Trong nước

Cá độ bóng đá: Đừng để trong luật thì cấm, còn thực tế thì bùng nổ

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí - nguyên Viện trưởng Viện Huyết học truyền máu Trung ương bày tỏ lo lắng trong phiên thảo luận về dự thảo Luật Thể dục, Thể thao (sửa đổi) tại Quốc hội chiều 15/11.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí (Ảnh: Quochoi.vn).

Theo đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội), mặc dù ở Việt Nam không cho phép nhưng nhiều nơi vẫn xảy ra hiện tượng cá cược thể thao. Chính vì thế Quốc hội cần phải xem xét nghiêm túc việc cá cược thể thao, coi đây là một thú vui. Cá cược thể thao chỉ xấu khi thànhcờ bạc ăn thua, ảnh hưởng tới trật tự, an toàn xã hội.

“Không ủng hộ cờ bạc nhưng cần quản lý thú vui của người đời, đừng để việc này xấu đi vì biến tướng không được quản lý”- ông Trí nói.

Ông Trí phân tích, tháng 1/2017 Chính phủ đã ban hành Nghị định 06 về thí điểm đặt cược đua ngựa, đua chó và cá cược bóng đá quốc tế. Nhưng lần này sửa một luật đã được thông qua từ năm 2006 và không biết bao lâu nữa mới tiếp tục sửa luật này.

“Tôi ý thức rằng đây là cơ hội để đổi mới. Tôi đề nghị Quốc hội ủng hộ với quan điểm của phần lớn thành viên Chính phủ. Theo đó, đặt cược thể thao phải đưa vào dự thảo luật nhưng giới hạn trong một số hoạt động; Chính phủ sẽ quyết định danh mục hoạt động kinh doanh đặt cược thể thao”- vị đại biểu của Hà Nội nêu quan điểm.

Ông Trí tha thiết: “Xin đừng để việc các cược thể thao trong luật thì cấm, còn trong thực tế lén lút, bùng nổ. Xin đừng thêm một lần để cá cược thuể thao lại dậm chân tại chỗ. Nếu tổ chức tốt thì hạn chế được các mặt trái, mang lại lợi ích cho xã hội, thu được thuế cho ngân sách và giải quyết được vấn đề nhiều thập kỷ qua chúng ta cấm nhưng tình hình vẫn nhức nhối. Quốc hội cần kiến tạo, tạo điều kiện cho Chính phủ kiến tạo”.

Ngược lại, đại biểu Nguyễn Thanh Hải (Tiền Giang) lại cho rằng, Nghị định 06 của Chính phủ mới có hiệu lực từ ngày 31/3/2017 nên cần có thời gian tổng kêt, đánh giá kỹ lưỡng trước khi đưa vào luật để đảm bảo tính khả thi.

Hơn nữa, theo đại biểu này, hoạt động cá cược, đặt cược là vấn đề phức tạp, nhạy cảm và tiềm ẩn những nguy cơ mất an ninh trật tự và trật tự an toàn xã hội.

“Hiện nay tình hình an ninh trật tự và trật tự an toàn xã hội ở các địa phương diễn biến phức tạp nên cần có những chuyên đề nghiên cứu đánh giá tác động tổng thể đi đôi với việc tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện Nghị định 06 của Chính phủ. Do đó chưa nên đưa quy đinh vào luật sửa đổi lần này mà cần phải có thời gian, kinh nghiệm thực tế”- vị đại biểu tỉnh Tiền Giang nêu quan điểm.

Trước quan điểm trái chiều của đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Văn hoá- Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện cho rằng, nhiều quốc gia đã sớm hợp pháp hoá hoạt động cá cược này để tránh hệ luỵ xã hội và thu hút được nguồn lực tài chính.

“Cơ quan soạn thảo sẽ tiếp tục nghiên cứu, rà soát trình Chính phủ xem xét trên cơ sở đảm bảo an toàn, trật tự xã hội”- ông Thiện nói.

Trước đó, báo cáo của Chính phủ cho biết, trong quá trình xin ý kiến các thành viên Chính phủ về dự thảo Luật Thể dục thể thao (sửa đổi) còn có ý kiến khác nhau.

Loại ý kiến thứ nhất đồng ý với phương án bổ sung nội dung quy định về đặt cược thể thao, vì đặt cược thể thao đã được Chính phủ cho phép mặc dù chỉ giới hạn ở một số lĩnh vực hoạt động thể thao có đủ điều kiện, gồm kinh doanh đặt cược đua ngựa, đua chó và thí điểm đặt cược bóng đá quốc tế.

Đồng thời, đặt cược thể thao cần thiết phải được quy định trong dự thảo luật, nhưng chỉ giới hạn ở một số hoạt động thể thao có đủ điều kiện và Chính phủ quyết định danh mục các hoạt động được phép kinh doanh đặt cược thể thao và quy định chi tiết về kinh doanh đặt cược.

Ngược lại, loại ý kiến thứ hai đề nghị không nên bổ sung vấn đề đặt cược thể thao vào dự thảo luật, vì đặt cược thể thao là vấn đề phức tạp và nhạy cảm có ảnh hưởng lớn đến an ninh, trật tự.

Trong khi đó, nghị định số 06/2017 về kinh doanh đặt cược đua ngựa, đua chó và thí điểm đặt cược bóng đá quốc tế mới có hiệu lực từ 31/3/2017, cần để thực hiện một thời gian, sau đó tổng kết, đánh giá rồi sẽ quy định vào luật sẽ đảm bảo chặt chẽ và khả thi hơn.

Thẩm tra dự thảo luật, Uỷ ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội đề nghị cơ quan trình dự án luật xây dựng báo cáo đánh giá tác động chi tiết, toàn diện làm cơ sở để đại biểu Quốc hội xem xét, quyết định.

Tác giả: Thế Kha

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP