Chăm sóc sức khỏe

Bệnh do virus Zika: ‘80% có thể tự khỏi’

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho hay bệnh nhân nhiễm virus Zika đều được chữa khỏi. Thế giới chưa ghi nhận trường hợp tử vong do virus này.

Sáng 5/4, Bộ Y tế chính thức công bố 2 ca nhiễm virus Zika đầu tiên tại Việt Nam tại Nha Trang và TP HCM.

Bệnh lây lan nhanh nhưng không nguy hiểm

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhận định khả năng lây virus Zika sắp tới có thể gia tăng, đặc biệt ở các tỉnh mới công bố ca bệnh.

Nguy cơ lây lan nhanh là do Việt Nam nằm trong vành đai sốt xuất huyết với sự lưu hành của vecto muỗi vằn rất phổ biển. Bên cạnh đó, hiện nay chưa có biện pháp đặc hiệu đối với căn bệnh này.

Benh do virus Zika: '80% co the tu khoi' hinh anh 1
Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long chủ trì cuộc họp thông tin về hai ca nhiễm virus Zika tại Việt Nam. Ảnh: HQ

Tuy nhiên, Bộ Y tế khuyến cáo người dân không nên quá lo lắng bởi đặc trưng của bệnh này thường diễn biến nhẹ. Thậm chí, bệnh không nguy hiểm bằng sốt xuất huyết bởi chưa ghi nhận trường hợp nào tử vong do virus Zika. Các bệnh nhân chỉ tử vong về chứng não nhỏ chứ không phải Zika.

“Bộ Y tế đã ban hành phác đồ chẩn đoán và điều trị tại tất cả các cơ sở y tế cũng như chuẩn bị thuốc men, cơ sở vật chất, bao gồm hóa chất trong quá trình xét nghiệm. Kể cả trong tình huống nào chúng ta cũng sẵn sàng”, ông Long khẳng định.

Thứ trưởng Bộ y tế khẳng định bệnh nhân nhiễm virus Zika đều được chữa khỏi

Ông Long cho biết thêm, 80% bệnh nhân có các biểu hiện lâm sàng nhẹ, không có triệu chứng và tự khỏi nên không ảnh hưởng lớn đến sức khỏe. Đặc biệt tất cả các trường hợp nhiễm virus Zika được điều trị đều khỏi.

Phụ nữ mang thai nên làm gì?

Các chuyên gia lo ngại do mối liên quan tiềm ẩn giữa nhiễm virus Zika và chứng đầu nhỏ ở trẻ sơ sinh nên phụ nữ mang thai được khuyến cáo là đối tượng cần quan tâm và giám sát sức khỏe. Việt Nam đã có một thai phụ nhiễm virus này và đang được theo dõi.

Đối với phụ nữ mang thai, đặc biệt trong vòng 3 tháng đầu thai kỳ nếu có các biểu hiện như sốt, phát ban, viêm kết mạc, cần lập tức đến các cơ sở y tế đã được khám.

Hiện các cơ sở sản khoa tuyến tỉnh trở lên đều có khả năng theo dõi khi phát hiện bất cứ dấu hiệu bất thường nào về thai nhi. Khi đó, các bác sĩ và người nhà sẽ thảo luận để đưa ra kết luận cuối cùng.

Không giới hạn đi lại

“Hiện nay chúng tôi không đặt vấn đề kiểm soát cửa khẩu du lịch bởi trong nước ta đã ghi nhận dịch. Cũng như thế giới, chúng ta không hạn chế việc đi lại, du lịch, làm ăn giữa các vùng, kể cả vùng có dịch. Tuy nhiên, phụ nữ có thai cần cân nhắc khi có ý định tới các vùng này”, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết.

Tuy nhiên, ông Long nhấn mạnh, mặc dù Việt Nam ghi nhận hai trường hợp nhiễm virus Zika song người dân không nên quá lo lắng về hội chứng não nhỏ.

Ông phân tích, hiện nay, Brazil, một nước ghi nhận rất nhiều trường hợp não nhỏ ở trẻ sơ sinh, chỉ có 944/6.776 trường hợp não nhỏ nghi có liên quan đến virus Zika.

Hay Colombia là một nước ghi nhận rất nhiều trường hợp nhiễm virus Zika, trong đó có nhiều phụ nữ mang thai song chỉ có hơn 30 trường hợp thai nhi mắc chứng não nhỏ. Vì vậy, hiện Tổ chức Y tế Thế giới vẫn đang tiếp tục tìm các bằng chứng liên quan về mối liên hệ chưa rõ ràng này.

Benh do virus Zika: '80% co the tu khoi' hinh anh 2
Virus Zika bị nghi có mối liên quan đến chứng não nhỏ ở trẻ sơ sinh.

Diệt muỗi là giải pháp duy nhất

Thứ trưởng Long, biện pháp hữu hiệu nhất đề tránh nhiễm virus Zika hiện nay là tăng cường diệt bọ gậy, loăng quăng, tránh bị muỗi đốt.

Các cá nhân trong vùng dịch áp dụng các biện pháp diệt muỗi và tránh muỗi đốt như mặc quần áo kín, dùng các thuốc xua đuổi côn trùng.

Tiến sĩ Vũ Đức Chính, Trưởng khoa Côn trùng, Viện Sốt rét – Ký sinh trùng – Côn trùng Trung ương cho biết muỗi Aedes chủ yếu đẻ trứng ở các ổ nước sạch trong nhà hoặc gần nhà (ống máng, lọ hoa, đồ vỏ hộp), hốc cây, kẽ lá, vũng nước dưới đất, trong vườn, dụng cụ chứa nước có nhiều lá cây.

Muỗi trưởng thành thích đốt người, chó, mèo, gà. Đặc biệt, chúng chủ yếu đốt người vào ban ngày chứ không phải ban đêm. Do đó người dân cần chú ý ngủ mùng cả ngày tránh muỗi đốt.

Vùng có dịch cần triển khai các biện pháp diệt muỗi như quy trình phòng tránh dịch sốt xuất huyết, đảm bảo vệ sinh môi trường, loại bỏ các vật dụng đọng nước như các mảnh vỡ, lốp xe, vỏ lon, vũng nước đọng.

Tại hai thành phố ghi nhận virus Zika, Bộ Y tế đã tiến hành diệt muỗi diệt rộng. Tại Khánh Hòa, Viện Parter Nha Trang đã phối hợp với UBND tỉnh khoanh vùng ổ dịch trong vùng bán kính 200 m, phun thuốc diệt muỗi trên diện rộng.

“Sáng 6/4, chúng tôi sẽ tiếp tục phun trên diện rộng tại một số khu vực có khách du lịch lớn”, ông Long thông tin.

Virus Zika được phát hiện đầu tiên từ khỉ Rhesus vào năm 1947 tại Uganda và vào năm 1948 phát hiện trên muỗi Aedes. Muỗi truyền bệnh thuộc nhóm Aedes là loài muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết. Thời gian ủ bệnh 3-12 ngày. Người bệnh có biểu hiện sốt, phát ban trên da, viêm kết mạc, đau khớp, đau cơ, mệt mỏi và đau đầu.

Hà Quyên

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP