Xã hội

Cây di sản chết khô sau 8 tháng chữa bệnh nấm

Dù các đơn vị chức năng thường xuyên phun thuốc chữa trị bệnh nấm và cắt những cành nấm tránh lây lan ra toàn cây nhưng đến nay, cây di sản gần 100 năm tuổi đã chết khô và chuẩn bị được cắt bỏ để tránh nguy hiểm.

Sáng 4/12, ông Bùi Văn Quý - Gám đốc Công ty Môi trường và đô thị Đắk Lắk - cho biết, cây long não được công nhận là Cây Di sản Việt Nam nằm tại quần thể di tích lịch sử Biệt điện Bảo Đại (TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk) đã bị chết khô sau hơn 8 tháng được phun thuốc chữa trị bệnh nấm.

Cây di sản gần 100 năm tuổi chết khô vì bệnh

Theo ông Quý, vào khoảng tháng 8/2016, cây long não đã xuất hiện một số nhánh khô do bị bệnh nấm nên đơn vị đã tiến hành cắt bỏ 3 nhánh lớn của cây để tránh lây lan ra những cành cây khác và để đảm bảo an toàn cho người dân khi tham quan khu di tích.

Tuy nhiên, chỉ một thời gian ngắn sau, một số cành cây khác lại bị nhiễm nấm nên đơn vị quản lý di tích đã báo cáo UBND tỉnh và mời các chuyên gia để tiến hành các phương pháp chữa bệnh cho cây.

“Sau 8 tháng phun thuốc, các nhánh còn lại của cây cũng bị chết khô nên phía công ty sẽ có văn bản báo cáo UBND tỉnh và xin cắt cây long não này để tránh gây nguy hiểm cho người dân”, ông Quý cho hay.

Cây long não đã được Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam tổ chức lễ công nhận và gắn biển Cây Di sản Việt Nam vào cuối tháng 12/2014. Cây được trồng từ những năm 1930, cây cao gần 30 m với đường kính thân khoảng 2,5 m, có nhiều cành to, tán lá rất rộng và đẹp.

Ngoài cây long não đã bị chết khô này, tại quần thể di tích lịch sử Biệt điện Bảo Đại cũng có 1 cây long não khác được công nhận Cây Di sản Việt Nam và hiện cũng xuất hiện một số nhánh bị chết khô.

Tác giả: Thúy Diễm

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP