Pháp luật

Cần làm rõ nguồn gốc 5 khẩu súng, 18 viên đạn trong nhà cựu Chủ tịch Đà Nẵng Trần Văn Minh

Luật sư Lê Cao cho rằng cần xác minh các khẩu súng phát hiện trong nhà nguyên Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Trần Văn Minh thuộc sở hữu của ai, do đâu mà có?

Ngày 6/9, trả lời VTC News về việc cơ quan công an thu giữ 5 khẩu súng, 18 viên đạn trong nhà ông Trần Văn Minh, cựu Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, luật sư Lê Cao (Công ty Luật FDVN, Đoàn Luật sư TP Đà Nẵng) cho biết, vấn đề quan trọng là phải xác minh làm rõ nó thuộc sở hữu của ai? Do đâu mà có?

Theo kết luận giám định ngày 17/5/2018 của Viện Khoa học Hình sự Bộ Công an xác định 5 khẩu súng và 18 viên đạn thu giữ tại nơi ở của cựu Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Trần Văn Minh không phải là vũ khí quân dụng.

Trong đó, 3 khẩu súng và 18 viên đạn thuộc danh mục công cụ hỗ trợ, 2 khẩu súng là đồ chơi nguy hiểm bị cấm.

Luật sư Lê Cao cho biết, theo quy định tại khoản 11 Điều 3 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ 2017 thì công cụ hỗ trợ được hiểu là “phương tiện, động vật nghiệp vụ được sử dụng để thi hành công vụ, thực hiện nhiệm vụ bảo vệ nhằm hạn chế, ngăn chặn người có hành vi vi phạm pháp luật chống trả, trốn chạy; bảo vệ người thi hành công vụ, người thực hiện nhiệm vụ bảo vệ hoặc báo hiệu khẩn cấp”.

Ông Trần Văn Minh, nguyên Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng.

Theo luật sư Lê Cao, về đối tượng được trang bị công cụ hỗ trợ thì theo quy định tại Điều 55 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ quy định các đối tượng sau đây mới được trang bị công cụ hỗ trợ: a) Quân đội nhân dân; b) Dân quân tự vệ; c) Cảnh sát biển; d) Công an nhân dân; đ) Cơ yếu; e) Cơ quan điều tra của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; g) Cơ quan thi hành án dân sự; h) Kiểm lâm, lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách, Kiểm ngư, lực lượng trực tiếp thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành thủy sản;

i) Hải quan cửa khẩu, lực lượng chuyên trách chống buôn lậu của Hải quan; k) Đội kiểm tra của lực lượng Quản lý thị trường; l) An ninh hàng không, lực lượng trực tiếp thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành giao thông vận tải; m) Lực lượng bảo vệ cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp; doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ bảo vệ; n) Ban Bảo vệ dân phố; o) Câu lạc bộ, cơ sở đào tạo, huấn luyện thể thao có giấy phép hoạt động; p) Cơ sở cai nghiện ma túy; q) Các đối tượng khác có nhu cầu trang bị công cụ hỗ trợ thì căn cứ vào tính chất, yêu cầu, nhiệm vụ, Bộ trưởng Bộ Công an quyết định.

“Luật nghiêm cấm cá nhân tự trang bị các loại súng là công cụ hỗ trợ cho mục đích cá nhân, tràng trữ hoặc lưu trữ tại nhà riêng. Ngoài ra, theo quy định thì để được sử dụng công cụ hỗ trợ thì người được giao, sử dụng công cụ hỗ trợ phải qua đào tạo, huấn luyện và được cấp Giấy phép sử dụng công cụ hỗ trợ theo quy định tại Điều 7, Điều 58 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ 2017”, luật sư Lê Cao nói.

Cần xác minh thêm các khẩu súng đó thuộc sở hữu của ai, do đâu mà có, nếu không người có hành vi sử dụng, tàng trữ công cụ hỗ trợ trái phép có thể bị xử lý hành chính"
Luật sư Lê Cao

Luật sư Lê Cao nhấn mạnh: “Đối chiếu các quy định nêu trên, thì trước đây các chức vụ của ông Minh đảm nhiệm được đối chiếu không thuộc trường hợp được trang bị súng là công cụ hỗ trợ. Tuy nhiên có thông tin là cơ quan điều tra có thu giữ các giấy phép sử dụng công cụ hỗ trợ thì cần xem xét là giấy phép được cấp cho ai, được cấp bởi các quyết định đúng pháp luật không để đánh giá và xem xét”.

Cũng theo luật sư Lê Cao, luật hiện hành chỉ quy định công cụ hỗ trợ về nguyên tắc chỉ cấp cho hoạt động công vụ, hoạt động thực hiện nhiệm vụ của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, không cấp cho cá nhân sử dụng với mục đích cá nhân.

“Do đó cần xác minh thêm các khẩu súng đó thuộc sở hữu của ai, do đâu mà có, nếu không người có hành vi sử dụng, tàng trữ công cụ hỗ trợ trái phép có thể bị xử lý hành chính theo quy định tại Điều 10 Nghị định số 167/2013/NĐ-CP”, ông Lê Cao cho biết.

Về trách nhiệm hình sự, theo quy định tại Điều 306 Bộ Luật Hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017 thì người đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi sử sụng, tàng trữ công cụ hỗ trợ trái phép hoặc đã bị kết án về tội theo điều 306 Bộ luật Hình sự 2015, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm thì mới bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Còn nếu mới vi phạm lần đầu, chưa bị xử lý thì chỉ xem xét trách nhiệm xử lý về mặt hành chính theo luật định.

Khám xét nhà ông Minh, cơ quan công an thu giữ 5 khẩu súng, 18 viên đạn. (Ảnh: Nguyễn Thành).

Luật sư Lê Cao cũng nêu thực trạng vấn đề sử dụng, tàng trữ các loại súng công cụ hỗ trợ, thậm chí sử dụng súng, vật liệu nổ quân dụng đang có dấu hiệu biến tướng và có nhiều trường hợp bị phát hiện.

“Qua câu chuyện này chúng tôi nghĩ cần có cách quản lý, giám sát thực sự cẩn trọng, nếu không đến khi phát sinh nhu cầu, sở thích sử dụng và lạm dụng các loại công cụ hỗ trợ sẽ gây nhiều bất an cho xã hội, nguy cơ bất ổn về an ninh xã hội sẽ không tránh khỏi”, luật sư Lê Cao nêu quan điểm.

Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã hoàn tất bản kết luận điều tra vụ án vi phạm chế độ quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát lãng phí và vi phạm các quy định về quản lý đất đai xảy ra tại Đà Nẵng, chuyển hồ sơ sang VKSND Tối cao đề nghị truy tố 21 bị can.

Trong đó, có bị can Trần Văn Minh, cựu Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng giai đoạn 2006-2011.

Quá trình khám xét chỗ ở của bị can Trần Văn Minh, Cơ quan điều tra phát hiện, thu giữ 5 khẩu súng, 18 viên đạn và 3 giấy phép sử dụng công cụ hỗ trợ.

Viện Khoa học Hình sự Bộ Công an giám định và ban hành kết luận, xác định 5 khẩu súng và 18 viên đạn thu giữ được không phải là vũ khí quân dụng.

Trong đó 3 khẩu súng và 18 viên đạn thuộc danh mục công cụ hỗ trợ, 2 khẩu súng là đồ chơi nguy hiểm bị cấm.

Tác giả: Xuân Tiến

Nguồn tin: Báo VTC News

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP