Một ngày cuối tháng 3, bà Đỗ Thị Xuân ra TAND Hà Nội trong phiên phúc thẩm về tội Cố ý gây thương tích. Bị hại và người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan là bố và cô em chồng cũng có mặt tại phiên xử.
Trong hơn một giờ ngồi đợi Hội đồng xét xử vào phòng làm việc, bà Xuân cùng bố và em chồng không nói với nhau một lời. Việc phải ra trước tòa lần này, do bà Xuân có đơn kêu oan, cho rằng không phạm tội với cô em chồng và bố. Trong khi đó, cụ Hanh và bà Thúy (bố và em chồng) không đồng tình với phán quyết của cấp sơ thẩm chỉ buộc bị cáo bồi thường hơn 5 triệu đồng, cũng như án 6 tháng tù treo với bà Xuân là quá nhẹ nên có đơn chống án.
Ba người trong gia đình lần thứ hai đưa nhau ra trước tòa.
Bà Xuân về làm dâu đã hơn 20 năm nay, được bố chồng chia cho một mảnh đất, phần nhiều là ao chum. Theo bà, từng đó thời gian, hai vợ chồng đã chăm chỉ gánh đất để đổ, lấp ao, xây dựng nhà cửa. Nhưng thời gian gần đây, giữa bà và bố chồng có nhiều mâu thuẫn vì ông cụ cho rằng nàng dâu “cướp đất” của gia đình mình.
“Cụ cho bao nhiêu thì vợ chồng tôi hưởng bấy nhiêu”, bà Xuân nói. Về làm dâu nhà cụ, một mình bà chăm lo kinh tế gia đình, vì người chồng thương binh, không giúp được gì. Hàng ngày bà chạy chợ, buôn bán để mưu sinh, nuôi các con ăn học, khôn lớn. Gia đình chồng có 6 anh em và ai cũng được chia phần đất, ngay cả con gái cũng được ông chia cho một mảnh gần 5 anh trai.
Mẫu thuẫn âm ỉ cho đến một ngày cuối tháng 6/2016, đi chợ về bà Xuân thấy bố chồng đập phá cổng nhà mình. Sau đó, giữa nàng dâu và gia đình bên chồng xô xát. Bà Xuân đã dùng mẩu gỗ tấn công em gái chồng, khiến nạn nhân thương tích 3%.
Do có đơn đề nghị xử lý hình sự từ bị hại, ngày 4/1, TAND huyện Gia Lâm mở phiên xử, tuyên phạt bà Xuân 6 tháng tù treo tội Cố ý gây thương tích.
Bà Xuân sau đó có đơn kêu oan, tuy nhiên tại phiên phúc thẩm với nhận thức hành vi của mình là sai nên bà chỉ xin giảm nhẹ hình phạt.
“Tôi thề còn hai đứa con và các cháu, tôi không bao giờ đánh hay chửi bố chồng mình”, bà Xuân nức nở. Theo bà, hôm đi chợ về thấy bố chồng đập phá trụ cổng, khi hai bên to tiếng, em gái chồng đã chạy sang chửi bới và cùng hai người khác lao vào tấn công. “Tôi bị xé rách quần và bị bố chồng vụt bằng ba toong”, bà Xuân nói và cho hay, lúc ấy vơ được gì là tấn công lại.
Về phía bố và em chồng bà Xuân thì giữ nguyên kháng cáo. Người em chồng cho rằng, hôm xảy ra sự việc, “nghe thấy chị dâu chửi bố đẻ nên bức xúc”.
Người bố chồng có mặt tại tòa, nhiều lần đứng lên tố con dâu hỗn xược với mình. Trong khi thừa nhận có dùng ba toong vụt nàng dâu, ông vẫn đề nghị tòa: “Đánh người phải xử lý theo pháp luật” và bản án 6 tháng tù treo với bà Xuân là quá nhẹ. Ông cho biết, trong 3 năm qua từng bị con dâu đánh nhưng không có “một nửa lời nào xin lỗi”.
Nghe vậy, bà Xuân vội thanh minh, nhiều lần sang để xin lỗi bố cùng các em nhưng đều bị họ từ chối. Ngay cả trước phiên phúc thẩm này, được con trai cho 5 triệu đồng bồi thường, bà đã nộp tới cơ quan thi hành án để thể hiện thành tâm.
Sau thẩm vấn, chứng kiến việc hai bên còn “nặng nhẹ” với nhau, chủ tọa khuyên giải: “Anh em trong gia đình thì phải biết rào giậu cho nhau. Mỗi người cần nhìn lại cách cư xử cho phải đạo”.
Cuối phiên xử, tòa bác đơn của các bên, giữ nguyên án phạt và các quyết định của cấp sơ thẩm.
Việt Dũng