Trong nước

Bộ Công Thương đề nghị lùi ngày tăng thuế môi trường với xăng dầu

Nếu tăng thuế môi trường với xăng từ đầu năm 2019, theo Bộ Công Thương, sẽ ảnh hưởng tới điều hành lạm phát.

Tại phiên họp Ban chỉ đạo điều hành giá sáng 28/9, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết nên cân nhắc về thời điểm tăng thuế bảo vệ môi trường với xăng. Theo dự kiến, từ 1/1/2019, thuế môi trường với xăng sẽ tăng từ 3.000 đồng mỗi lít lên 4.000 đồng, sau khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua dự thảo Nghị quyết về biểu thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu.

Theo ông Hải, thời điểm tăng thuế rơi vào tháng Chạp và tháng Giêng, sẽ làm tăng giá xăng dầu, tác động tới điều hành CPI cả năm 2019. Ông Hải kiến nghị "tăng vào thời điểm khác thích hợp".

Là cơ quan cùng phối hợp quản lý, điều hành mặt hàng xăng dầu, đây không phải lần đầu tiên Bộ Công Thương nêu lo ngại về thời điểm tăng thuế môi trường với xăng. Cũng tại một cuộc họp của Ban chỉ đạo giá hồi tháng 7, chính ông Đỗ Thắng Hải đã nêu vấn đề này và đề nghị chưa tăng ngay thuế bảo vệ môi trường với xăng.

Theo tính toán của Chính phủ trong tờ trình xây dựng dự thảo, tăng thuế môi trường với xăng, dầu chỉ khiến CPI năm 2019 tăng 0,07 – 0,09%.

Nhân viên Petrolimex bơm xăng cho khách hàng. Ảnh: Petrolimex.

Trong khi đó, đại diện Vụ Chính sách thuế Bộ Tài chính cho biết, thuế môi trường cho xăng E5 tăng tới kịch trần nhưng chỉ ở mức 3.850 đồng một lít, thấp hơn ngưỡng thuế 4.000 đồng của xăng khoáng. Ngoài ra, Bộ Tài chính đang hướng dẫn hoàn lại 2% thuế tiêu thụ đặc biệt của xăng E5 RON92 (dự kiến khoảng 700 tỷ đồng) cho các doanh nghiệp nhập khẩu, khuyến khích việc sản xuất, phân phối và tiêu thụ loại xăng sinh học này.

Nêu quan điểm, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng giá của xăng sinh học E5 RON92 (mặt hàng chiếm 41% thị phần tiêu thụ trong nước) thấp hơn so với RON 95. Do vậy, Bộ Công Thương phải truyền thông tốt về chất lượng xăng E5, giá cả hợp lý sẽ tăng cơ cấu tiêu thụ, góp phần giảm mặt bằng giá xăng cũng như giảm tác động tới CPI.

Cũng tại cuộc họp, báo cáo về công tác điều hành giá xăng dầu 9 tháng qua, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết việc “xả” Quỹ bình ổn xăng dầu với liều lượng phù hợp theo chỉ đạo của Phó thủ tướng đã giúp giá xăng E5 RON 92 chỉ tăng 10,9% so với đầu năm và xăng RON 95 chỉ tăng 6%, trong khi giá xăng dầu thành phẩm trên thị trường Singapore tăng trên 22%.

“Việc sử dụng Quỹ bình ổn không chỉ giúp giảm CPI mà còn hỗ trợ tốt cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống của người dân”. Số liệu đến 31/8 cho thấy, các doanh nghiệp đã trích Quỹ 5.500 tỷ đồng để điều hành giá xăng và số dư đang là 3.100 tỷ đồng.

Tuy nhiên, diễn biến giá xăng dầu thế giới đang tăng nhanh và theo quy luật loại nhiên liệu này được sử dụng nhiều hơn vào mùa đông. Từ nay đến Tết Nguyên đán 2019 còn 5 tháng nữa, Thứ trưởng Công Thương cho rằng, cần phải “gia cố” Quỹ bình ổn xăng dầu trên cơ sở điều hành trích lập, xả phù hợp với thực tế, để "bảo đảm không tăng giá vào dịp Tết".

Liên quan tới ý kiến "thả nổi" giá bán lẻ xăng dầu và sửa công thức tính giá cơ sở xăng dầu tại cuộc họp của Tổ công tác Thủ tướng tại Petrolimex, ông Đỗ Thắng Hải cho hay, đề xuất này không phải của Bộ Công Thương.

Ông cho biết, Bộ này vừa huỷ quyết định công nhận thương nhân nhập khẩu xăng dầu của 3 đơn vị nên hiện nay cả nước có 27 đầu mối nhập khẩu, phân phối xăng dầu, trong đó có 3 đầu mối nhập khẩu xăng dầu hàng không.

“Với số lượng như vậy cũng chưa thể nói là đúng nghĩa thị trường được", ông nói. Thứ trưởng Công Thương so sánh và dẫn chứng về cạnh tranh trong thị trường vận tải với hàng chục hãng taxi, trước đây giá xăng tăng thì các hãng cũng tăng giá cước. Nhưng khi giá xăng giảm thì họ lâu giảm hoặc giảm ít.

"Nếu bỏ giá cơ sở thì xăng dầu cũng như vậy, bởi nó là công cụ để bảo đảm việc điều chỉnh giá kịp thời với thị trường, bảo đảm hài hoà lợi ích của người dân và doanh nghiệp xăng dầu”, ông Hải nói thêm.

Tác giả: Nguyễn Hoài

Nguồn tin: Báo VnExpress

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP