Chiều 15/8, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân làm việc với ĐH Sài Gòn, và lắng nghe tâm tư nguyện vọng của sinh viên, giảng viên của trường.
Với thế mạnh đào tạo các ngành các ngành sư phạm, ĐH Sài Gòn đã và đang cung cấp nguồn giáo viên chất lượng cho TP.HCM và nhiều tỉnh thành khác. Nhưng, nhiều sinh viên vẫn còn băn khoăn về tương lai của nghề giáo.
Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân thăm phòng thí nghiệm thực hành của ĐH Sài Gòn. Ảnh: MN. |
Bạn Nguyễn Thị Tuyết Nhi, sinh viên năm cuối ngành Giáo dục Mầm non, bày tỏ sự lo ngại về tiền lương và chế độ phụ cấp giáo viên mầm non.
“Gần đây, TP.HCM đã bỏ điều kiện hộ khẩu khi tuyển dụng giáo viên, chúng em rất vui mừng. Tuy nhiên, hiện tại, những sinh viên mới ra trường còn gặp nhiều áp lực như lương giáo viên thấp, lớp học có sĩ số đông. Chúng em mong ban lãnh đạo có những chính sách giữ chân sinh viên sư phạm giỏi ở lại đóng góp cho thành phố, cùng với đó là môi trường để sinh viên thực tập”, Tuyết Nhi nêu ý kiến.
Ông Lê Hoài Nam, Phó giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM, cho biết việc tuyển giáo viên không phân biệt hộ khẩu là điều kiện rất thuận lợi cho sinh viên đến từ các tỉnh. Tuy nhiên, đây cũng là thách thức với các em, vì sẽ có nhiều sinh viên đến từ tỉnh thi tuyển giáo viên. Cơ hội chỉ dành cho những em thực sự cố gắng.
“Những năm qua, thành phố đã tạo điều kiện hết mức cho giáo viên mầm non. Ngoài lương chính còn có phụ cấp, theo quy định bằng 35% lương cơ bản. Thành phố còn phụ cấp thêm 35%, nghĩa là cao hơn những tỉnh thành trên cả nước. Hơn nữa, thành phố còn có chính sách hỗ trợ 100% lương cơ bản cho giáo viên mới ra trường năm đầu tiên, năm thứ hai 75%, năm thứ ba 50%”, ông Nam nói.
Đại diện lãnh đạo ngành giáo dục thành phố cũng thấu hiểu những áp lực của giáo viên mầm non vì số trẻ rất đông. Trong 1,6 triệu học sinh mỗi năm, hơn 600.000 trẻ mầm non, áp lực rất lớn đối với giáo viên. Ông Nam khuyên các sinh viên nên bồi dưỡng tình yêu nghề, yêu trẻ ngay từ khi còn trên ghế nhà trường.
Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân xem mô hình thực hành của sinh viên. Ảnh: MN. |
Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân chia sẻ với những khó khăn của giáo viên mầm non. Ông cho biết cứ khoảng 5 năm, thành phố lại tăng thêm một triệu dân. Thành phố có trách nhiệm đảm bảo học sinh từ lớp 1 trở lên phải có đầy đủ chỗ học, đảm bảo chỗ học cho trẻ 5 tuổi. 95% trẻ 3-4 tuổi đã đi học mầm non, nhưng chưa thể đảm bảo tất cả chỗ học cho các em do điều kiện kinh tế. Do đó, nhiều vấn đề xảy ra ở cấp học mầm non.
Tại buổi làm việc, bà Nguyễn Ngọc Quỳnh Dao, Trưởng khoa Giáo dục Mầm non và bà Trịnh Cam Ly, Trưởng khoa Giáo dục Tiểu học, ĐH Sài Gòn, đề nghị lãnh đạo thành phố tạo điều kiện để mở trường mầm non và tiểu học.
"Đây sẽ là nơi trường chứng tỏ kết quả đào tạo của chính mình, cũng là nơi sinh viên thực hành nghề nghiệp trước khi ra trường. Hiện tại, ngành Giáo dục Mầm non và Giáo dục Tiểu học vẫn chưa có môi trường để sinh viên thực hành", Trưởng khoa Giáo dục Mầm non đề nghị.
Ông Nguyễn Thiện Nhân đề nghị trường nên xây dựng phương án cụ thể, cần xây dựng trường như thế nào, ở đâu.
"Hiện nay, các quận đều có nhu cầu mở trường mầm non và tiểu học, chúng ta có thể tận dụng điều này kết hợp mong mỏi của nhà trường, sớm có nơi để sinh viên thực hành. Có thể xem xét mở trường ở các quận gần trường như quận 5, 10, 8", ông Nhân nói.
Tác giả: Minh Nhật
Nguồn tin: zing.vn