Ngày 16-10, Hội nghị lần thứ 18, Ban Chấp hành Đảng bộ TP HCM khóa X nhiệm kỳ 2015-2020 đã bế mạc sau 2 ngày làm việc. Phát biểu chỉ đạo, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân dành nhiều thời gian để nói về dự án Nhà hát Giao hưởng, Nhạc và Vũ kịch vì khi HĐND thông qua, dự án nhận được nhiều ý kiến băn khoăn.
Làm ở Thủ Thiêm là phù hợp
Về ý kiến cho rằng tiền đền bù cho người dân Thủ Thiêm chưa có lấy tiền đâu xây nhà hát, Bí thư Nguyễn Thiện Nhân cho biết sau khi có kết luận của Thanh tra Chính phủ, Thường trực Thành ủy, UBND TP đã họp nhiều lần và xây dựng giải pháp cho việc này. Sau đó, lãnh đạo TP gặp người dân trao đổi thêm để tìm sự đồng thuận, rồi mới ban hành giải pháp. Tiền bồi thường cho người dân Thủ Thiêm được dùng từ nguồn ngân sách, còn tiền đầu tư cho nhà hát là từ nguồn khác (bán đấu giá lô đất 23 Lê Duẩn, quận 1)... "Hai việc này hoàn toàn khác nhau" - Bí thư Nguyễn Thiện Nhân khẳng định.
Nhà hát xây dựng sẽ phục vụ ai? Ông Nguyễn Thiện Nhân đưa ra so sánh hơn 100 năm trước người Pháp xây dựng Nhà hát TP khi dân số chỉ khoảng 100.000 dân. Còn bây giờ TP có hơn 10 triệu người, trong đó có 5 triệu lao động, 30% lao động có trình độ đại học, cao đẳng, cao gấp 3 lần bình quân cả nước, 100.000 người nước ngoài… Cho nên việc xây dựng nhà hát bên cạnh để thỏa mãn nhu cầu nghệ thuật của người dân thì đây còn là nơi đào tạo, dần dần hình thành nhu cầu thưởng thức nghệ thuật cho mọi người. Ngoài ra, nhà hát dự tính xây có thiết kế tốt, sân khấu rộng thì ngoài giao hưởng, ba-lê, opera, vẫn có thể biểu diễn được các hoạt động văn nghệ bình thường khác như cải lương chẳng hạn. Đặc biệt, Bí thư Thành ủy thông tin nhà hát giao hưởng của TP đã được thành lập từ năm 1993, đến nay có 200 người nhưng hiện vẫn đi "ở trọ". Văn phòng thì dưới Nhà hát Thành phố, dàn nhạc thì để ở rạp Thanh Vân, còn múa thì tập ở lầu 3 Thư viện Khoa học tổng hợp. Ba chỗ này 1 năm tiền thuê hết 900 triệu đồng ngân sách. "Ngoài ra, có nhà hát sẽ là nơi diễn, tập luyện và đào tạo cho thế hệ sau tốt hơn" - Bí thư Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh.
Nhà hát có nằm trong quy hoạch hay không? Bí thư Thành ủy TP khẳng định Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch TP HCM từ 2011-2015 có 7 công trình trọng điểm, trong đó có nhà hát này. Chưa kể nhiều kỳ đại hội đều nhắc phải xây dựng nhiều công trình tiêu biểu trong đó có nhà hát. Lẽ ra nhà hát phải xây xong từ năm 2015. Lý giải vì sao nhà hát đưa về Thủ Thiêm, Bí thư Thành ủy TP thông tin lúc đầu tính đưa về Công viên 23 Tháng 9 (quận 1) nhưng ở đây vướng giao thông, công viên cho người dân. Do vậy, TP quyết định đưa nhà hát về Thủ Thiêm bởi nơi đây sẽ có cụm nhà hát, trung tâm triển lãm, công viên bờ sông, trung tâm giải trí, quảng trường sẽ phù hợp hơn nhiều.
Trước việc dư luận cho rằng đầu tư 1.500 tỉ đồng xây nhà hát sẽ khiến các công trình dân sinh khác bị ảnh hưởng, ông Nguyễn Thiện Nhân nói rõ trong nhiệm kỳ này, tiền xây trường học, bệnh viện là 34.633 tỉ đồng, như vậy so với nhà hát gấp 23 lần… Nói vậy để thấy, TP rất chú trọng xây dựng trường học, bệnh viện phục vụ người dân.
Được thành lập từ năm 1993 nhưng đến nay, Văn phòng Nhà hát Giao hưởng, Nhạc và Vũ kịch TP HCM vẫn “ở nhờ” trong Nhà hát Thành phố. Ảnh: HOÀNG TRIỀU |
Hàng loạt việc phải làm ngay
Trước đó, phát biểu mở đầu phiên bế mạc, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân cũng chỉ ra hàng loạt đầu việc cần hoàn thành trong thời gian tới. Cụ thể, TP cùng đồng lòng phát huy trách nhiệm, sáng tạo của công chức và cán bộ đảng viên, vận động cuộc thi đua 3 tháng (từ tháng 10-2018 đến hết tháng 1-2019). Đợt thi đua này nhằm vào việc hiện nay người dân và doanh nghiệp (DN) rất mong đợi, đó là cải cách hành chính. Vì vậy, đợt thi đua này mỗi cơ quan, đơn vị, có một đề xuất cải cách hành chính giảm phiền hà cho người dân và DN. "Không đợi văn bản chỉ đạo, ngay từ bây giờ các đơn vị phải chủ động chọn nội dung để thi đua, vì đây chính là tiền đề cho năm 2019 - năm cải cách hành chính, thực hiện thành công" - Bí thư Nguyễn Thiện Nhân chỉ đạo.
Kế tiếp, thực hiện quyết liệt 7 chương trình đột phá cộng với đợt vận động người TP HCM không xả rác ra đường và kênh rạch, góp phần giảm ngập và xây dựng TP xanh - sạch - đẹp.
Theo Bí thư Thành ủy TP, hằng năm, TP HCM sẽ tổ chức diễn đàn kinh tế TP HCM để nhìn lại phát triển kinh tế TP, định hướng tương lai. Hơn nữa, để thúc đẩy mô hình đổi mới tăng trưởng, cũng như làm rõ nội dung nhà nước hỗ trợ DN một cách cụ thể, TP sẽ tổ chức hằng quý cuộc gặp gỡ đối thoại giữa nhà nước, DN và nhà khoa học. Ông Nguyễn Thiện Nhân cho hay cuộc đối thoại đầu tiên dự kiến tổ chức vào ngày 10-11. Nói về cách làm, ông Nguyễn Thiện Nhân ví dụ lần này sẽ làm DN ứng dụng công nghệ cao, với các vấn đề chính là họ đang làm gì, đang gặp khó khăn gì, các đơn vị làm gì để giúp DN…
Đầu việc liên quan đến chương trình nông thôn mới, Bí thư Nguyễn Thiện Nhân yêu cầu phải báo cáo rõ huyện nào làm được, huyện nào không để tìm hướng giải quyết kịp thời, hiệu quả. Các đầu việc tiếp theo gồm đẩy mạnh thực hiện quy định 1374 tiếp nhận thông tin từ 4 nguồn thông tin gồm ý kiến của cử tri, hoạt động giám sát của cơ quan dân cử, thông tin phản ánh, khiếu nại, tố cáo (của cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và nhân dân) và thông tin phản ánh của báo chí; chuẩn bị thực hiện phương án miễn học phí trung học cơ sở từ năm sau; triển khai chương trình sữa học đường...
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân nhìn nhận qua kết quả thực hiện Quy định 1374 cho thấy những trường hợp vi phạm không phải phát hiện qua nội bộ mà qua phản ánh của người dân, báo chí. Đó là điều phải suy nghĩ.
Thành lập Trung tâm báo chí TP HCM Qua vụ việc dự án Nhà hát Giao hưởng, Nhạc và Vũ kịch 1.500 tỉ đồng vừa được HĐND TP HCM thông qua khiến dư luận băn khoăn, Bí thư Thành ủy TP Nguyễn Thiện Nhân nói rằng vụ việc này TP cần rút ra bài học là phải chủ động cung cấp thông tin để dư luận hiểu rõ. Để khắc phục tình trạng trên, Bí thư Nguyễn Thiện Nhân đề nghị Ban Tuyên giáo Thành ủy, Thường trực HĐND, UBND TP nên ký kết chương trình phối hợp về truyền thông trước và sau các kỳ họp để chủ động cung cấp thông tin cho báo chí, người dân. Bên cạnh đó, sớm thành lập Trung tâm báo chí TP HCM vào tháng 12-2018. |
Bitexco báo cáo lại dự án Bình Quới - Thanh Đa Bên lề hội nghị lần thứ 18 Ban Chấp hành Đảng bộ TP HCM khóa X, sáng 16-10, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong cho biết dự án Bình Quới - Thanh Đa kéo dài đã lâu. Gần đây nhất, UBND TP HCM chỉ định liên danh Tập đoàn Bitexco và Emaar Properties PJSC (gọi tắt là EPP, công ty nước ngoài hoạt động trong lĩnh vực bất động sản) là nhà đầu tư dự án nhưng sau đó EPP xin rút vì không đồng ý một số điều khoản.
Sau khi EPP rút lui, Tập đoàn Bitexco vẫn xin thực hiện dự án. Do đó về quy định, UBND TP HCM phải nghe lại quy trình thẩm định dự án cũng như năng lực của Bitexco nếu không sẽ phải tổ chức đấu thầu lại dự án. "Hiện tôi đang nghe các sở ngành và Bitexco báo cáo lại dự án. Bitexco cũng muốn thực hiện dự án này. Nếu đầy đủ cơ sở pháp lý như ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ thì UBND TP HCM sẽ chỉ định, còn không sẽ phải tổ chức đấu thầu" - ông Nguyễn Thành Phong chia sẻ và nói thêm nếu muốn đấu thầu lại phải cần tới 800 ngày, còn nếu rút ngắn quy trình cũng mất hơn 2 năm để thẩm định lại dự án. |
Tác giả: TRƯỜNG HOÀNG
Nguồn tin: Báo Người lao động