợ miễn phí áo đoàn cho các em học sinh là cán bộ Đoàn của tất cả trường THPT đóng trên địa bàn. Mình biết những bạn làm công tác Đoàn thường làm ‘không công’, trên hết các em làm vì nhiệt huyết và tinh thần trách nhiệm, việc được tặng chiếc áo đoàn sẽ là niềm động viên, khích lệ cho các em”, Đăng Thủy tâm sự.
Giữa không khí các bạn học sinh lớp 12 đang tất bật chuẩn bị cho Kỳ thi THPT Quốc gia sắp tới, chàng Giám đốc trẻ Lê Đăng Thủy cũng muốn nhắn nhủ đến các sỹ tử: “Thành công của một con người không phải quyết định do xuất thân từ đâu, do học đại học hay trung cấp mà ngay từ chính nội lực trong mỗi người.
Phải thật sự chịu khó, thật sự đam mê và không ngừng hi vọng. Đại học không phải là con đường duy nhất, hãy thử làm một điều gì đó mà bạn am hiểu và tự tin về nó. Hãy theo đuổi đam mê, thành công sẽ theo đuổi bạn”.
Kông Thành