Ngày 22.2, đoàn công tác của Thành ủy TP.HCM do Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng dẫn đầu đã làm việc với Khu di tích lịch sử địa đạo Củ Chi.ẢNH:TRUNG HIẾU
Đại tá Trần Văn Tâm, Giám đốc Khu di tích lịch sử địa đạo Củ Chi cho hay năm 2016 khu di tích đón 1,43 triệu lượt khách, trong đó gần 600.000 du khách nước ngoài. Ngoài ra khu di tích cũng đón nhiều đoàn quốc tế tới thăm địa đạo Củ Chi.
Ông Tâm cho biết thêm mang tên Khu di tích lịch sử địa đạo Củ Chi nhưng hiện khu di tích được giao quản lý nhiều công trình di tích lịch sử của TP, tiêu biểu như: địa đạo Bến Dược, Bến Đình, trung tâm cách mạng Sài Gòn – Chợ Lớn – Gia Định, di tích lịch sử chiến khu Rừng Sác Cần Giờ… Từ đó có nhiều ý kiến đề xuất đổi tên gọi của khu di tích lịch sử này.
Qua khảo sát, có 3 tên mới được quan tâm là Trung tâm quản lý di tích đặc biệt tại TP.HCM; Trung tâm quản lý di tích lịch sử văn hóa lực lượng vũ trang TP.HCM; Trung tâm quản lý bảo tồn địa đạo và di tích lịch sử lực lượng vũ trang TP.HCM.
Bí thư Đinh La Thăng thăm các chiến sĩ ở trường quân sự thuộc Bộ tư lệnh TP.HCM
ẢNH:TRUNG HIẾU
Bí thư Đinh La Thăng cho hay địa đạo Củ Chi không những là địa danh cách mạng nổi tiếng mà còn là thương hiệu được cả nước và toàn thế giới biết tới. Do đó tên gọi mới phải vừa mang tính truyền thống, kế thừa và bao quát được giá trị lịch sử của địa đạo này. Việc đổi tên cần thận trọng, tiếp thu và lấy ý kiến của người dân, bậc lão thành cách mạng.
“Việc đổi tên ít nhất phải giữ lại được cụm từ địa đạo Củ Chi. Ví dụ như Trung tâm bảo tồn di sản địa đạo Củ Chi và di tích lịch sử quốc gia ở TP.HCM. Đó là nêu vậy chứ thực ra tôi không ủng hộ lắm việc đổi tên vì tên gọi Khu di tích lịch sử địa đạo Củ Chi gắn với người dân trong nước và thế giới rồi”, ông Thăng nói.
Trước đó, Bí thư Đinh La Thăng đi thăm và làm việc với trường quân sự thuộc Bộ Tư lệnh TP.HCM ở xã Nhuận Đức, H.Củ Chi.
Trung Hiếu