Vị trí và hướng di chuyển bão số 8 - Ảnh: NCHMF |
Chiều 12-10, Phó thủ tướng - Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai Lê Văn Thành chủ trì họp trực tuyến với các bộ, ngành, các tỉnh từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế ứng phó với bão số 8.
Bão suy yếu 2-3 cấp trước khi đổ bộ
Ông Mai Văn Khiêm, giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, cho biết lúc 16h chiều nay, bão số 8 mạnh cuối cấp 10, đầu cấp 11. Hiện bão đang cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 500km, cách đất liền các tỉnh Trung Bộ khoảng 1.000km về phía đông.
"Từ hơn 50 phương án tính toán của Việt Nam và trao đổi với cơ quan khí tượng Nhật, Hong Kong… thì đều nhận định bão có hoàn lưu rất rộng, khoảng 300-500km. Trong 3-4 giờ qua, bão di chuyển rất nhanh (khoảng 35km/h), dự kiến đêm nay bão sẽ mạnh lên cấp 11.
Do tác động của không khí lạnh nên khi đi đến quần đảo Hải Nam (Trung Quốc) bão có xu hướng giảm cường độ. Khi tiếp cận bờ, các phương án tính toán bão suy yếu 2-3 cấp. Bão đổ bộ vào đất liền các tỉnh Thanh Hóa đến Quảng Bình với cường độ khoảng cấp 8, giật cấp 10 vào rạng sáng 14-10", ông Khiêm nói.
Ông Khiêm cho biết từ đêm mai 13-10 đến ngày 14-10, ở vùng ven biển từ Quảng Ninh đến Quảng Bình có gió mạnh dần lên cấp 6-7, giật cấp 9, một số nơi ở phía Bắc hoàn lưu bão có gió mạnh cấp 8, giật cấp 10 do kết hợp với không khí lạnh.
Ở khu vực bắc Biển Đông (bao gồm vùng biển quần đảo Hoàng Sa) có gió mạnh cấp 8-9, vùng gần tâm bão đi qua mạnh cấp 10-11, giật cấp 14, sóng biển cao từ 5-7m. Ở vịnh Bắc Bộ (bao gồm cả huyện đảo Bạch Long Vĩ) và vùng biển từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi (bao gồm huyện đảo Cồn Cỏ) có gió mạnh cấp 6, từ ngày mai tăng lên cấp 7-8, vùng gần tâm bão mạnh cấp 9, giật cấp 11, sóng biển cao từ 3-5m.
Ven biển các tỉnh từ Thái Bình đến Hà Tĩnh cần đề phòng nước dâng do bão cao từ 0,4-0,6m, kết hợp với triều cường gây ngập úng tại các khu vực trũng, thấp vào sáng 14-10.
Về mưa, ông Khiêm cho biết từ 13 đến 15-10, mưa lớn tập trung ở Bắc Trung Bộ và Bắc Bộ với lượng mưa phổ biến từ 100-150mm/đợt, có nơi trên 200mm/đợt, riêng Thanh Hóa đến Quảng Bình phổ biến 150-250mm/đợt, có nơi trên 300mm/đợt.
Từ 16 đến 19-10, do ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường kết hợp với dải hội tụ nhiệt đới nên ở khu vực Trung Bộ nên mưa lớn ở khu vực từ Hà Tĩnh đến Khánh Hòa, trọng tâm Quảng Trị đến Quảng Nam.
Sẵn sàng sơ tán 247.000 dân
Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai, đến 16h chiều nay đã kiểm đếm, hướng dẫn 53.944 tàu/233.335. Hiện còn 3 tàu/29 người (Quảng Ngãi) hoạt động ở bắc Biển Đông và quần đảo Hoàng Sa đã nắm được thông tin về bão và dự kiến tránh trú trên các đảo Đá Lồi, Linh Côn.
Các tỉnh Quảng Ninh, Thái Bình, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam đang duy trì cấm biển.
Các tỉnh từ Thanh Hóa - Thừa Thiên Huế dự kiến sơ tán 65.425 hộ/247.997 người với bão cấp 8-10 đổ bộ.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Hoàng Nghĩa Hiếu cho biết dù đã quen việc ứng phó với bão nhưng tỉnh vẫn chỉ đạo không chủ quan. Theo dự báo, Nghệ An - Hà Tĩnh là nơi tâm bão đổ bộ, mưa khoảng 250-300mm.
Từ 0h ngày 10-10, tỉnh đã cấm biển, hiện tất cả các tàu đã neo đậu an toàn. Về sản xuất, 66.000ha lúa hè thu đã thu hoạch, còn khoảng 10.000ha lúa đang chỉ đạo thu hoạch với phương châm "xanh nhà hơn già đồng".
"Nghệ An lên 5 kịch bản ứng với từng cấp độ, từ cấp 8 đến cấp 13, nước biển dâng từ 1-5m. Tỉnh đã chỉ đạo các vùng dưới khu vực sạt lở di dân 100% trong chiều tối nay. Nghệ An có nhiều người dân đi hái măng rừng nên tỉnh đã kêu gọi lực lượng này về để đảm bảo an toàn mưa lũ", ông Hiếu nói.
Phó thủ tướng Lê Văn Thành yêu cầu lo chỗ ăn, chỗ ở cho người dân ở các tỉnh phía Nam hồi hương - Ảnh: CHÍ TUỆ |
Phó chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Đặng Ngọc Sơn cho biết tỉnh ban hành văn bản kích hoạt phương án chống dịch cao nhất. Toàn bộ tàu thuyền của tỉnh đã vào bờ an toàn và tỉnh cấm biển từ 9h sáng nay.
"Các hồ đập của Hà Tĩnh cơ bản đầy nước, tỉnh đang chỉ đạo các hồ xả tràn để đón lũ. Tỉnh giao các địa phương rà soát các hộ dân, tại các vùng có nguy cơ lũ quét, sạt lở đất, ngập lụt để sẵn sàng sơ tán dân. Chỉ đạo các địa phương có tuyến 1A, đường Hồ Chí Minh chạy qua kiểm tra nhà ở, nhà khách sạn… để sẵn sàng cho bà con từ các tỉnh phía Nam về đi qua tránh trú bão.
Hà Tĩnh có 4 kịch bản sơ tán dân, đang dự kiến sơ tán ở kịch bản 1 bão đổ bộ cấp 8-9 với khoảng 16.000 người ở 6 huyện, thị", ông Sơn nói.
Lo chỗ ăn, ở cho bà con hồi hương
Phó thủ tướng Lê Văn Thành nhấn mạnh vừa qua chúng ta triển khai rất tốt công tác phòng chống, thiệt hại do bão số 7 gây ra không lớn. Với cơn bão số 8, cố gắng bám sát tình hình, để làm sao hạn chế thấp nhất thiệt hại, không được mất cảnh giác, chủ quan...
Ông Thành đánh giá cao các địa phương đã bám sát chỉ đạo của trung ương, triển khai bài bản chi tiết, tuy nhiên còn một số việc cần tập trung cao hơn nữa như nắm chắc tàu thuyền của ngư dân trên biển, người dân ở trên rừng đi lấy măng thì kêu gọi bà con, tàu thuyền vào bờ.
"Cố gắng không để bà con ở trên biển. Phương án sơ tán ở các khu vực ngập lụt, sạt lở cần phải khảo sát, tránh trường hợp di dân dồn vào khu cách ly, tách riêng để đảm bảo bà con nhân dân an toàn", ông nói.
Đối với bà con nhân dân từ các tỉnh phía Nam ra phía Bắc, theo báo cáo vẫn còn hàng chục nghìn người vẫn còn đang di chuyển, phó thủ tướng giao địa phương bố trí, phân công thông báo sớm, đưa về khu tập trung, giúp người dân chỗ ở, ăn uống, sau bão mời bà con di chuyển tiếp.
Tác giả: CHÍ TUỆ
Nguồn tin: Báo Tuổi Trẻ