Trong nước

Bộ trưởng Trần Hồng Hà: Formosa có 6 nhà thầu lắp ghép, chủ yếu là từ Trung Quốc

Ông Trần Hồng Hà – Bộ trưởng Bộ Tài Nguyên và Môi trường cho biết, qua kiểm tra đã phát hiện 53 hành vi vi phạm của Formosa Hà Tĩnh.

Tại phiên làm việc sáng 11/7 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ông Nguyễn Chí Dũng – Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, sự cố môi trường biển miền Trung đã gây hậu quả nghiêm trọng không chỉ đối với sản xuất và đời sống của người dân trong vùng, mà còn hủy hoại môi trường sinh thái biển, phải mất thời gian dài mới tái tạo lại được.

Đây là vấn đề nghiêm túc rút kinh nghiệm trong việc lựa chọn nhà đầu tư, thẩm định các điều kiện bảo vệ môi trường khi cấp phép đầu tư và tăng cường công tác giám sát, thanh kiểm tra ô nhiễm môi trường, nhất là các cơ sở có nhiều khả năng ô nhiễm.

Ông Nguyễn Chí Dũng cũng cho biết, theo số liệu báo cáo thì vừa qua người dân không dám ăn thức ăn ở các nhà hàng tại những địa phương nói trên; du khách e ngại khi tắm biển… tình hình du lịch tại các tỉnh miền Trung bị ảnh hưởng nặng nề.

Trong những ngày tới đây, Chính phủ sẽ có một buổi họp bàn tìm các giải pháp khắc phục hậu quả ảnh hưởng tới du lịch miền Trung.

hatinh24h
Sự cố Formosa Hà Tĩnh xả thải trái pháp luật Việt Nam đã gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng tới đời sống của ngư dân và tình hình phát triển du lịch biển miền Trung. ảnh: Báo Nhân dân.

Thông tin thêm về vụ việc này, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường – ông Trần Hồng Hà cho biết, Formosa Hà Tĩnh đang trong giai đoạn chạy thử nghiệm trước khi cơ quan nhà nước thẩm định.

Có 6 nhà thầu nước ngoài liên quan tới lắp ghép tại dự án này và hầu hết là của Trung Quốc.

“Qua kiểm tra đã phát hiện ra 53 hành vi vi phạm về hành chính, kể cả thiết kế và quá trình vận hành, thi công… qua giai đoạn thử nghiệm thì chúng ta phát hiện các dấu hiệu xảy ra liên quan đến điện, liên quan đến hệ thống xử lý chất thải chưa đáp ứng yêu cầu của pháp luật và yêu cầu của cơ quan quản lý Việt Nam.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, Chính phủ yêu cầu tăng cường rà soát, kiểm tra các nguồn thải vào các lưu vực sông, các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, nhất là các cơ sở gây ô nhiễm ngay trong khu dân cư.

Xử lý triệt để nguồn gây ô nhiễm, bảo tồn đa dạng sinh học, giảm thiểu ô nhiễm và bảo vệ môi trường, cảnh quan ở khu vực nông thôn, các khu đô thị lớn.

Kiên quyết xử lý các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Trong 53 hành vi vi phạm đó đáng chú ý là hành vi tự ý thay đổi công nghệ xử lý cốc từ khô sang công nghệ xử lý ướt, phát tán rất nhiều chất thải, không khí thải.

Công nghệ này hoàn toàn do họ tự ý điều chỉnh và đây là bằng chứng pháp lý quan trọng cho thấy sai phạm tại Formosa.

Tuy nhiên việc sửa đổi này không liên quan tới sự cố môi trường vừa qua mà liên quan tới việc họ đã vi phạm các quy định của Việt Nam”, ông Hà cho biết.

Cũng theo ông Trần Hồng Hà, trên thực tế nếu vận hành đầy đủ theo quy định và kiểm soát, kiểm tra chặt chẽ thì hoàn toàn có thể đảm bảo được yêu cầu xử lý chất thải trước khi thải ra môi trường.

Cho đến nay khi Formosa đã thừa nhận trách nhiệm và khắc phục hậu quả, Chính phủ đã triển khai các biện pháp giám sát yêu cầu Formosa khắc phục hậu quả.

Liên quan tới nội dung này, bà Tòng Thị Phóng – Phó Chủ tịch Quốc hội đặt ra vấn đề, Thường vụ Quốc hội đã thực hiện giám sát đối với dự án này chưa?

“Ngay cả chuyện cấp phép 70 năm quyền sử dụng đất đai, tôi cho là đến lúc hôm nay Thường vụ Quốc hội cũng chưa biết đâu”, bà Phóng nói.

Trong khi đó, ông Hà Ngọc Chiến – Chủ tịch Hội đồng Dân tộc đề nghị, khắc phục hậu quả môi trường vụ Formosa gây ra cá chết hàng loạt tại 4 tỉnh miền Trung cần nêu tập trung nhấn mạnh vào giải pháp khắc phục.

“Đây là một dự án được phê duyệt rất nhanh, đánh giá tác động môi trường được phê duyệt rất nhanh; sau khi nhà đầu tư được cấp phép thì được đáp ứng rất nhanh… và cuối cùng là hậu quả xảy ra cũng rất nhanh.

Đối với vụ Formosa phải làm rõ vai trò quản lý của cơ quan quản lý nhà nước, phải làm rõ thì mới có uy tín với cử tri, với nhân dân.

Cũng nên nhìn nhận lại việc cấp phép 70 năm ở địa bàn nhạy cảm và quy mô lớn như vậy thì cũng nên đặt vấn đề là cần phải được phê duyệt, xét duyệt ở mức nào?

Có phải công trình trọng điểm quốc gia không?

Tới đây triển khai thế nào, có điều chỉnh lại quy mô dự án không?”, ông Chiến đặt vấn đề.

Có chuyện cắt dán đánh giá tác động môi trường ở các dự án?

Bà Lê Thị Nga – Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đánh giá cao sự vào cuộc của Chính phủ ngay khi sự cố môi trường xảy ra, chỉ đạo sát sao ổn định đời sống của ngư dân miền Trung, tìm các biện pháp khắc phục hậu quả.

Đồng thời, bà Nga cũng dẫn chứng cho thấy, trong quá khứ đã từng xảy ra các sự cố môi trường lớn như: Sai phạm của Vedan xả thải ra sông Thị Vải (tỉnh Đồng Nai), Nicotext Thanh Thái xả thải ra môi trường (tỉnh Thanh Hóa), Công ty Hào Dương xả thải ra môi trường tại TP. Hồ Chí Minh…

Qua đó, Chính phủ cần phải có rà soát đánh giá lại việc chấp hành các quy định đảm bảo môi trường tại những doanh nghiệp có thông tin phản ánh từ dư luận xã hội.

“Xả thải, gây ô nhiễm môi trường có 3 cách: Một là thải khí lên trời, hai là thải ra sông, biển; ba là thải vào lòng đất.

Chúng tôi đề nghị phải kiểm tra các dự án, các khu công nghiệp đặt tại các lưu vực sông và biển.

Trong đó đặc biệt chú ý tới việc đánh giá, kiểm tra lại ĐTM (dự đoán hệ quả về môi trường tích cực hoặc tiêu cực)  ở các dự án này. ĐTM là gác chắn đầu tiên ngăn chặn ô nhiễm môi trường.

Tuy nhiên, thực tế lại có những bản ĐTM rất kém, mang tính đối phó, không đáp ứng đúng yêu cầu của Luật Bảo vệ môi trường.

“Báo chí từng phản ánh, có các bản ĐTM copy, cắt dán.

Sau đó, công tác kiểm tra của các cơ quan nhà nước cũng không đạt yêu cầu, không phát hiện ra sai phạm.

Vì vậy, chúng tôi đề nghị rà soát tất cả các dự án có nghi ngờ ô nhiễm môi trường, đánh giá lại các bản ĐTM có thực sự đáng ứng được yêu cầu không, có chuyện cắt gián từ dự án này sang dự án khác không?

Nếu có thì trách nhiệm thuộc về ai?”, bà Nga nêu quan điểm.

Ngọc Quang

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP