Du lịch

Các tỉnh Tây Bắc muốn phát triển du lịch đi thuyền trên sông Đà

Sông Đà rộng mênh mông với nhiều làng bản, cảnh đẹp trên bờ thích hợp cho các chuyến đi khám phá nhưng đang bị bỏ phí.

Vừa qua, hơn 40 đơn vị lữ hành đã tham gia chuyến khảo sát xuôi dòng sông Đà, từ Lai Châu xuống Hòa Bình. Hiện tại, dòng sông không còn nhiều thác ghềnh như xưa mà nước trong xanh, chảy hiền hòa suốt tuyến dài gần 500 km.

Sản phẩm du lịch nghèo nàn

Trên dòng sông này có ba nhà máy thủy điện là Lai Châu, Sơn La, Hòa Bình cung cấp một lượng điện lớn cho người dân. Ngoài ra, lưu vực có nhiều loại khoáng sản quý hiếm, hệ sinh thái đa dạng.

Trong buổi tọa đàm ngày 10/11 tại tỉnh Hòa Bình, các công ty đều khẳng định dòng sông có nhiều cơ hội phát triển, cảnh quan đẹp nhưng đang bị lãng phí. Điểm yếu lớn nhất là các tỉnh hầu như chưa có dịch vụ trên thuyền và ven bờ gắn liền với chuyến đi. Do đó, du khách dễ bị nhàm chán khi phải lênh đênh trên những con thuyền mới chỉ có trang bị cơ bản với ghế ngồi nhựa.

Ngoài ra, các tỉnh cũng chưa có được nét riêng bản sắc tạo dấu ấn cho mình. Bởi vậy, khi đi dọc sông cả trăm km, khách không biết được sự khác biệt giữa các địa phương.

"Khi đi dọc tuyến sông, khách không có nơi để tiêu tiền vì trên thuyền chỉ có chỗ ngồi, không có quầy bar. Trên bờ cũng không bán đồ lưu niệm, các dịch vụ gia tăng khác", anh Tưởng Hữu Lộc, Giám đốc Công ty Tam Anh Đà Lạt, chia sẻ.

"Rất đáng tiếc khi các điểm dừng chưa gắn liền với một câu chuyện đặc sắc để du khách ghi nhớ. Chúng tôi được dẫn đi thăm một cây cổ thụ hơn 100 tuổi nhưng cũng không nhận được thông tin gì nhiều", chị Nguyễn Trần Thụy Tiên, Giám đốc Công ty Fami, nói.

Trên sông có 3 thủy điện lớn mà bạn có thể ghé qua.

Giải pháp cho tuyến du lịch sông Đà

Ông Nguyễn Đạo Dũng, Phó Vụ trưởng Vụ Lữ hành, Tổng cục Du lịch, cho biết các địa phương đang có kế hoạch kết hợp cùng nhau để quảng bá cho tuyến đi này. Các công ty gợi ý bốn địa phương nên nhắm vào những điểm đến mới lạ với du khách.

Theo anh Tưởng Hữu Lộc, mỗi địa phương cần tạo nét đặc trưng, tránh trùng lặp về văn hóa. Người dân địa phương có thể tạo cảnh quan ven sông bằng cách trồng các loại cây ăn trái, hoa màu để du khách ngắm, chụp hình, ăn thử hoa quả địa phương. Khách cũng có thể chụp ảnh mặc đồ dân tộc, đi xem đánh bắt cá, học nấu các món quen thuộc của vùng như trâu nấu lá lồm, xôi nếp cẩm...

Nhiều du khách thích tìm hiểu về nơi ở, lối sống, văn hóa của người dân tộc vùng Tây Bắc.

Sông Đà bắt đầu chảy vào Việt Nam từ biên giới với Trung Quốc tại huyện Mường Tè (Lai Châu). Sông chảy qua các tỉnh Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Hòa Bình, Phú Thọ với chiều dài hơn 500 km.

Tác giả: An Yên

Nguồn tin: Báo VnExpress

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP