Đó là thực trạng đang xảy ra tại khu vực rừng nguyên sinh đóng trên địa bàn xã Cẩm Thịnh, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh.
Nhận được thông tin, rừng nguyên sinh tại xứ động Rèng Rèng thuộc địa bàn xã Cẩm Thịnh, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh bị chặt phá. Nhóm phóng viên Người Đưa Tin đã vượt qua 7km đường rừng, lội suối để tiếp cận hiện trường.
Những gốc gỗ cổ thủ bị đốn hạ không thương tiếc. |
Sau gần 2 giờ đồng hồ di chuyển, chúng tôi đã tiếp cận được khu vực rừng nguyên sinh này. Ghi nhận tại đây, có hơn 30 cây gỗ tự nhiên tuổi đời hàng chục năm, đường kính từ 15 - 40cm gồm: Trâm, Dẻ… đã bị đốn hạ, trơ gốc, dấu cưa rất mới. Ngoài ra, còn có hàng chục gốc gỗ tự nhiên đường kính dưới 15cm cũng bị đốn hạ và nhiều gốc cây lớn bị chặt, đốt cháy. Phần thân của số cây gỗ này đã được vận chuyển ra khỏi khu vực rừng, lác đác sót lại vài thân gỗ, nhành cây, nằm ngổn ngang. Nhiều gốc cây cổ thụ cũng đã bị đào đi để lại những hố sâu nham nhở.
|
Dấu cưa trên những gốc gỗ tự nhiên có tuổi đời hàng chục năm còn rất mới. |
Người dẫn đường xót xa cho chúng tôi biết, thực trạng bao lấn, chặt phá rừng nguyên sinh đã diễn ra tại đây lâu nay. Những gốc gỗ tự nhiên bị chặt phá có tuổi đời hàng chục năm, thậm chí trăm năm. Người dân địa phương đều biết nhưng không ai làm gì được, bởi người chặt phá rừng nguyên sinh chính là cán bộ Ban Quản lý (BQL) khu Bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ. "Cô chú nhìn lạch suối kia xem. Đây là lạch suối chảy về con suối Rào Choại. Ngày trước, nước chảy mạnh lắm nhưng rừng bị chặt phá, theo năm tháng đã khiến lạch suối này bị khô cạn. Mất rừng thì sẽ mất nguồn", người dẫn đường ngậm ngùi.
Tình trạng chặt phá rừng nguyên sinh xảy ra trong thời gian dài đã khiến lạch suối ở đây khô cạn, mất nguồn. |
Đáng nói, theo quan sát, chỉ có một con đường độc đạo để đi vào khu vực rừng này. Điểm đầu và cuối cửa rừng có đến 2 trạm quản lý, bảo vệ rừng của BQL khu Bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ. Thế nhưng, không hiểu sao tình trạng chặt phá rừng nguyên sinh vẫn xảy ra, hàng chục cây gỗ tự nhiên bị đốn hạ, được vận chuyển ra khỏi rừng giữa "thanh thiên bạch nhật" mà không một cơ quan chức năng nào “lên tiếng”?
2 trạm quản lý bảo vệ rừng BQL khu Bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ đóng 2 đầu cửa rừng nhưng "máu rừng" vẫn chảy? |
Sau khi ghi nhận thực tế tại hiện trường, ngay sau đó, chúng tôi đã liên hệ với BQL khu Bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ, Chi cục Kiểm lâm Hà Tĩnh để trình báo sự việc.
Ông Phan Duy Khai, Phó Giám Đốc phụ trách công tác quản lý bảo vệ rừng - BQL khu Bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ thừa nhận, chính cán bộ BQL đã chặt phá một số diện tích rừng nguyên sinh trong quá trình khai thác Keo.
Những cây gỗ lớn bị “khai tử” nằm la liệt... |
Ông Khai cho biết, khu vực rừng bị chặt phá thuộc rừng nguyên sinh, giáp ranh với khu vực rừng sản xuất thuộc Khoảnh 4, Tiểu khu 325A, đóng trên địa bàn xã Cẩm Thịnh thuộc sự quản lý, bảo vệ của Ban quản lý khu Bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ. Khu vực rừng sản xuất này hiện đang được giao khoán cho ông Nguyễn Văn Đức, Trưởng phòng quản lý bảo vệ rừng - BQL Bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ, với diện tích 5,9 ha.
“Khu vực rừng sản xuất nói trên được giao cho ông Nguyễn Văn Đức. Vừa rồi ông Đức khai thác Keo, khi xử lý thực bì có cháy lan ra một số diện tích và chặt một số cây gỗ tự nhiên. Phía Ban xin tiếp thu và xin nhận trách nhiệm”, ông Khai nói.
Rừng nguyên sinh bị “cạo trắng” trước mắt cơ quan chức năng? |
Chiều 23/8, trao đổi với Người Đưa Tin Pháp luật, ông Nguyễn Viết Ninh, Giám đốc BQL khu bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ cho biết, hiện, đơn vị đã cử cán bộ phối hợp với Chi cục Kiểm Lâm Hà Tĩnh kiểm đếm số lượng gỗ tự nhiên bị chặt phá; quan điểm là cán bộ nào vi phạm sẽ xử lý theo đúng quy định của pháp luật.
Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc…!
Tác giả: Ngân Hà – Phương Nam
Nguồn tin: nguoiduatin.vn