Danh Nhân

Can Lộc: Cuộc đời và sự nghiệp của Danh nhân văn hóa Nguyễn Văn Trình

Nguyễn Văn Trình, tự Lục Quang, hiệu Thạch Thất, sinh năm Nhâm Thân (1872) tại phủ Bình Giang, tỉnh Hải Dương trong một gia đình khoa bảng. Thân sinh là ông Nguyễn Liên, đỗ cử nhân vào năm 1848, từng trãi qua các chức: Tri phủ Bình Giang – Hải Dương, Tế Tửu Quốc Tử Giám, Phủ doãn phủ Thừa Thiên, đốc học tỉnh Quảng Nam. Nguyễn Văn Trình là ngưuời có tư chất thông minh, lại chịu khó nên học hành rất tiến bộ, 8 tuổi ông đã biết ứng đối trôi chảy.

hatinh

Năm 1885, khi kinh thành Huế thất thủ, vua Hàm Nghi xuất bôn kêu gọi kháng chiến chống Pháp dưới danh nghĩa Cần Vương. Ông Nguyễn Văn Liên ứng nghĩa Cần Vương đứng đầu quân thứ Can Lộc, đã vận động trai tráng và nhân dân trong làng đứng lên đánh giặc cứu nước, anh ruột của Nguyễn Văn Trình là Nguyễn Lương Cận mới đậu cử nhân tham gia nghĩa quân và được phong hàm Bang Biện quận vụ. Trong một trận đánh địch ở Trại Lê của nghĩa quân Cần Vương, Nguyễn Lương Cận hy sinh. Vì Vậy, gia đình Nguyễn Văn Trình phải trốn tránh sự truy lùng, bắt bớ của bọn giặc, cho nên đã gián đoạn việc học của ông.

Sau khi thực dân Pháp xâm lược và đặt ách đô hộ trên khắp đất nước ta vào những năm cuối thế kỷ XIX, phong trào khởi nghĩa của nhân dân ta tạm lắng xuống, việc học hành của Nguyễn Văn Trình mới được tiếp tục. Năm 1894, ông đậu tú tài tại trường thi Nghệ An; năm 1897, ông thi đậu cử nhân tại trường thi Thừa Thiên. Năm 1898, Thành Thái năm thứ 10, ông thi đậu tiến sĩ khoa Mậu Tuất. Sau khi thi đậu, tiến sĩ Nguyễn Văn Trình được bổ làm quan Tri phủ Hưng Nguyên, sau đó là Anh Sơn thuộc tỉnh Nghệ An. Tri phủ Nguyễn Văn Trình đã luôn luôn bênh vực quyền lợi của nhân dân lao động, chống lại sự đàn áp hà khắc của thực dân phong kiến. Chán cảnh làm quan nô lệ, ông cáo quan về quê nhà. Nhưng với uy tín và tài năng của ông, triều đình Huế không thể không dùng. Vì vậy, ông lại được gọi vào Huế làm đốc học phủ Thừa Thiên, Tế tửu Quốc Tử Giám, sau một thời gian, do danh vọng và uy tín, tiến sĩ Nguyễn Văn Trình được bổ chức Tả Thị Lang Bộ Hình, nghiên cứu và xét xử các vụ án lớn. Đến lúc bọn chúng giao cho ông xử vụ án vua Duy Tân khởi nghĩa chống Pháp, ông từ chối thẳng thừng và bị đổi vào tỉnh Phú Yên làm Bố chánh. Tại đây, Bố chánh Nguyễn Văn Trình đã đứng về nhân dân địa phương trong phong trào xin sưu chống thuế, cho nên đã bị thực dân Pháp khép vào tội thông đồng với dân và bị buộc thôi việc và giáng chức. Nhưng triều đình Huế vẫn nể trọng tài đức của ông, cho nên đưa ông về Quốc sử quán trong ban Toản tu. Thời gian này, ông đã viết vĩ nhân, Hồng Lam thắng cảnh, Tục ngữ dân ca….Năm 1928, sau 30 năm trên con đường hoan lộ gập gềnh thăng giáng nhiều lần, ông xin nghỉ hưu và được triều đình Huế thăng chức Lễ bộ Thượng thư trí sự.

Về quê, tiến sĩ Thượng thư Nguyễn Văn Trình với uy tín và đức độ của mình đã tích cực chấn chỉnh việc làng xã, bài trừ các tệ nạn tham nhũng đục khoét nhân dân, vận động các nhà hảo tâm chuộc lại công điền cho người nghèo cày cấy, khuyếch trương việc học hành, lập hương ước với các điều khoản khuyến học, khuyến nông, trọng lão rất chặt chẽ, nghiêm túc. Đặc biệt ông đã vận động nhân dân trong tổng Đậu Liêu làm con đường liên hương nối từ Quốc lộ 1A qua làng Kiệt Thạch đi chợ Vi, cho nên con đường này nhân dân đã gọi là đường Cụ Thượng, cống xây trên đường này gọi là cống Cụ Thượng, mà ngày nay vẫn đang phát huy tác dụng. Sau đó ông đã vận động xây dựng trường học cho tổng Đậu Liêu tại làng Kiệt Thạch, xây dựng văn chỉ huyện Can Lộc ở làng Phù Lưu khắc bia ghi tên các vị đỗ đại khoa, tu sữa lại nhà Thánh văn nơi thờ những người có học hành khoa bảng, cho dựng bia tổng kết việc học tập của địa phương, đặt bên cạnh bia Kiệt Thạch khoa cử bi ký…Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, ông đã sôi nổi tham gia trong các cuộc biểu tình, mít tin quần chúng, tham gia Hội Phụ lão cứu quốc kháng chiến. Cố vấn cho Việt Minh xã Kiệt Thạch, sáng tác thơ ca hò vè ủng hộ cách mạng , kháng chiến.

Năm 1946, Tiến sĩ Nguyễn Văn Trình được cử làm Hội trưởng Hội Liên Việt tỉnh và là Ủy viên khu hội Liên khu IV (tổ chức tiền thân của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ngày nay), tích cực vận động nhân dân  xây dựng hậu phương vững mạnh, củng cố khối đoàn kết toàn dân để kháng chiến chống thực dân Pháp. Cuối năm 1948, ông đã bị cảm bệnh, yếu dần và đầu năm 1949 ông mất, thọ 77 tuổi. Ông mất đi để lại muôn vàn thương tiếc trong gia đình, nhân dân địa phương và các tổ chức đoàn thể lúc bấy giờ.

Có thể nói rằng, cuộc đời và sự nghiệp của tiến sĩ Nguyễn Văn Trình là một tấm gương sáng về nhiều mặt, khổ học lập thân, thanh cần trung thực, một ông quan thanh liêm, luôn luôn gần gủi và bênh vực quyền lợi cho nhân dân lao động, rất tận trung với nước nhà và quê hương xứ sở. Ngoài ra, ông còn là một nhà thơ với hàng trăm bài thơ, phần nhiều là thơ Nôm và là dịch giả có tiếng với bản kịch bài Đăng Lam Thành sơn hoài cổ phú (của Đặng Nguyên Cẩn), là bài phỏng dịch hay nhất được nhiều người truyền tụng cho đến bây giờ.

Ngọc Bé

PHÒNG VĂN HÓA – THÔNG TIN

Tài liệu tham khảo từ hồ sơ di tích Nguyễn Văn Trình

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP