Liên quan đến những quy định “cấm xăm hình, vẽ hình, dùng nước hoa phù hợp…” mà Bộ quy tắc ứng xử cơ quan, đơn vị hành chính do Sở VHTT Hà Nội dự kiến ban hành, PV báo Người đưa tin có cuộc trao đổi cùng các chuyên gia văn hóa, luật sư về điều này.
Bộ quy tắc ứng xử yêu cầu cán bộ, công chức Hà Nội không được mặc áo hở cổ – (Ảnh minh họa: Internet) |
Ông đánh giá thế nào về Bộ quy tắc ứng xử trong đó có quy định “cấm” cán bộ, công chức không xăm hình mà Hà Nội vừa đưa ra lấy ý kiến?
GS. Trần Lâm Biền: Việc xăm hình có từ thời xa xưa, hàng nghìn năm trước. Thậm chí, người ta xăm để khỏi bị làm hại. Việc xăm hình có 2 dạng để làm đẹp và dạng để tác động đến nhận thức người khác, chứng tỏ này kia.
Tôi không thích xăm hình nhưng nó thuộc về mặt tình cảm của tôi thôi, còn xăm hình không phải là phạm pháp. Xăm hình mà để làm đẹp thì không có gì đáng bàn nhưng để chứng tỏ này khác, để người khác e ngại thì không cấm nhưng không nên có và cũng cần xem xét. Xăm hình mà để tác động đến nhận thức người khác thì không nên có.
GS. Hoàng Chương: Bản thân tự nhiên của con người là một tinh hoa và việc xăm hình tạo nên sự phảm cảm với người tiếp xúc.
Tạo hóa sinh ra da thịt con người đã là một bức tranh. Đôi tay, da thịt, mặt mũi sạch sẽ thể hiện sự văn minh… Có những người đi nhuộm tóc, xăm hình làm cho người khác nhìn vào thấy phảm cảm huống chi cán bộ hằng ngày tiếp xúc với người dân.
Cha ông ta đã có câu “cái răng cái tóc là vóc con người” để ví quan niệm về cái đẹp và từ lâu việc xăm hình cũng bị coi là phảm cảm cho người đối diện. Tôi gặp những người xăm hình là tôi rất dị ứng. Hình xăm bên trong thì không nói làm gì. Tôi tin rằng những người đứng đắn họ không xăm hình.
GS. Hoàng Chương – GĐ Trung tâm nghiên cứu bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống dân tộc – (Ảnh: Nhất Nam). |
Bộ quy tắc còn khuyến cáo dùng nước hoa, mỹ phẩm phù hợp và mặc váy ngắn, ông đánh giá thế nào?
GS. Hoàng Chương: Sử dụng mỹ phẩm, nước hoa là nhu cầu thiết yếu, văn hóa ngày nay. Việc sử dụng là nhằm mục đích làm đẹp, không ai sử dụng để tự làm xấu mình, theo tôi quy định này có vẻ quá lo xa. Hơn nữa, trang điểm hay dùng loại nước hoa nào phù hợp còn phải tùy tay, tùy mắt từng người.
Cấm những gì mà ảnh hưởng đến phong tục, tập quán, ảnh hưởng đến văn hóa dân tộc thì cấm chứ những gì bình thường, mỗi người sẽ phải điều chỉnh.
Về váy ngắn, tôi nhớ rằng, cách đây khoảng 15 năm tôi cũng từng đấu tranh, phản đối một ngành mà yêu cầu nhân viên nữ mặc váy ngắn. Theo tôi, phụ nữ Việt Nam đẹp nhất vẫn là tà áo dài.
GS. Nhà NCVH Trần Lâm Biền – (Ảnh: Internet). |
GS. Trần Lâm Biền: Nước hoa là hình thức để chị em phụ nữ làm đẹp. Việc cấm đoán với những người bình thường thì không sao nhưng với những người có nhược điểm về tuyến mồ hôi mà trong phòng kín thì vô tình gây phản ứng ngược. Dù vậy, cái gì cũng nên có chừng mực không nên lạm dụng.
Việc cấm mặc váy ngắn, tôi cho rằng đó là quy định đúng bởi nếu người phụ nữ mặc váy quá ngắn sẽ tạo ra sự không lành mạnh, gây ra sự nhận thức của nhiều người cho rằng người phụ nữ không phù hợp với văn hóa Thủ đô.
Chuyện ăn mặc hở hang, không đúng quy định sẽ làm cho người làm cùng phân tán tư tưởng. Một khi tư tưởng đã phân tán thì công việc không thể hoàn thành, còn chưa kể những tư tưởng, suy nghĩ đó có thể lệch lạc ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường làm việc.
Có ý kiến cho rằng quy tắc trên là vi phạm quyền cá nhân, tính khả thi không cao và ai sẽ kiểm tra, giám sát cán bộ xăm hình, dùng nước hoa, các chuyên gia, luật sư nghĩ thế nào?
GS. Trần Lâm Biền: Những quy định này nếu áp dụng được trên toàn thành phố nên nhẹ nhàng, không nên rập khuôn, cứng nhắc thì sẽ rất tốt. Khi thực hiện thì không nên “đánh trống bỏ dùi”, chỉ được một thời gian lại bỏ dở.
GS. Hoàng Chương: Giờ có trăm thứ ý kiến nhưng chúng ta cứ theo văn hóa, quan niệm về cái đẹp của dân tộc mà làm chứ đừng chạy theo những ý kiến để thành “đẽo cày giữa đường”. Bộ quy tắc ban hành thì cũng không cần phải ai giám sát bởi người nào đó đi ngược lại thì tự người ta sẽ thấy lạc lõng và phải điều chỉnh.
Luật sư Giang Hồng Thanh – (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội). |
Luật sư Giang Hồng Thanh: Quan điểm cá nhân, tôi đồng tình với việc ban hành Bộ quy tắc ứng xử cũng như đồng tình với nhiều nội dung được quy định trong Bộ quy tắc này.
Những quy định trên sẽ góp phần xây dựng hình ảnh người cán bộ công chức thủ đô đàng hoàng hơn, thanh lịch hơn, làm việc hiệu quả hơn và được người dân tin yêu quý mến hơn.
Chúng ta thử hình dung xem, nếu những cán bộ công chức có hình xăm ở tay, ở cổ (là những vị trí khó che đậy), quần áo luộm thuộm đối với nam hay váy ngắn đến đùi đối với nữ, son phấn lòe loẹt, mùi nước hoa sực nức làm nhiệm vụ tiếp công dân thì đó có phải là những hình ảnh phản cảm hay không, có nhận được sự ủng hộ, tôn trọng của người dân hay không? Chưa tính đến chất lượng phục vụ người dân như thế nào nhưng những hình ảnh đó sẽ khiến đại đa số người dân có cái nhìn thiếu thiện cảm đối với người cán bộ công chức.
Với ý kiến cho rằng quy định như vậy là xâm phạm quyền tự do cá nhân – tôi cho rằng không hẳn là chính xác. Bởi lẽ Bộ quy chế chỉ yêu cầu cán bộ công chức thực hiện các quy định nói trên trong giờ làm việc, tại cơ quan công sở. Mà rõ ràng là làm ở đâu thì phải chấp hành nội quy, quy định ở đó. Hơn nữa, liệu người dân có thể chấp nhận hình ảnh một cán bộ công chức xăm trổ hay trang điểm quá phản cảm hay không?
Tuy nhiên tôi thấy Bộ quy tắc cần quy định cụ thể hơn nữa, ví dụ như sử dụng trang sức, mỹ phẩm, nước hoa như thế nào là phù hợp, hoặc tổ chức sự kiện như thế nào là linh đình, phô trương, lãng phí. Nếu chỉ nói chung chung như vậy thì không có tiêu chí để đánh giá vi phạm, dẫn đến tình trạng cán bộ công chức sẽ có nhiều phản ứng khi bị xử lý.
Nhất Nam